Tóm lược sự kiện và kết quả của Hội nghị G20 Hàng Châu
Hôm 5/9, Hội nghị 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới tại Hàng Châu, Trung Quốc đã khép lại với một thông cáo chung về đồng thuận chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, một số sự kiện bất ngờ đã xảy ra thu hút được chú ý của công luận, dưới đây là một số tóm lược.
Toàn cầu hóa kinh tế
Toàn cầu hóa kinh tế dù được đề cập nhiều tại hội nghị G20, nhưng nhìn chung không đạt được một bước tiến cụ thể nào.
Sau khi bế mạc hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu “Chúng tôi đã đi đến đồng thuận về ủng hộ thương mại đa phương và chống chủ nghĩa bảo hộ”.
Tuy nhiên thông cáo chung của các lãnh đạo G20 chỉ nêu được chung chung các mục tiêu như thúc đẩy kinh tế toàn cầu, gỡ bỏ các rào cản thương mại, phản đối bảo hộ mậu dịch mà không có các bước đi cụ thể.
G20 diễn ra trong bối cảnh nhiều cường quốc phải đối mặt với làn sóng dân túy trỗi dậy trong khi kinh tế tăng trưởng không khả quan. Đảng CDU của thủ tướng Đức Angela Merkel bị tụt lại vị trí thứ 3 sau một đảng chống nhập cư tại một cuộc bầu cử vùng ở Đức hôm Chủ nhật.
Các dự án lớn như Hiệp định hợp tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) đều gặp trở ngại lớn từ quốc nội. Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa có mặt ở Hàng Châu đã tuyên bố ngập ngừng về TTIP, còn TTP thì bị phản đối bởi cả 2 ứng viên quan trọng nhất trong cuộc đua vào ghế tổng thống Mỹ.
Thành tựu lớn nhất của G20 Hàng Châu có lẽ là quyết định thông qua hiệp ước Paris về cắt giảm khí nhà kính của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Còn lại hầu như các cuộc gặp lãnh đạo song phương mới là trọng tâm của sự chú ý.
Cuộc chiến Syria
Hồ sơ Syria một lần nữa lại được nêu ra ở G20. Tuy nhiên cuộc thương lượng giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Mỹ Barack Obama không đạt đến một thỏa thuận nào. Hai nhà lãnh đạo này tuy vậy suýt nữa đã chiếm mất vai trò nổi bật của ông Tập Cận Bình.
Cuộc nội chiến Syria kéo dài 5 năm, khiến hơn trục triệu người phải ly tán, góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng di dân vào cuối năm 2015 khiến châu Âu đến giờ vẫn chật vật đối phó. Mỹ và Nga luôn luôn ở hai phía đối nghịch của bàn thương lượng: Nga là đồng minh của chính phủ Tổng thông Assad còn Mỹ ủng hộ lực lượng dân chủ nổi dậy và người Kurd chống Nhà nước Hồi giáo IS.
Sau hơn 90 phút trong cuộc nói chuyện trực tiếp với ông Putin mà tổng thống Mỹ mô tả là thẳng thắn, chuyên nghiệp và không e dè, hai bên không đạt được thỏa thuận ngừng bắn nào.
Anh rời EU
Đây là lần đầu tiên tân Thủ tướng Theresa May của Anh tới tham dự G20 trong bối cảnh sự kiện Brexit gây chấn động thế giới. Bà May mang thông điệp rằng Anh sẵng sàng hợp tác với các nền kinh tế lớn khác thậm chí sau khi không còn trong Liên minh Châu Âu, và cuộc gặp song phương với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hứa hẹn một triển vọng tốt hợp tác thương mại Anh-Úc sau này.
