Toàn cảnh căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ – Hà Lan
Căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ – Hà Lan vừa tiến đến một mức đáng báo động khi quan chức Thổ Nhĩ Kỳ gọi Hà Lan là trung tâm của bọn “phát xít” và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo Hà Lan sẽ phải trả giá cho hành động của mình.
Ông Recep Tayyip Erdogan phát biểu như trên sau khi hai bộ trưởng của ông bị cấm nhập cảnh vào Hà Lan cả bằng đường bộ và đường không, thậm chí một người bị trục xuất khỏi lãnh thổ Hà Lan hôm thứ Bảy 11/3.
Fatma Betul Sayan Kaya, Bộ trưởng Gia đình Thổ Nhĩ Kỳ tới Rotterdam bằng đường bộ, nhưng bị cảnh sát Hà Lan cấm vào lãnh sự quán và bị áp giải tới biên giới với Đức.
Còn Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu tìm cách đáp máy bay tới Hà Lan nhưng cũng bị từ chối nhập cảnh. Ông Cavusoglu gọi Hà Lan là “thủ đô của chủ nghĩ phát xít“.
Hai ông này tới Hà Lan để tổ chức các cuộc tập trung kiều dân Thổ Nhĩ Kỳ nhằm kêu gọi ủng hộ Tổng thống Edorgan.
Một số nước châu Âu không muốn chứng kiến các cuộc tập trung của những người theo Hồi giáo này, viện dẫn quan ngại an ninh. Nhưng mạnh tay nhất là Hà Lan, họ cho rằng các cuộc tập trung như vậy sẽ gây ảnh hưởng lớn tới an ninh quốc gia trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử ở đây sắp bắt đầu.
Căng thẳng với Châu Âu
Ông Erdogan cáo buộc một số nước Châu Âu đang thực hành “nỗi sợ Hồi giáo” và yêu cầu các tổ chức quốc tế trừng phạt Hà Lan vì hành động vừa rồi.
“Tôi đã nói rằng tôi tưởng chủ nghĩa quốc xã đã chấm dứt, nhưng tôi đã sai. Chủ nghĩa Quốc xã đang sống ở phương Tây“, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Tổng thống Erdogan cũng cáo buộc Đức là thực hiện “hành vi Quốc xã” sau khi những cuộc tập trung tương tự ở Đức bị hủy. Bà Merkel nói ngôn từ của ông Erdogan là không thể chấp nhận được.
Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen ngừng kế hoạch gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ vì quan ngại “các nguyên tắc dân chủ đang chịu áp lực to lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ“.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu gọi Hà Lan là “thủ đô phát xít” khi bị từ chối nhập cảnh.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã yêu cầu ông Erdogan xin lỗi vì so sánh người Hà Lan với “bọn phát xít quốc xã“.
“Đất nước này bị đánh bom trong Thế chiến II bởi những kẻ Quốc xã. Không thể chấp nhận được kiểu nói chuyện này“, ông Rutte nói. Ông còn cảnh báo Hà Lan sẽ cân nhắc các biện pháp đáp trả nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục leo thang.
Hà Lan đang chứng kiến làn sóng dân túy chống Hồi giáo mạnh mẽ, lãnh đạo bởi ông Geert Wilders, người có cơ hội sẽ thắng cử.
Trong khi đó Pháp cho phép người Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức một buổi tập trung tại Metz, nói rằng việc này không gây nguy hại tới an ninh công cộng, nhưng đề nghị Ankara kiềm chế không gây kích động. Ông Erdogan đã cảm ơn Pháp vì điều này.
Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các buổi tập trung ở châu Âu?
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo, sẽ tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 16/4, nhằm ra quyết định xem có thể chuyển từ thể chế cộng hòa nghị viện sang cộng hòa tổng thống hay không.
Thể chế mới sẽ trao thêm rất nhiều quyền lực cho Tổng thống Erdogan, cho phép ông này chọn Bộ trưởng, thiết kế ngân sách, chọn nhiều vị trí thẩm phán cao cấp và ban hành luật. Thậm chí ông này còn có thể giải tán quốc hội và tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Hiện có khoảng 5,5 triệu người Thổ sống ngoài biên giới quốc gia, chủ yếu ở tây Âu, và những người ủng hộ ông Erdogan muốn có được số phiếu này. Ông và nội các do đó tổ chức nhiều buổi tập trung tại các quốc gia đông kiều dân Thổ nhất là Đức, Áo và Hà Lan để kêu gọi ủng hộ.
Tuy nhiên cả 3 nước này đều nói quan ngại an ninh trong bối cảnh áp lực khủng bố Hồi giáo cực đoan những tháng qua khiến họ không muốn cho phép các buổi tập trung này.
Ngoại trưởng Áo nói rằng họ không hoan nghênh ông Erdogan tới tổ chức các buổi mít tinh vì việc này có thể khiến xung đột gia tăng và cản trở hòa nhập.
Cách xử lý của chính phủ Erdogan với cuộc đảo chính hồi tháng 7 năm ngoái, trong đó ông Erdogan bắt hàng ngàn người đối lập và xa thải gần 100.000 viên chức cũng khiến châu Âu bất an, cho rằng quốc gia này đang tiến gần hơn đến chủ nghĩa độc tài.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa Hồi giáo cực đoan Thổ Nhĩ Kỳ