Tổng thống Mỹ Barack Obama phá vỡ bầu không khí im lặng về những tranh chấp trên biển Đông và phán quyết của một tòa án quốc tế với Trung Quốc mà các lãnh đạo ASEAN tại Lào dường như coi đây là vấn đề cấm kị.

Obama

Tổng thống Obama và Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc đều có mặt tại thủ đô Viêng Chăn, Lào để tham dự Thượng đỉnh ASEAN +3.

Trong thông điệp cuộc gặp với lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN hôm qua 8/9, ông Obama nói:

 “Chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, bao gồm cả vấn đề biển Đông”,

Nhắc tới việc Tòa The Hague không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, tổng thống Mỹ cho biết: “Tôi biết vấn đề này sẽ gây căng thẳng, nhưng tôi cũng mong muốn thảo luận về việc chúng ta có thể cùng nhau tiến từng bước, một cách xây dựng, nhằm giảm bớt căng thẳng, thúc đẩy ngoại giao và ổn định khu vực”.

Ông cho rằng phán quyết của tòa quốc tế vào ngày 12/7 là có tính ràng buộc và “giúp làm rõ quyền hàng hải trong khu vực”. Phán quyết của tòa The Hague cho rằng Trung Quốc không có cơ sở hợp lý để tuyên bố chủ quyền phần lớn diện tích biển Đông như họ đang làm.

Trước khi ông Lý Khắc Cường đến Lào, Bắc Kinh đã tốn nhiều nỗ lực để đảm bảo những hoạt động cải tạo của mình tại biển Đông không nằm trên bàn thảo luận chính thức của Thượng đỉnh ASEAN lần này. Từ các vận động hành lang, đe nẹt đến viện trợ tài chính cho các quốc gia kém phát triển của khối. Theo NYTimes, gần đây Bắc Kinh thông báo khoản viện trợ 600 triệu USD cho đồng minh Campuchia.

Cuối ngày hôm qua (8/9), ASEAN sẽ tiếp tục tổ chức một cuộc họp khác với sự có mặt của lãnh đạo cường quốc ngoài khối, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Theo bản dự thảo thông cáo chung của cuộc họp, vấn đề biển Đông trong tranh chấp với Trung Quốc vẫn bị phớt lờ.

Bản dự thảo tuyên bố chung kết thúc thượng đỉnh, theo NYTimes trích dẫn, chỉ đưa ra được những kết luận chung chung, không động đến phán quyết của Tòa The Hague, và cũng không nêu đích danh Trung Quốc:
Một số lãnh đạo đặc biệt quan ngại về các động thái phát triển gần đây tại biển Đông .. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của các bên liên quan để giải quyết tranh chấp bởi các biện pháp hòa bình, theo những quy định được công nhận được phổ quát về luật quốc tế”, dự thảo nói.

Thông cáo chung đầu tiên hôm thứ Ba ASEAN cũng chỉ cho hay họ “ghi nhận quan ngại của một số lãnh đạo về vấn đề cải tạo đất đảo và leo thang các hoạt động trong khu vực, đã làm xói mòn sự tin cậy, gia tăng căng thẳng và có thể gây tổn hại hòa bình, an ninh và ổn định khu vực”.

Việc sử dụng cụm từ ‘một số lãnh đạo’ trong cả hai bản tuyên bố cho thấy vấn đề căn bản của ASEAN đối với Trung Quốc lâu nay, đó là không phải tất cả mọi thành viên của khối đều sẵn lòng lên án Trung Quốc.

Campuchia luôn kiên định đứng về phía Trung Quốc, trong khi đó nước chủ nhà Lào năm nay phần lớn không muốn có tuyên bố với lời lẽ mạnh mẽ đối với Bắc Kinh.

Điều này được cho là một thắng lợi của Trung Quốc trong cả ba lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và quân sự. Khối ASEAN đã không thể có sự đồng thuận của 10 nước thành viên lên tiếng cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hoạt động cải tạo, xây dựng những đảo nhân tạo tại biển Đông.

Trọng Đức