Chính phủ Nhật đặc biệt đưa ra một lời cảnh báo về hậu quả của Brexit mà bà May không thể bỏ qua. Một ủy ban của Nhật Bản công bố một báo cáo dài 15 trang có tiêu đề “Thông điệp của Nhật tới Anh và EU”, trình bày rõ yêu cầu của mình trong cuộc thương lượng Brexit. Báo cáo này cảnh báo Nhật sẽ chuyển trụ sở các tập đoàn của mình từ Anh Quốc sang EU nếu luật của EU không còn tiếp tục áp dụng được cho doanh nghiệp ở Anh. Khoảng ½ đầu tư của Nhật Bản tại EU được rót vào lãnh thổ Anh thông qua các tập đoàn đa như Nissan, Honda, Mitsubishi, Nomura và Daiwa.
Không có thảm đỏ cho ông Obama
Một sự kiện khiến báo giới không ngớt lời bàn tán là việc Bắc Kinh dành cho lãnh đạo Mỹ nghi thức tiếp đón đặc biệt. Tổng thống Obama là nguyên thủ duy nhất của một cường quốc đáp xuống phi trường Hàng Châu mà không có cầu thang trải thảm đỏ. Đây được lý giải là tín hiệu rõ nhất cho thấy thái độ lạnh nhạt và thách thức mà Bắc Kinh gửi tới Washington.
Bắc Hàn bắn tên lửa
Bắc Triều Tiên không có tên trong danh sách khách mời tham dự G20, tuy nhiên người hàng xóm, cũng được coi là đồng minh thân cận của Trung Quốc đã tìm cách nói với thế giới rằng: Chớ quên chúng tôi, và chúng tôi có tên lửa.
Hôm 5/9, Bắc Hàn cho bắn ba quả tên lửa đạn đạo từ phía nam thủ đô Bình Nhưỡng, bay được khoảng 1.000 km rồi rơi xuống vùng nhận diện phòng không của Nhật Bản.
Ngay sau đó, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có cuộc gặp bên lề chóng vánh. Hai bên đồng ý tăng cường hợp tác để theo dõi tình hình an ninh với Bắc Triều Tiên.
Đáp lại chỉ trích của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ về vụ phóng tên lửa mới nhất của Bắc Hàn, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh cam kết của Bắc Kinh trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên ông Tập cũng nói Bắc Kinh phản đối việc triển khai lá chắn tên lửa THAAD mà Mỹ dự định lắp đặt tại Hàn Quốc.
Tổng thống Park của Hàn Quốc nói THAAD chỉ thuần mục đích phòng thủ và không đe dọa an ninh cho bất kỳ một quốc gia nào. Hệ thống này cũng không cần nếu vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn được giải quyết triệt để.
Trung Quốc né biển Đông và nhân quyền
Bầu trời Hàng Châu rốt cuộc vẫn không được xanh trong như Bắc Kinh mong đợi, dù hàng trăm nhà máy đã bị buộc phải đóng cửa. Các vấn đề chính trị mà Bắc Kinh muốn tránh né đã trở thành những bóng mây xám phủ lên hội nghị thượng đỉnh được giữ an ninh nghiêm ngặt.
Chủ tịch Trung Quốc muốn chứng tỏ với thế giới và người dân trong nước là ông xứng đáng đóng một vai trò quan trọng trên trường quốc tế, tương đương với đồng nhiệm Mỹ.
Ông Tập gây được sự chú ý ngay trước lúc G20 chính thức khai mạc, khi loan báo phê chuẩn hiệp ước khí hậu cùng với tổng thống Barack Obama.
Ngoài ra, Bắc Kinh hài lòng với thông cáo chung kết thúc thượng đỉnh, khi vấn đề mà ông Tập nêu ra như sáng tạo và tài chính phục vụ môi trường, chống chủ nghĩa bảo hộ và kích thích tăng trưởng kinh tế chiếm vị trí quan trọng. Ngoài ra chủ tịch Trung quốc còn thành công trong việc tránh được những chủ đề mà Bắc Kinh không thấy thoải mái khi đưa ra nghị sự công khai như sự lấn át của Bắc Kinh ở biển Đông hay vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc. Cả hai đề tài này đã không được bàn đến nhiều trong hội nghị G20.
Từ khóa Trung Quốc biển Đông Barack Obama Hội nghị Thượng đỉnh G20