Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 9/10, thế giới ghi nhận thêm khoảng 323.000 ca mắc COVID-19 mới và 5.000 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 227.762.204 ca, trong đó có khoảng 4.597.444 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par kandl stock/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 41.000 ca), Anh (34.950 ca) và Nga (29.362 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (968 ca), Mỹ (578 ca) và Mexico (489 ca).

Thủ tướng Nhật Bản cam kết tăng cường hệ thống y tế

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 9/10 cam kết sẽ tăng cường hệ thống y tế của nước này thông qua việc chỉ định thêm nhiều bệnh viện công tham gia điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Phát biểu với báo giới sau khi lần đầu tiên đến thăm một bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 kể từ khi nhậm chức ngày 4/10, Thủ tướng Kishida nêu rõ Chính phủ Nhật Bản cần chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất”. Bên cạnh đó, ông cũng đề cập tới cuộc sống của người lao động, trong đó có các nhân viên y tế. Theo Thủ tướng Kishida, cần tạo ra môi trường để người lao động cảm thấy yên tâm và chính phủ cần cải thiện thu nhập của người lao động.

Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản cho biết số ca nhiễm mới COVID-19 tại thủ đô Tokyo của nước này đã giảm xuống còn 82 ca – mức thấp nhất kể từ ngày 19/10/2020. Hiện số ca nhiễm mới tại Nhật Bản cũng có xu hướng giảm, sau khi ghi nhận mức cao kỷ lục vào cuối tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn quan ngại nguy cơ xảy ra làn sóng dịch mới.

Trong đợt bùng phát thứ 5 dịch COVID-19 vào mùa Hè, các bệnh viện tại nước này đã rơi vào tình trạng quá tải, nhiều bệnh nhân bị trả về điều trị tại nhà. Trong chiến dịch tranh cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) ngày 29/9, ông Kishida cam kết sẽ đưa số bệnh nhân mắc COVID-19 không được điều trị y tế xuống còn 0.

Mỹ chấp nhận “hộ chiếu vắc-xin” được FDA và WHO phê duyệt

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ thông báo nước này sẽ mở cửa với các du khách quốc tế có giấy chứng nhận tiêm các loại vắc-xin ngừa COVID-19 đã được các cơ quan quản lý của Mỹ hoặc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép.

Trong một thông báo, người phát ngôn của CDC Mỹ cho biết những người sử dụng một trong “6 loại vắc-xin được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép/phê duyệt hoặc được WHO liệt kê để sử dụng khẩn cấp sẽ đáp ứng các tiêu chí để đến Mỹ”.

Phản ứng trước thông báo mới nhất, Airlines for America – hiệp hội thương mại gồm các hãng hàng không American Airlines Co, Delta Air Lines, United Airlines và nhiều hãng khác – bày tỏ “hài lòng” và mong chờ thực hiện quy định mới về vắc-xin và xét nghiệm toàn cầu từ đầu tháng 11/2021.

Trước đó, ngày 20/9, Nhà Trắng đã thông báo từ tháng 11 tới sẽ dỡ bỏ hạn chế đi lại bằng đường hàng không tới 33 quốc gia, áp dụng với những người đã tiêm phòng vắc-xin đầy đủ. Tuy nhiên, thông báo khi đó không nói rõ loại vắc-xin nào sẽ được chấp nhận. Trong số các nước này có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Iran và phần lớn các nước châu Âu có tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao.

Thời gian tới, CDC Mỹ sẽ phải quyết định và công bố các quy định mới về truy vết tiếp xúc đối với du khách quốc tế. Văn bản về việc này đã được gửi tới Nhà Trắng ngày 15/9 để đánh giá. Cơ quan trên cũng sẽ phải đưa ra các quy định chi tiết về các trường hợp ngoại lệ, trong đó có trẻ em chưa đến tuổi được tiêm vắc-xin hoặc du khách từ các nước chưa có đủ vắc-xin để tiêm cho người dân. Chính quyền cũng sẽ phải quyết định có cho phép nhập cảnh hay không với những người tham gia các thử nghiệm lâm sàng vắc-xin phòng COVID-19, những người mới mắc bệnh nhưng đã khỏi bệnh cũng như những người không đủ điều kiện y tế để được tiêm phòng.

Thủ tướng Singapore cho rằng cần 3-6 tháng để “bình thường mới” 

Ngày 9/10, Thủ tướng Lý Hiển Long đã có bài phát biểu trấn an người dân nước này trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 tăng cao, đồng thời cho biết Singapore kiên định chiến lược sống chung với dịch bệnh và điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp với sự biến chuyển của tình hình.

Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng chiến lược “ZERO-COVID” mà Singapore áp dụng trong năm 2020 là phù hợp, song sự xuất hiện của biến thể Delta đã buộc Singapore phải điều chỉnh và xác định sống chung với COVID-19 khi tỷ lệ bao phủ vắc-xin đạt 80% trong tháng 8/2021. Tuy nhiên, sống chung với COVID-19 không phải là hành trình dễ dàng và suôn sẻ. Số ca nhiễm mới đã gia tăng mạnh trong những ngày qua (trên 3.000 ca/ngày). Ông Lý Hiển Long cho rằng Singapore phải mất từ 3-6 tháng mới có thể có được “bình thường mới”. Singapore cần tiếp tục kiên định chiến lược sống chung với COVID-19 và điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp.

Trước hết, người dân Singapore cần phải “cập nhật” tư duy, theo đó không coi thường dịch bệnh COVID-19, nhưng cũng không nên hoảng sợ. Nhóm rủi ro cao nhất là những người cao tuổi, từ 60 tuổi trở lên nếu chưa tiêm chủng, và với những người trên 80 tuổi kể cả đã tiêm chủng. Vì thế, người cao tuổi nên sớm đi tiêm vắc-xin hoặc tiêm mũi bổ sung khi được thông báo.

Trẻ em dưới 12 tuổi cũng là nhóm rủi ro, nhưng không đáng quan ngại bởi thực tế vừa qua cho thấy nhóm này hầu như không bị triệu chứng nặng khi nhiễm COVID-19. Singapore đang theo dõi sát tiến triển về thử nghiệm vắc-xin cho trẻ dưới 12 tuổi tại Mỹ và dự kiến sẽ triển khai tiêm chủng vào đầu năm 2022.

Thứ hai, Singapore xác định “hồi phục tại nhà” sẽ là mặc định đối với các ca nhiễm mới đã tiêm đủ vắc-xin nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế. Số liệu theo dõi cho thấy trên 98% số ca nhiễm mới đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Những người không đủ điều kiện cách ly tại nhà hoặc chuyển nặng sẽ được đưa tới các cơ sở cách ly hoặc bệnh viện.

Thứ ba, Singapore sẽ đơn giản hóa các quy trình y tế để người dân nắm được họ cần phải làm gì họ xét nghiệm dương tính với COVID-19, hay tiếp xúc gần với những người nhiễm COVID-19, và các thành viên gia đình phải làm gì.

Cũng theo Thủ tướng Lý Hiển Long, Singapore xác định cuộc chiến với COVID-19 sẽ còn tiếp tục, số ca nhiễm mới sẽ gia tăng trong những tuần tới, tháng tới, có thể lên tới 5.000 ca/ngày. Tuy nhiên, Singapore hiện ở vị thế tốt hơn nhiều so với trước đây, và sẽ tiếp tục kiên định con đường hướng tới “bình thường mới” sau đại dịch.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: