Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn thuận ông Marco Rubio là Ngoại trưởng tiếp theo
- Vy An
- •
Thượng nghị sĩ (TNS) Florida Marco Rubio đã được Thượng viện Hoa Kỳ nhất trí xác nhận là Ngoại trưởng tiếp theo của nước này. Ông Rubio cũng là ứng cử viên Nội các đầu tiên của Tổng thống Trump nhận được sự chấp thuận từ Quốc hội.
Ông Rubio, giữ vai trò TNS từ năm 2011, đã được xác nhận trong cuộc bỏ phiếu toàn thể của Thượng viện vào đêm Thứ Hai (20/1), vài giờ sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức. Cuộc bỏ phiếu toàn thể trực tiếp của Thượng viện diễn ra sau cuộc bỏ phiếu riêng của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cũng đã nhất trí ủng hộ đề cử ông Rubio.
Ông Rubio đảm nhận vai trò ngoại trưởng với nền tảng chính sách đối ngoại vững chắc khi là thành viên lâu năm của Ủy ban Đối ngoại và Tình báo của Thượng viện. Ông cũng là người Mỹ gốc Cuba thế hệ đầu tiên.
Quá trình xác nhận ông Rubio ít gây tranh cãi hơn nhiều ứng cử viên Nội các khác do ông Trump đề cử. Tại phiên điều trần xác nhận đầu tiên của ông Rubio trước Ủy ban Đối ngoại, Đảng viên Dân chủ cấp cao nhất của ủy ban, TNS Jeanne Shaheen của New Hampshire, cho biết bà nghĩ ông Rubio sở hữu “các kỹ năng” và “đủ tiêu chuẩn” để trở thành ngoại trưởng tiếp theo. Bà cũng lặp lại quan điểm này vào tối Thứ Hai (20/1) trước cuộc bỏ phiếu toàn thể của Thượng viện.
Bà Shaheen phát biểu: “Tôi đã có mối quan hệ công việc tốt với TNS Rubio trong nhiều năm và tôi rất ấn tượng trong phiên điều trần của ông ấy về sự hiểu biết của ông đối với vấn đề chính sách. Mặc dù chúng tôi có thể không phải lúc nào cũng đồng tình với nhau, nhưng tôi tin rằng ông ấy có các kỹ năng, kiến thức và trình độ để trở thành ngoại trưởng”.
Trong phiên điều trần xác nhận đầu tiên của mình vào tuần trước, ông Rubio đã bày tỏ rằng dưới thời ông Trump, “ưu tiên hàng đầu” của Bộ Ngoại giao sẽ là đặt nước Mỹ lên trước hết.
“Điều này sẽ không dễ dàng. Và sẽ không thể thực hiện được nếu không có một nước Mỹ mạnh mẽ và tự tin tham gia vào thế giới, đặt lợi ích quốc gia mang tính cốt lõi của chúng ta, một lần nữa, lên trên hết”, trích lời ông Rubio
Ông Rubio sẽ phải đối mặt với một số thách thức lớn khi bước vào vai trò mới này, đáng chú ý là cuộc xâm lược Ukraine của Nga và cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza.
Ông Rubio cho rằng cuộc chiến giữa Ukraine và Nga đang “bế tắc” và “cần phải chấm dứt”, đồng thời nói thêm rằng theo thỏa thuận hòa bình do ông Trump đề xuất, cả hai nước sẽ phải “nhượng bộ”. Trong khi đó, bất chấp những lời chỉ trích trước đây của ông Trump đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Rubio nhận định liên minh này là “rất quan trọng” và nhấn mạnh rằng ông Trump cũng là người ủng hộ NATO.
Về vấn đề Gaza, ông Rubio bày tỏ: “Ý tưởng là không có xung đột và mọi người có thể chung sống bên nhau mà không va chạm và có thể theo đuổi sự thịnh vượng. Thật đáng buồn và không may là những điều kiện để việc đó tồn tại đã không xảy ra trong một khoảng thời gian đáng kể”.
Ông Rubio cũng nhiều lần chỉ trích Trung Quốc trong bài phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện tuần trước: “Chúng tôi hoan nghênh Đảng Cộng sản Trung Quốc tham gia vào trật tự toàn cầu này. Và họ đã tận dụng mọi lợi ích từ trật tự đó. Nhưng họ lại phớt lờ mọi nghĩa vụ và trách nhiệm của nó. Thay vào đó, họ đã nói dối, gian lận, hack và đánh cắp để đạt được vị thế siêu cường toàn cầu, với cái giá phải trả của chúng tôi”.
Mặc dù ông Rubio không phải đối mặt với sự phản đối đáng kể nào nhưng một số đảng viên Cộng hòa cùng phía với ông Trump đã bày tỏ sự khinh thường đối với việc ông Rubio sẵn sàng chứng nhận kết quả cuộc bầu cử năm 2020 mà ông Trump cáo buộc là đã “bị đánh cắp”. TNS Rand Paul, người luôn ủng hộ mạnh mẽ việc Hoa Kỳ can thiệp ít hơn vào các sự vụ, cũng đặt nghi vấn đối với lập trường cứng rắn của ông Rubio về sự can thiệp của Hoa Kỳ trong quá trình ông được xác nhận làm ngoại trưởng.
Từ khóa ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio chính quyền Trump Dòng sự kiện