Tiếp sau ZTE, công ty chip Trung Quốc lại bị Mỹ chế tài
- Xuân Thành
- •
Chính phủ Trump mới đây đã thông báo chế tài công ty sản xuất Vi mạch Tích hợp Phúc Kiến Kim Hoa – nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu Trung Quốc. Cũng giống như lệnh cấm gã khổng lồ viễn thông ZTE hồi tháng Tư, công ty Phúc Kiến Kim Hoa sẽ không được nhập các linh kiện công nghệ, phần mềm và hàng hóa khác từ Mỹ. Động thái này của Washington sẽ phá vỡ tham vọng sản xuất chip của Trung Quốc và là tiền lệ để phía Mỹ tiếp tục trừng phạt các công ty Trung Quốc khác đang bị cáo buộc đánh cắp công nghệ và bí mật thương mại Mỹ.
Trung Quốc đang đặt tham vọng sẽ tự chủ đa số sản phẩm bán dẫn tiêu dùng tại Trung Quốc vào năm 2025.
Bộ Thương mại Mỹ hôm 29/10 đã phát đi thông báo về việc cấm các công ty Mỹ xuất khẩu sản phẩm của họ cho Phúc Kiến Kim Hoa, cáo buộc rằng công ty Trung Quốc này “đặt ra rủi ro đáng kể vì liên quan tới các hoạt động đi ngược lại lợi ích của Mỹ”.
Hôm 1/11, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo rằng các công ty Phúc Kiến Kim Hoa và UMC (Đài Loan), cùng ba cá nhân người Đài Loan vừa bị tòa án liên bang Mỹ kết án âm mưu đánh cắp bí mật thương mại của công ty Micron, có liên quan tới phát triển chip DRAM – một loại chip bán dẫn xuất hiện trong hầu các máy tính và thiết bị điện tử.
Trong cuộc họp báo hôm 1/11 công bố về cáo trạng nêu trên, Tổng Chưởng lý Jeff Sessions cũng thông tin rằng Bộ Tư pháp Mỹ đang tiến hành một đề xướng mới để theo đuổi mạnh mẽ hơn nữa các vụ việc liên quan tới hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ DRAM.
Với lệnh cấm của Mỹ, ngoại giới dấy lên quan ngại rằng liệu động thái này có làm ảnh hưởng tới nguồn cung và giá chip DRAM toàn cầu. Truyền thông Trung Quốc loan tin rằng mặc dù công ty Phúc Kiến Kim Hoa còn vài tháng nữa mới đi vào sản xuất hàng loạt chip DRAM, nhưng lệnh cấm của Mỹ cũng sẽ tác động tới giá chip DRAM thế giới.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích tài chính Park Yu-ak của công ty Kiwoom Securities, Hàn Quốc, lệnh cấm đối với Phúc Kiến Kim Hoa có lẽ sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể đối với ngành công nghiệp và giá chip DRAM toàn cầu. Phát biểu của ông Park Yu-ak được tạp chí Smart PC Love trích dẫn trong một bài báo xuất bản hôm 1/11.
Ông Park nói rằng giá DRAM toàn cầu không bị ảnh hưởng bởi vì Phúc Kiến Kim Hoa hiện tại chưa sản xuất chip DRAM, do đó lệnh cấm sẽ chỉ làm cho giai đoạn thiết kế, kiểm tra và sản xuất trở nên khó khăn hơn.
Theo công ty nghiên cứu Trendfore, các công ty bán dẫn Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị phần DRAM thế giới. Hàn Quốc có hai nhà sản xuất DRAM hàng đầu thế giới là Samsung và SK Hynix. Samsung chiếm 44,9% thị phần DRAM toàn cầu trong ba quý đầu năm nay, và SK Hynix chiếm 22,9%. Nhà sản xuất chip của Mỹ, Micron đứng thứ ba với 22,6% thị phần.
Ba công ty Đài Loan Nanya, Winbond, và Powerchip xếp các vị trí thứ 4, 5 và 6 với thị phần rất nhỏ, lần lượt chiếm 2,8%, 0,8% và 0,5%. Các công ty khác trên toàn thế giới, gồm cả của Trung Quốc, chỉ chiếm 0,6% thị phần chip DRAM còn lại.
Theo tạp chí Smart PC Love, giá chip DRAM tăng đạt đỉnh vào quý III năm ngoái và bắt đầu giảm từ đó. Nhưng giá DRAM có thể sẽ tăng trong năm 2019, nếu nhu cầu về điện thoại di động, máy tính và máy chủ tăng lên.
Tham vọng sản xuất DRAM của Trung Quốc
Lệnh cấm của Mỹ áp lên công ty Phúc Kiến Kim Hoa đã vô tình phơi bày ngành bán dẫn Trung Quốc vẫn còn tụt hậu khá xa so với thế giới.
Trung Quốc mặc dù đang là nước tiêu thụ sản phẩm bán dẫn lớn nhất thế giới, nhưng họ tiếp tục tụt hậu về tự phát triển công nghệ bán dẫn nếu so sánh với các cường quốc trong lĩnh vực này như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ. Do đó, Trung Quốc hiện nay phụ thuộc nặng nề vào việc nhập khẩu sản phẩm bán dẫn để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Hiệp hội Ngành Bán dẫn Trung Quốc (CSIA) – một tổ chức thương mại đã ước tính rằng chip sản xuất nội địa chiếm không đến 20% nhu cầu của Trung Quốc trong năm 2017. Cùng năm này, Trung Quốc đã nhập khẩu các vi mạch tích hợp trị giá khoảng 260 tỷ USD, theo số liệu của CSIA. Giá trị nhập khẩu chip của Trung Quốc thậm chí đã cao hơn nhập khẩu dầu thô.
Với thực trạng đó, Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ việc có thể tự chủ sản xuất sản phẩm bán dẫn – một phần trong kế hoạch công nghiệp của nước này nhằm chuyển đổi Trung Quốc trở thành cường quốc về sản xuất công nghệ, được gọi là kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”. Theo kế hoạch này, chế độ Bắc Kinh muốn chip sản xuất nội địa được sử dụng trong điện thoại thông minh chiếm 40% thị phần trong nước vào năm 2025.
Công ty Phúc Kiến Kim Hoa là một phần quan trọng trong tham vọng làm chủ công nghệ của Trung Quốc. Theo một báo cáo của Tân Hoa Xã đăng năm 2016, Phúc Kiến Kim Hoa được xếp vào danh sách đặc biệt trong việc xây dựng ngành vi mạch tích hợp Trung Quốc trong Kế hoạch Năm năm lần thứ 13 của nhà nước Trung Quốc (2016 – 2020).
Phúc Kiến Kim Hoa được thành lập vào tháng 2/2016 bằng ngân sách nhà nước từ Tập đoàn Điện tử và Thông tin Phúc Kiến và các chính quyền của hai thành phố Tuyền Châu và Tấn Giang thuộc tỉnh Phúc Kiến.
Nằm một phần trong kế hoạch Năm năm (2016-2020) của nhà nước Trung Quốc, Phúc Kiến Kim Hoa đã đầu tư 37 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 5,3 tỷ USD) xây dựng nhà máy sản xuất DRAM giai đoạn một, công trình được khởi công vào tháng 7/2017. Theo Tân Hoa Xã, công ty Phúc Kiến Kim Hoa đã nhận được thêm 3 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 431 triệu USD) từ ngân sách nhà nước.
Dù đủ vốn, nhưng thiếu công nghệ và các chuyên gia lĩnh vực bán dẫn, Phúc Kiến Kim Hoa đã chuyển sang làm nhà thầu phụ sản xuất công nghệ liên quan tới bộ nhớ cho công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan UMC theo một thỏa thuận hợp tác ký kết năm 2016. Đổi lại, Phúc Kiến Kim Hoa được UMC cung cấp các thiết bị liên quan tới DRAM và phí dịch vụ.
Kết quả của thỏa thuận hợp tác này là Phó Tổng giám đốc UMC Stephen Chen trở thành chủ tịch tạm quyền của Phúc Kiến Kim Hoa. Đáng chú ý, ông Chen là cựu chủ tịch của một trong những nhà máy của công ty Micron (Mỹ) tại Đài Loan trước khi gia nhập UMC.
Vào tháng 12/2017, các công tố viên Đài Loan đã buộc tội ông Chen và một cựu giám đốc điều hành khác của Micron tội danh đánh cắp bí mật thương mại, cáo buộc rằng hai người này đã cố gắng tuyển dụng các kỹ sư của Micron về làm việc cho UMC.
Từ sau đó, Phúc Kiến Kim Hoa và Micron đã nảy sinh các tranh chấp. Đầu tiên, Micron đệ đơn kiện dân sự lên tòa án California, cáo buộc UMC và Phúc Kiến Kim Hoa đánh cắp bí mật thương mại của họ. Một tháng sau đó, UMC kiện ngược lại lên Tòa án Nhân dân Thành phố Phúc Châu, Tỉnh Phúc Kiến, cáo buộc Micron vi phạm bằng sáng chế.
Vào tháng 6/2018, Tòa án Thành phố Phúc Châu đã ra phán quyết ủng hộ UMC, cấm nhà sản xuất chip của Mỹ bán 26 sản phẩm chip tại thị trường Trung Quốc, theo Reuters.
Trong thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ hôm 1/11 đã tiết lộ rằng bồi thẩm đoàn liên bang Mỹ đã truy tố UMC, Phúc Kiến Kim Hoa, ông Chen và hai cựu nhân viên Micron do ông Chen tuyển dụng về UMC.
Cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ phản ánh các cáo buộc trong đơn Micron kiện Phúc Kiến Kim Hoa, tố cáo rằng công ty Trung Quốc này đã đánh cắp công nghệ DRAM từ Micron thông qua thỏa thuận hợp tác với UMC. Thỏa thuận hợp tác đó quy định rằng UMC phải cung cấp cho Phúc Kiến Kim Hoa công nghệ DRAM, theo đó công ty Trung Quốc mới có thể sản xuất hàng loạt chip DRAM.
Thỏa thuận hợp tác nêu trên đã hoạt động đúng như cam kết ban đầu: Ông Chen đã tuyển dụng nhân sự tại nhà máy Micron ở Đài Loan nơi ông từng là chủ tịch để những nhân sự này có thể mang theo tài liệu của Micron đến làm việc cho UMC, theo thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp Mỹ.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng đệ đơn kiện dân sự để cấm UMC và Phúc Kiến Kim Hoa xuất khẩu sang Mỹ bất kỳ sản phẩm nào mà được sản xuất nhờ vào đánh cắp bí mật thương mại.
Theo Epoch Times, hai công ty UMC và Phúc Kiến Kim Hoa có thể đối mặt với án phạt tối đa 20 tỷ USD, trong khi các cá nhân tham gia đánh cắp công nghệ có thể bị phạt tù giam 25 năm và 5 triệu USD tiền phạt.
Tương lai nào cho Phúc Kiến Kim Hoa?
Lệnh cấm áp đặt lên Phúc Kiến Kim Hoa là tương tự như lệnh cấm hồi tháng Tư mà Mỹ đã áp đặt lên công ty viễn thông Trung Quốc, ZTE.
ZTE khi đó đã bị cấm mua linh kiện công nghệ của các nhà cung cấp Mỹ sau khi Bộ Thương mại Mỹ thông báo rằng ZTE đã không tuân thủ các quy định, vi phạm chế tài Mỹ áp đặt lên Iran và Bắc Hàn. Lệnh cấm đối với ZTE đã khiến cho công ty này gần như phá sản và sau đó được dỡ bỏ vào tháng Bảy khi ZTE chấp nhận nộp phạt 1 tỷ USD.
Theo trang thông tin tài chính Trung Quốc JRJ.com, hiện nay ZTE vẫn đang gặp khó khăn về tài chính với khoản lỗ 7,26 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1,05 tỷ USD) trong ba quý đầu năm 2018. JRJ.com dự báo ZTE sẽ lỗ 6,2 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 893 triệu USD) trong cả năm 2018.
Các chuyên gia ngành bán dẫn đang đồn đoán rằng Phúc Kiến Kim Hoa cũng sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn tài chính tương tự như ZTE đã gặp phải.
Ông Robert Maire, chủ tịch công ty tư vấn Semiconductor Advisers trong cuộc trả lời phỏng vấn trên trang Nikkei, Nhật Bản cho rằng Phúc Kiến Kim Hoa “khả năng sẽ không thể sản xuất sản phẩm bán dẫn mà không có các thiết bị sản xuất tại Mỹ”. Theo Nikkei, các công ty bán dẫn thông thường nhập thiết bị nguồn từ ba nhà sản xuất Mỹ có trụ sở tại California: Applied Materials, Lam Research, và KLA-Tencor.
Trong khi đó, trang tin kinh tế Trung Quốc Yicai hôm 30/10 có bài viết nói rằng các nhà cung cấp của Mỹ như IBM, Lam Research và Applied Materials đã cắt kết nối qua điện thoại và thư điện tử với Phúc Kiến Kim Hoa. Theo Yicai, nhiều đơn hàng công ty Trung Quốc đã đặt các nhà cung cấp Mỹ đang bị đình lại.
Thời báo Hồng Kông trong bài viết hôm 30/10 đánh giá rằng lệnh cấm đối với Phúc Kiến Kim Hoa đã đặt ra một tiền lệ, theo đó, các công ty Trung Quốc đã bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ sẽ sớm đối mặt với các lệnh cấm tương tự.
Theo The Epoch Times
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Trung ZTE chiến tranh thương mại gián điệp Phúc Kiến Kim Hoa gián điệp Trung Quốc