Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ chấp thuận dỡ bỏ lệnh tạm dừng trục xuất người Venezuela
- Gia Huy
- •
Hôm thứ Hai (7/4), Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã chấp thuận yêu cầu của Tổng thống Donald Trump về việc hủy bỏ phán quyết của tòa án cấp dưới cấm chính quyền Trump sử dụng luật di trú thời chiến năm 1798 để trục xuất ngay lập tức các công dân Venezuela khỏi Hoa Kỳ, trong đó có các thành viên của băng đảng Tren de Aragua khét tiếng. Phán quyết này đánh dấu một chiến thắng quan trọng cho chính quyền Trump trong bối cảnh tổng thống Đảng Cộng hòa đang thúc đẩy các ưu tiên quan trọng về chính sách nhập cư.
Các thẩm phán tại Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã ra phán quyết với tỷ lệ 5-4 để chấp thuận yêu cầu của chính quyền Trump về việc dỡ bỏ lệnh tạm dừng trục xuất của tòa án cấp dưới. Đây được xem là chiến thắng tạm thời cho Tổng thống Trump và các đồng minh của ông.
Vấn đề đang được tranh luận là việc sử dụng Đạo luật Kẻ thù Người nước ngoài, luật di trú thời chiến được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1789 nhằm cho phép trục xuất ngay lập tức một số người di cư khỏi đất Mỹ.
Trước nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump tại Nhà Trắng, đạo luật này chỉ được sử dụng ba lần trong lịch sử Hoa Kỳ: Một lần trong cuộc chiến tranh năm 1812, một lần khác trong Thế chiến thứ nhất, và lần gần đây nhất là trong Thế chiến thứ hai.
Các luật sư của chính quyền Trump đã thúc giục Tối cao Pháp viện hủy bỏ phán quyết của tòa án cấp dưới. Trong hồ sơ đệ trình lên Tối cao Pháp viện, các luật sư lập luận rằng các lệnh của tòa án cấp dưới đã “ngăn chặn” chương trình nghị sự về nhập cư của tổng thống, bao gồm khả năng “bảo vệ Quốc gia khỏi các tổ chức khủng bố nước ngoài và có nguy cơ gây ra những tác động tiêu cực cho các cuộc đàm phán tế nhị với nước ngoài”.
Trong một video đăng trên mạng xã hội X, Bộ trưởng An ninh Nội địa Hoa Kỳ Kristi Noem đã ca ngợi phán quyết của Tối cao Pháp viện: “Hôm nay là một ngày tồi tệ đối với những kẻ khủng bố ở Hoa Kỳ”. Đồng thời bà Noem nói thêm rằng Tổng thống Trump “đã đúng khi sử dụng thẩm quyền của mình trong việc sử dụng Đạo luật Kẻ thù Người nước ngoài để trục xuất những kẻ khủng bố ra khỏi đất nước này”.
Cùng lúc đó, Tổng chưởng lý Hoa Kỳ Pam Bondi ca ngợi phán quyết “mang tính bước ngoặt” này là một “chiến thắng cho pháp quyền”. Đồng thời bà chỉ trích rằng một “thẩm phán là nhà hoạt động” ở Washington D.C “không có quyền hạn để nắm lấy quyền kiểm soát thẩm quyền của Tổng thống Trump trong việc thực hiện chính sách đối ngoại và bảo vệ an toàn cho người Mỹ”.
Trong thông báo phản ứng trước phán quyết của Tối cao Pháp viện, Tổng chưởng lý Bondi kết luận: “Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục đấu tranh tại tòa án để làm cho nước Mỹ an toàn trở lại”.
Phản ứng sau phán quyết của Tối cao Pháp viện, Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance nhấn mạnh: “Đây là một thất bại to lớn đối với những kẻ điên rồ và là một chiến thắng to lớn đối với người dân Mỹ. Tiến lên!”
Phán quyết của Tối cao Pháp viện được đưa ra sau khi Thẩm phán Khu vực Hoa Kỳ James Boarsberg ban hành lệnh tạm thời vào tháng trước, trong đó yêu cầu chính quyền Trump không sử dụng luật di trú thời chiến năm 1798 trong 14 ngày trong thời gian ông ta xem xét bản chất của vụ kiện. Sau đó, một tòa án phúc thẩm liên bang đã duy trì lệnh tạm ngừng trục xuất này trong một phán quyết với tỷ lệ 2 -1.
Trong phiên điều trần phúc thẩm, Thẩm phán Patricia Millett, người được Tổng thống Obama bổ nhiệm, đã nhận xét: “Những kẻ phát xít Đức Quốc xã được đối xử tốt hơn” so với một số người di cư bị trục xuất theo luật này.
Cả Thẩm phán Boasberg và hội đồng phúc thẩm đã chất vấn gay gắt chính quyền về việc Tổng thống Trump sử dụng Đạo luật Kẻ thù Người nước ngoài để trục xuất những công dân Venezuela và về việc ba chiếc máy bay chở hàng trăng người di cư bị trục xuất đến El Salvador ngay ngay hôm sau, sau lệnh tạm ngừng trục xuất của tòa án.
Ít nhất 2621 người di cư đã bị trục xuất vào ngày hôm đó, bao gồm hơn 100 người Venezuela bị trục xuất “chỉ dựa trên” luật di trú thời chiến năm 1798.
Các chuyến bay trục xuất được cho là đã đáp xuống El Salvador cùng thời điểm Thẩm phán Boasberg ban hành lệnh tạm thời ngừng trục xuất, làm dấy lên nghi vấn về việc liệu các quan chức chính quyền Trump có cố tình vi phạm lệnh tòa án hay không. Thẩm phán Boasberg đã ban hành phán quyết của tòa án yêu cầu bất kỳ chuyến bay trục xuất nào đã cất cánh phải quay trở lại “ngay lập tức”.
Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Hôm 3/4, Thẩm phán Boasberg cho biết, ông đang cân nhắc xem liệu có nên buộc tội coi thường tòa án đối với một số quan chức chính quyền Trump hay không vì đã từ chối cung cấp thông tin, ngay cả khi tòa án đã nhiều lần đưa ra yêu cầu cung cấp thông tin về các chuyến bay trục xuất và về số người bị trục xuất được chuyển đến El Salvador.
Các luật sư của chính quyền Trump đã viện dẫn mối quan ngại an ninh quốc gia làm lý do để từ chối tuân thủ yêu cầu cung cấp thông tin của tòa án.
Tuy nhiên trong phiên điều trần hôm 3/4, Phó Trợ lý Tổng chưởng lý Drew Ensign đã hồi đáp Thẩm phán Boasberg rằng thông tin về các chuyến bay bị trục xuất có khả năng không phải là thông tin mật. Điều này đã khiến vị thẩm phán được Tổng thống Obama bổ nhiệm này đặt nghi vấn tại sao chính quyền Trump đã từ chối cung cấp thông tin trong hơn bốn lần được yêu cầu, bao gồm cả lần theo thời hạn được tòa án áp đặt.
“Khá đáng ngờ”, Thẩm phán Boasberg trầm ngâm tại phiên điều trần.
Thẩm phán Boasberg cũng gây sức ép buộc chính quyền Trump tiết lộ danh tính, địa điểm, và cơ quan của các cá nhân liên quan đến việc trục xuất, cũng như bất kỳ cuộc trò chuyện nội bộ nào với các quan chức có thể đã và đang theo dõi quá trình tố tụng tại tòa án.
Phiên điều trần này được xem là cuộc chiến pháp lý mới nhất trong một loạt các cuộc chiến pháp lý chống lại việc chính quyền Trump sử dụng Đạo luật Kẻ thù Người nước ngoài để trục xuất người nhập cư bất hợp pháp phạm tội. Phiên điều trần diễn ra sau khi Thẩm phán Boasberg ban hành lệnh yêu cầu các quan chức chính quyền Trump giải thích tại sao họ không tuân thủ lệnh của tòa án yêu cầu đưa các chuyến bay trục xuất quay trở lại và liệu họ có cố tình bất chấp lệnh của tòa án hay không.
Phán quyết của Tối cao Pháp viện có thể không đánh dấu sự kết thúc nỗ lực của Tổng thống Trump trong việc sử dụng Đạo luật Kẻ thù Người nước ngoài để trục xuất người nhập cư bất hợp pháp phạm tội.
Thẩm phán Boasberg vẫn đang cân nhắc các tội danh coi thường tòa án tiềm ẩn đối với các quan chức chính quyền Trump. Tính đến thời điểm bài viết này, phiên điều trần về lệnh cấm sơ bộ đã được ấn định vào ngày 8/4.
Phản ứng trước phán quyết của Tối cao Pháp viện, trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Trump ca ngợi: “Tối cao Pháp viện đã duy trì Nguyên tắc pháp quyền tại Quốc gia chúng ta bằng cách cho phép một Tổng thống, bất kể là ai, có thể bảo vệ Biên giới của chúng ta, bảo vệ gia đình chúng ta và bảo vệ chính Đất nước chúng ta. MỘT NGÀY TUYỆT VỜI CHO CÔNG LÝ Ở HOA KỲ!”
Gia Huy, theo Fox News
Từ khóa Dòng sự kiện Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ Tren de Aragua Mỹ trục xuất nhập cư bất hợp pháp
