Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 10/10, thế giới ghi nhận thêm khoảng 284.000 ca mắc COVID-19 mới và 4.211 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 228.046.204 ca, trong đó có khoảng 4.601.655 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Joe Matrix/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Anh dẫn đầu thế giới với 34.574 ca nhiễm mới; tiếp theo là Nga (28.647) và Thổ Nhĩ Kỳ (28.370 ca). Nga dẫn đầu về số ca tử vong mới, với 962 trường hợp; tiếp theo là Mỹ (509 ca tử vong); và Mexico (348 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ  đến nay là 45.200.674 người, trong đó có 733.567 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 33.971.293 ca nhiễm, bao gồm 450.814 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 21.575.820 ca bệnh và 601.011 ca tử vong.

Ý: Hàng chục nghìn người ở Rome biểu tình chống lại lệnh bắt buộc tiêm vắc-xin

Hôm 9/10, hàng chục nghìn người biểu tình ở thủ đô Rome của Ý đã tuần hành dọc theo Via Veneto và các đường phố chính khác để  phản đối quy định của chính phủ về việc bắt buộc tiêm vắc-xin. Truyền thông Ý đưa tin có 10.000 người tham gia biểu tình.
“Thẻ Thông hành Xanh” tại Ý sẽ có hiệu lực vào ngày 15/10.

Vào tháng 9, Ý đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu thông báo rằng nước này sẽ bắt buộc sử dụng “thẻ xanh” ở các nơi làm việc công cộng và tư nhân.

Để được cấp thẻ xanh, mọi người phải tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19, đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng qua hoặc đã có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ qua.

Nếu người lao động và người sử dụng lao động không tuân thủ các quy định, cả hai sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị phạt. Nhân viên khu vực công có thể bị đình chỉ nếu họ xuất hiện 5 lần mà không có thẻ xanh.

Vào mùa hè này, ở Ý, người dân cần phải có thẻ xanh để có thể vào viện bảo tàng, nhà hát, phòng tập thể dục và nhà hàng trong nhà, cũng như các chuyến tàu đường dài và xe buýt hoặc các chuyến bay nội địa.

Hàng chục nghìn người ở nhiều quốc gia và khu vực, bao gồm Ý, Pháp và Anh, đã liên tục phản đối các biện pháp hạn chế COVID-19 và cho rằng đây là hành vi bất hợp pháp, vi phạm các quyền tự do dân sự.

Hàn Quốc chuẩn bị cho “bình thường mới” 

Chính phủ Hàn Quốc ngày 10/10 cho biết trong tuần tới sẽ thành lập nhóm công tác triển khai việc chuyển về trạng thái “bình thường mới” sống chung với COVID-19, trong đó đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc-xin. Giới chức y tế cho biết nhóm công tác do Thủ tướng Kim Boo-kyum đứng đầu và sẽ tổ chức có cuộc họp đầu tiên trong tuần tới.

Theo kế hoạch, các chuyên gia thuộc khu vực tư nhân sẽ tham gia cuộc họp cùng giới chức chính phủ, thảo luận cách thức thực hiện những chuyển đổi về mặt kinh tế, giáo dục, an ninh, các biện pháp kiểm soát và kiểm dịch đối với virus corona. Dựa trên các cuộc thảo luận, chính phủ dự kiến sẽ lập ra lộ trình dần đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.

Chính phủ Hàn Quốc đã cân nhắc dần chuyển sang giai đoạn “sống chung với COVID-19” từ ngày 9/11, theo đó COVID-19 sẽ được coi như một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp giống như cúm mùa, và các quy định giãn cách xã hội sẽ được nới lỏng.

Trước đó, chính phủ tuyên bố cần tiêm chủng đầy đủ cho 70% trong dân số 51 triệu người để trở lại cuộc sống bình thường.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 hồi tháng 2, tính đến ngày 10/10, Hàn Quốc có 39,92 triệu người, tương đương 77,7% dân số, đã  tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin. Số người đã tiêm đủ liều vắc-xin là 30,43 triệu người, tương đương 59,3% dân số.

Hàn Quốc ngày thứ 2 liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 dưới ngưỡng 2.000 ca/ngày, trong khi giới chức nước này quan ngại nguy cơ dịch bệnh lây lan nhanh trong và sau kỳ nghỉ lễ Ngày sáng tạo chữ Hàn Hangeul (9/10). Hàn Quốc ghi nhận 1.594 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 331.519 ca. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 15 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 2.575 ca. Tỷ lệ tử vong tại Hàn Quốc hiện là 0,78%. Trước đó, Hàn Quốc đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Trung thu.

Theo thống kê của KDCA, 39,92 triệu người dân nước này, tương đương 77,7% dân số, đã tiêm mũi vắc-xin đầu tiên. Tỷ lệ người dân hoàn thành tiêm chủng là gần 60%. Chính phủ Hàn Quốc  trong tuần tới sẽ thành lập nhóm công tác triển khai việc chuyển về trạng thái “bình thường mới” sống chung với COVID-19, trong đó đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc-xin. Nhóm công tác do Thủ tướng Kim Boo-kyum đứng đầu và sẽ tổ chức có cuộc họp đầu tiên  trong tuần tới.

Thái Lan sẽ mở cửa thêm 5 địa điểm du lịch từ đầu tháng tới

Thái Lan sẽ mở cửa thêm 5 địa điểm du lịch cho du khách đầu tháng 11 với điều kiện cho tới thời điểm đó không có ổ dịch COVID-19 lớn nào trong các khu vực này. Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết những khu vực sẽ được mở cửa từ 1/11 gồm Bangkok, Chiang Mai (các huyện Muang, Mae Rim, Mae Taeng và Doi Tao), Prachuap Khiri Khan (huyện Hua Hin), Phetchaburi (huyện Cha-am) và Chon Buri (các huyện Pattaya, Bang Lamung và Sattahip).

Quyết định của Chính phủ được đưa ra theo sau sự thành công của chương trình Hộp cát Phuket, vốn mang về 2,33 tỷ baht (68,83 triệu USD) cho nền kinh tế Thái Lan trong 3 tháng qua kể từ khi ra mắt vào tháng 7.

Thủ đô Bangkok nhận được sự quan tâm đặc biệt vì đây là cửa ngõ của đất nước. Hiện vẫn chưa rõ quan điểm của Chính quyền vùng đô thị Bangkok về kế hoạch này. Trước đó, thống đốc Bangkok cho biết thủ đô sẽ chỉ được mở cửa khi ông bật đèn xanh, đồng thời lưu ý rằng mục tiêu của ông là tỷ lệ tiêm chủng 70% ở tất cả các quận. Người phát ngôn Thanakorn nói rằng mặc dù khách du lịch có thể thích đến vùng biển hoặc miền núi hơn, nhưng hầu như mọi người đều phải đến Bangkok ít nhất một lần trong các chuyến đi đến Thái Lan.

Trong khi đó, các nhà khai thác du lịch trong những khu vực hộp cát đang lạc quan về triển vọng cho mùa cao điểm sau khi Thái Lan được đưa ra khỏi danh sách đỏ của Vương quốc Anh về du lịch, có hiệu lực từ ngày 11/10. Chủ tịch Văn phòng miền Nam của Hiệp hội Khách sạn Thái Lan Kongsak Khoopongsakorn cho rằng việc nới lỏng các quy định về du lịch sẽ không chỉ tạo dựng lại niềm tin từ thị trường Anh mà còn các quốc gia khác ở châu Âu. Thời điểm thích hợp để thúc đẩy thị trường là trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới.

Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này ngày 10/10 ghi nhận thêm 10.817 ca mắc mới cùng 84 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 1.710.884 ca, trong đó có 17.691 người không qua khỏi. Thủ đô Bangkok vẫn là địa phương có số lượng ca mắc mới cao nhất, với 1.185 ca được ghi nhận ngày 10/10.

Malaysia dỡ bỏ lệnh cấm dịch chuyển liên bang 

Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob tại cuộc họp báo chiều 10/10 tuyên bố dỡ bỏ Lệnh cấm dịch chuyển liên bang từ ngày 11/10. Điều này đồng nghĩa với việc mọi người dân Malaysia đã hoàn thành tiêm chủng có thể tự do đi lại trong và ngoài nước. Những công dân Malaysia trở về từ nước ngoài vẫn phải cách ly bắt buộc 14 ngày, trường hợp đã hoàn thành tiêm chủng sẽ được cách ly tại nhà. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ sắc lệnh này không được áp dụng đối với những khu vực đang phải áp đặt Lệnh kiểm soát dịch chuyển tăng cường (EMCO).

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: