Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 25/9, thế giới ghi nhận thêm khoảng 371.000 ca mắc COVID-19 mới và 5.600 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 222.829.953 ca, trong đó có khoảng 4.517.595 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par SibRapid/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 51.000 ca), Anh (31.348 ca) và Ấn Độ (28.149 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (822 ca), Mỹ (651 ca) và Mexico (564 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca mắc và ca tử vong với trên 43,7 triệu ca mắc và trên 705.000 ca tử vong vì COVID-19. Tiếp đó là Ấn Độ với 33,6 triệu ca mắc và Brazil với 21,3 triệu ca mắc.

Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 lần đầu tiên vượt ngưỡng 3.000 ca/ngày

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 25/9 xác nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục với 3.273 ca, trong đó có tới 3.245 ca lây nhiễm trong cộng đồng (tăng gần 1.000 ca so với một ngày trước đó). Đây là mức cao nhất ghi nhận được kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này, nâng tổng số ca nhiễm lên 298.402 ca.

Khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận vẫn chiếm đa số với gần 75%. Đây cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở thành phố Seoul vượt ngưỡng 1.000 ca. KDCA cho biết khoảng 40% ca nhiễm mới được xác nhận là không thể truy vết.

Lệnh cấm tụ tập riêng tư đã được nới lỏng trong kỳ nghỉ lễ Chuseok (Tết Trung thu), cho phép tụ tập tối đa 8 người với điều kiện có ít nhất 4 người đã được tiêm phòng đầy đủ. Ngoài ra, những người đã được tiêm phòng đầy đủ sẽ được miễn tự cách ly bắt buộc bắt đầu từ ngày 25/9 nếu không có bất kỳ triệu chứng nào cho dù tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm COVID-19. Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng cao trở lại, KDCA đã quyết định thắt chặt các hạn chế, giới hạn số lượng người tham gia các cuộc tụ tập riêng tư xuống còn tối đa là 6 người bắt đầu từ ngày 25/9. KCDA cho rằng chính việc di chuyển và tiếp xúc tăng lên trước và trong kỳ nghỉ lễ Chuseok là nguyên nhân chính dẫn đến số ca nhiễm mới tăng mạnh. Đặc biệt, từ tuần tới, số ca nhiễm mới theo ngày được cho là có thể còn tiếp tục tăng cao khi hiện vẫn còn hàng triệu người dân Seoul đang chờ kết quả xét nghiệm sau kỳ nghỉ lễ kéo dài.

Trong diễn biến liên quan, KDCA cho biết Hàn Quốc đã sẵn sàng tiêm phòng vắc-xin ngừa COVID-19 cho phụ nữ mang thai và thanh thiếu niên (từ 2-17 tuổi) bắt đầu từ tháng 10 tới. Ngoài ra, KDCA cũng dự kiến sẽ triển khai tiêm mũi vắc-xin bổ sung nhằm ngăn chặn sự lây lan rộng của biến thể Delta vốn là nguyên nhân chủ yếu làm bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ tư hiện nay. Danh sách những người được tiêm chủng trong Quý IV sẽ được công bố chính thức vào ngày 27/9 tới.

Hàn Quốc bắt đầu chiến dịch tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc từ ngày 26/2/2021 và đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới. Những đối tượng ưu tiên tiêm chủng ban đầu là một số đối tượng dễ gặp nguy cơ nếu nhiễm bệnh (người cao tuổi, có bệnh nền) và các nhân viên y tế tuyến đầu. Tính đến nay đã có tổng cộng 37,13 triệu người được tiêm mũi vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên, chiếm 72,3% dân số cả nước, trong khi những người được tiêm chủng đầy đủ đã đạt 22,58 triệu người, chiếm 44%.

Ý công nhận vắc-xin Covishield của Ấn Độ

Ý đã công nhận vắc-xin Covishield phòng COVID-19 do Ấn Độ sản xuất, động thái có nghĩa rằng những người đã được tiêm vắc-xin Covishield có thể vào Ý mà không phải chịu lệnh cấm nhập cảnh, mặc dù vẫn có thể phải tuân thủ các quy định như xét nghiệm hoặc cách ly.

Đại sứ quán Ấn Độ tại Rome đã thông báo rằng sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya và người đồng cấp Ý Roberto Speranza, Bộ Y tế Ý đã quyết định công nhận vắc-xin Covishield và cho phép những người đã tiêm loại vắc-xin này được xin cấp thẻ xanh COVID-19 tại Ý. Tuy nhiên, do Chính phủ Ý chưa đưa ra thông báo chính thức nên vẫn chưa biết liệu những người đã được tiêm Covishield có phải tuân theo các hạn chế nhập cảnh, chẳng hạn như xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh vào Ý hay không.

Cho đến nay, Ý mới chỉ công nhận 4 loại vắc-xin được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép là Vaxzevria (AstraZeneca), Comirnaty (Pfizer/BioNTech), Spikevax (Moderna), Janssen (Johnson & Johnson), đồng nghĩa với việc chỉ có những người tiêm 4 loại vắc-xin này được coi là đã tiêm phòng COVID-19 khi nhập cảnh. Ý là quốc gia EU thứ 19 công nhận Covishield.

Philippines ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ USD do COVID-19

Đại dịch COVID-19 có thể gây thiệt hại lên tới 730 tỷ USD cho nền kinh tế Philippines trong từ 10 đến 40 năm tới. Trên đây là con số mà Cơ quan Kinh tế và phát triển quốc gia (NEDA) của Philippines công bố ngày 25/9 khi dự báo về những tổn thất kinh tế mà đại dịch gây ra cho nước này.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch kinh tế xã hội Karl Kendrick Chua, trong năm 2020, thiệt hại kinh tế của nước này là 84,84 tỷ USD. Dự báo chi tiêu tiêu dùng và nguồn vốn đầu tư có thể sẽ thấp hơn trong 10 năm tới do nhu cầu giảm trong các lĩnh vực đòi hỏi phải tuân thủ biện pháp giãn cách xã hội như du lịch, nhà hàng và giao thông công cộng. Do đó, doanh thu từ thuế sẽ thấp hơn nếu các doanh nghiệp không thể hoạt động với 100% công suất.

Người đứng đầu cơ quan chính phủ Philippines chịu trách nhiệm về quy hoạch phát triển kinh tế cho biết thiệt hại của lĩnh vực đầu tư tư nhân và lợi nhuận có thể là khoảng 420,27 tỷ USD. Bộ trưởng Kendrick Chua bày tỏ hy vọng nền kinh tế sẽ hoàn toàn trở lại mức tăng trưởng như thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2029 (năm thứ 10 kể từ khi dịch bệnh xuất hiện). Thời điểm mà giới chức Philippines dự báo nền kinh tế bắt đầu ghi nhận tăng trưởng sau đại dịch là vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.

Một phát hiện quan trọng khác của nghiên cứu NEDA là năng suất của người lao động cũng sẽ thấp hơn do nhiều lao động đã tử vong, bệnh tật và học sinh không được tới trường học trực tiếp. Theo Bộ trưởng Kendrick Chua, tác động của đại dịch COVID-19 đến năng suất lao động có thể sẽ kéo dài 40 năm tới hoặc ảnh hưởng đến số năm trung bình mà một người lao động dự kiến sẽ làm việc trong cả cuộc đời của họ. Dẫn nghiên cứu của NEDA, ông cho biết trong 40 năm tới, thiệt hại về năng suất trong đầu tư nguồn vốn con người và lợi nhuận ước tính khoảng 305,83 tỷ  USD.

Từ tháng 3/2020, Philippines đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở các mức độ khác nhau. Mặc dù thời gian phong tỏa nghiêm ngặt và kéo dài hơn, quốc gia Đông Nam Á này vẫn đang phải vật lộn với số bệnh nhân COVID-19 đang gia tăng mỗi ngày. Hiện nay Philippines đã ghi nhận tổng cộng 2.470.235 bệnh nhân, trong đó 37.405 trường hợp tử vong.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: