Thượng đỉnh Trump-Tập G-20 là cuộc chiến giữa hai hệ thống không thể hòa giải
- Tân Bình
- •
Cuộc gặp được chờ đợi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G-20 tại Argentina sắp tới có thể là cơ hội duy nhất để hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giải quyết tranh chấp thương mại hiện tại.
Mâu thuẫn Mỹ-Trung đã leo thang tới điểm không thể thoái lui. Ông Trump đang có ý định sẽ thực thi kế hoạch áp đặt thuế quan lên toàn bộ hàng hóa nhập từ Trung Quốc nếu Bắc Kinh không thay đổi cách thức thực thi thương mại của họ. Chính phủ Mỹ hiện tại cũng đã áp dụng các biện pháp bổ sung để trừng phạt Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ, ví như áp đặt lệnh cấm xuất khẩu và truy tố công ty Phúc Kiến Kim Hoa – nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu Trung Quốc.
Trao đổi với báo giới tuần trước ông Trump đã bày tỏ rằng ông sẽ không lùi bước trong thương chiến với Trung Quốc. Tổng thống Mỹ cho hay: “Tôi đã chuẩn bị rất kỹ [cho cuộc đàm phán G-20], tôi đã dành cả cuộc đời mình chuẩn bị cho nó”.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã đưa ra một số nhượng bộ trước thềm hội nghị G-20, dường như thể hiện thiện chí sẵn sàng đàm phán, chẳng hạn như phê duyệt cho công ty bảo hiểm Allianz có trụ sở tại Đức được thành lập công ty con tại Trung Quốc với 100% vốn nước ngoài.
Tuy nhiên, trong khi Mỹ đang tìm cách đàm phán để đạt được kết quả có lợi cho người dân Mỹ và cho phép thương mại công bằng, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ quan tâm tới việc duy trì quyền lực của họ.
Chế độ Trung Quốc đang rơi vào khủng hoảng. Tăng trưởng quốc nội giảm sút đang gây sức ép lên nền kinh tế đất nước này. Đây là hậu quả của việc Mỹ đánh thuế nhập khẩu khiến cho thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc và các nhà sản xuất chuyển nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, với thể chế độc tài đặt kiểm soát ngột ngạt lên mọi khía cạnh đời sống nhân dân, cách duy nhất mà ĐCSTQ có thể dập tắt bất đồng chính kiến và biện minh cho sự cai trị của mình là phải làm cho nền kinh tế tăng trưởng. Sau đó, ĐCSTQ sẽ tuyên bố họ có công làm cho đất nước thịnh vượng, nhân dân giàu có.
Đối mặt với các vấn đề kinh tế gia tăng, đe dọa trực tiếp tới tính hợp pháp của đảng cầm quyền, chế độ Trung Quốc có thể lựa chọn nhượng bộ, nhưng điều đó cũng sẽ chỉ là một chiến thuật của ĐCSTQ để tiếp tục thúc đẩy lợi ích của chính nó mà thôi.
Chỉ dựa vào thị trường tiêu dùng nội địa, Trung Quốc không thể tạo động lực cho sự tăng trưởng kinh tế. Bởi vì đa số người dân Trung Quốc vẫn còn ở mức nghèo khó hoặc chỉ kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống.
Chế độ Trung Quốc cần thị trường nước ngoài, trong đó có tiền đầu tư nước ngoài và thị trường xuất khẩu để duy trì sự giàu có của nó. Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2001, Trung Quốc đã mở cửa thị trường cho đầu tư nước ngoài. Trung Quốc đã trở thành công xưởng khổng lồ với khối lượng xuất khẩu lớn nhất thế giới. Điều này giúp cho mức sống được cải thiện và tầng lớp trung lưu gia tăng. ĐCSTQ có thể tuyên bố rằng họ có công đưa đất nước này trở thành một siêu cường.
Nhưng bản chất cố hữu của cộng sản Trung Quốc và hồ sơ lịch sử trong việc xử lý các cuộc đàm phán quốc tế của họ chỉ ra rằng Trung Quốc cộng sản sẽ không bao giờ thực sự mở cửa để áp dụng theo mô hình kinh tế phương Tây.
Trung Quốc có lịch sử lợi dụng WTO
Vào cuối những năm 1990, khi thực hiện các cuộc đàm phán để cho phép Trung Quốc gia nhập WTO, Mỹ và các thành viên khác đã đưa ra một danh sách các cam kết yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ nhằm cải cách thị trường với hy vọng rằng tự do hóa kinh tế sẽ thúc đẩy đất nước này trở thành một xã hội tự do và cởi mở hơn.
Chế độ Trung Quốc đã không có ý định tuân thủ các cam kết đó. Nhưng để đảm bảo được gia nhập WTO, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Chu Dung Cơ đã nói: “Quy định là cứng nhắc, nhưng con người thì linh hoạt”. Bắc Kinh sẽ nghiên cứu các quy định của WTO để tìm ra lỗ hổng.
Để thực hiện điều đó, các quan chức Trung Quốc đã nghiên cứu các mô hình kinh tế và luật pháp phương Tây không phải để cải cách trong nước phù hợp với chúng mà là để khai thác các mẫu hình đó đem lại lợi thế cho ĐCSTQ.
Kế hoạch “Made in China 2025” là một ví dụ điển hình cho cách làm này. Kế hoạch này của Trung Quốc dựa theo chương trình “Industry 4.0” của Đức với tham vọng đưa chế độ Bắc Kinh trở thành siêu cường về sản xuất công nghệ cao, có khả năng giành được thị phần với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu. Trung Quốc đã thúc đẩy một nghị trình toàn diện để thâu tóm bí quyết công nghệ thông qua tấn công mạng trực tuyến, mua đa số cổ phần của các công ty nước ngoài và chiêu dụ các kỹ sư và nhà khoa học từ nước ngoài.
Chế độ Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn những gì họ đã cam kết với WTO bằng việc trợ cấp cho các ngành công nghiệp nội địa, chống đỡ cho các công ty nhà nước, thúc đẩy chính sách hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài từ việc ép các công ty nước ngoài chuyển giao sở hữu trí tuệ cho đối tác liên doanh nội địa cho tới việc đặt hạn ngạch vốn sở hữu nước ngoài.
Trung Quốc bây giờ có thể quyết định mở ra một số biện pháp để nắm chặt các phương tiện hợp pháp duy nhất của Đảng. Nhưng thời gian đã chứng minh chế độ này không bao giờ thực hiện những gì họ đã hứa.
Chẳng hạn như thỏa thuận an ninh mạng do Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký kết năm 2015, hứa hẹn hai nước không thực hiện tấn công mạng lẫn nhau. Nhưng Viện Chính sách Chiến Lược Úc hồi tháng Chín phát hành một báo cáo cho thấy Trung Quốc đã không dừng các cuộc tấn công mạng như vậy, thay vào đó họ thực hiện các cuộc tấn công nhắm mục tiêu, phức tạp hơn để gây khó cho việc phát hiện.
Một nhà nghiên cứu an ninh nói trong báo cáo nêu trên rằng: “Bắc Kinh không bao giờ có ý định dừng gián điệp thương mại. Họ chỉ có ý định ngăn chặn việc bị lật tẩy”.
Một bộ phận dân chúng Trung Quốc ủng hộ ông Trump
Sau khi các báo cáo về việc các công ty nhà nước Trung Quốc gia tăng mua đa số tài sản trong các công ty tư nhân; yêu cầu thành lập các chi bộ Đảng tại các doanh nghiệp tư nhân này; và các giám đốc điều hành tại nhiều tập đoàn lớn từ chức và bị bỏ tù hoặc bị điều tra, nhiều doanh nghiệp và giám đốc điều hành khối tư nhân đang lo lắng về việc nhà nước Trung Quốc ngày càng xâm nhập sâu hơn vào khối doanh nghiệp tư nhân.
Nhiều người Trung Quốc hy vọng rằng cách tiếp cận cứng rắn của ông Trump sẽ ép chế độ Trung Quốc thực sự phải cải cách và từ bỏ các chính sách nâng đỡ công ty nhà nước, nhưng cản trở các doanh nghiệp tư nhân.
Như nhà phân tích và bình luận chính trị Trung Quốc Chen Pokong nói trên mạng trực tuyến gần đây, tại Trung Quốc cũng có nhiều người hâm mộ ông Trump, từ những quan chức Đảng cộng sản có tư tưởng cải cách tự do cho tới các chủ doanh nghiệp. Những người này hy vọng áp lực của Mỹ lên Trung Quốc sẽ đổi chiều sóng chống lại sự kiểm soát hà khắc của ĐCSTQ.
Trong đó, nổi bật là một blogger Trung Quốc đã sử dụng điển tích về Hạng Vũ và Lưu Bang để khuyên ông Trump giữ vững lập trường cứng rắn với chế độ Trung Quốc trong cuộc đàm phán tại G-20.
Blogger này nói về chuyện Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ đã bầy mưu ám sát đối thủ Lưu Bang tại một bữa tiệc, nhưng vào thời khắc cuối cùng, Hạng Vũ lại quyết định tha cho Lưu Bang. Đó là một quyết định phản tác dụng, vì sau đó Lưu Bang đã xâm chiếm lãnh thổ của Hạng Vũ và thống nhất Trung Quốc, lập ra nhà Hán. Hạng Vũ hổ thẹn vì thất bại đã tự sát trong trận chiến cuối cùng.
Nhấn mạnh về câu chuyện lịch sử nêu trên, blogger Trung Quốc đã viết: “Tổng thống Trump, tại Argentina, xin hãy hoàn thành công việc mà Hạng Vũ [khi xưa] đã không thể làm”. Nói cách khác, blogger này muốn ông Trump không nên mềm hóa với ĐCSTQ.
Theo The Epoch Times,
Tân Bình biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Quan hệ Mỹ - Trung chiến tranh thương mại Tập Cận Bình