Tôi đã lên đỉnh núi: Bài diễn văn trước ngày bị ám sát của Martin Luther King
Ngày 3/4/1968, đêm trước ngày mục sư nổi tiếng Martin Luther King bị ám sát, ông đã có bài diễn văn cuối cùng mang tên: “Tôi đã lên đỉnh núi”, trong đó những niềm tin thiết tha của ông đối với Thiên Chúa đã được nêu ra một cách mãnh liệt, như một sự dũng cảm đối mặt với một kết cục bi thảm được dự báo sẵn.
Đêm trước ngày cuối cùng trong cuộc đời mình, mục sư, nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King Jr đã không muốn phát biểu. Ông đã tới Memphis để ủng hộ một cuộc đình công của công nhân vệ sinh. Kiệt sức, King đã nhờ Mục sư Ralph Abernathy đọc diễn văn thay mình tại nhà thờ Mason Temple, bang Tennesee. Nhưng đám đông khán giả yêu cầu King và đòi hỏi sự có mặt của ông. Ông đã xuất hiện và thực hiện bài diễn văn “Tôi đã lên đỉnh núi”. Bài diễn văn đã tóm tắt các nguyên tắc đấu tranh bất bạo động của ông trong cuộc tranh đấu đòi quyền bình đẳng cho người da đen, cũng như một dự ngôn thiết tha cho cuộc đời mình.
“Với niềm tin này, tôi sẽ đi và đào một đường hầm hy vọng xuyên qua ngọn núi tuyệt vọng”.
Ông nói người biểu tình không được tham gia vào các hành vi bạo lực và biểu tình ôn hòa là biện pháp phản kháng tốt nhất và duy nhất để đảm bảo yêu cầu của họ được lắng nghe và trả lời.
Về phong trào đòi quyền dân sự, Kinh yêu cầu chính phủ bảo vệ quyền của toàn bộ cư dân như được viết trong Hiến Pháp Hoa Kỳ và Tuyên ngôn Độc lập. Ông nói rằng ông sẽ không bao giờ từ bỏ cho tới khi những quyền tự nhiên này được bảo vệ, ông nói:
“Tôi đọc được ở đâu đó về quyền tự do hội họp. Tôi đọc được ở đâu đó về quyền tự do ngôn luận. Tôi đọc được ở đâu đó về quyền tự do báo chí. Tôi đọc được ở đâu đó rằng sự vĩ đại của nước Mỹ là quyền để bảo vệ những quyền này. Và như tôi vừa nói, chúng ta sẽ không để chó và vòi nước khiến chúng ta phải quay lại. Chúng ta không để lệnh cấm tòa án khiến chúng ta phải quay lại. Chúng ta sẽ tiếp tục”.
Về việc đấu tranh kinh tế cho cộng đồng da đen, ông vận động họ tẩy chay sản phẩm của người da trắng như một hình thức đấu tranh bất bạo động. Ông nói rằng từng người da đen thì nghèo nhưng hợp lại cùng nhau, họ có thể sở hữu một sức mạnh kinh tế và họ không nên sử dụng nó để ủng hộ các tổ chức kỳ thị chủng tộc mà thay vào đó để hỗ trợ các doanh nghiệp của người da đên. Mặc dù các doanh nghiệp này có thể không cần lắng nghe người biểu tình, họ sẽ buộc phải nghe lời tẩy chay bởi nó có thể khiến doanh nghiệp phá sản. King đã liệt một số doanh nghiệp trong bài phát biểu:
“Hãy đi và nói với hàng xóm của anh em rằng đừng mua Coca-Cola tại Memphis. Đi và nói với họ đừng mua sữa Sealtest. Nói họ đừng mua bánh mỳ Wonder Bread. Đừng mua bánh mỳ Hart. Như Jesse Jackson đã nói, tới nay, chỉ có những người rác rưởi mới cảm thấy nỗi đau; giờ chúng ta phải tái phân phối cơn đau”
Đự đoán cái chết
Những lời cuối cùng trong diễn văn cuối cùng của Martin Luther King được đọc như sau:
“Tôi không quan tâm điều gì đang xảy ra… người ta đang bàn tán về những lời đe dọa – những người anh em da trắng sẽ làm gì tôi… Giống mọi người, tôi muốn được sống lâu. Trường thọ là điều quý báu, nhưng hiện nay tôi không quan tâm đến nó. Tôi chỉ muốn tuân phục ý Chúa. Ngài cho phép tôi leo lên đỉnh núi, nhìn về phía xa, và tôi đã thấy Đất Hứa. Có thể tôi sẽ không đến đó cùng với anh em. Nhưng đêm nay tôi muốn anh em biết rằng, chúng ta, như là một dân tộc, sẽ tiến vào Đất Hứa. Đêm nay tôi thấy mình hạnh phúc. Tôi không lo lắng gì nữa. Tôi không sợ hãi ai nữa. Mắt tôi đã xem ngắm sự vinh hiển của Chúa quang lâm”.
King là một mục sư và Đỉnh núi có một ý nghĩa Kinh Thánh. Theo Kinh Thánh, Chúa gọi Mose “đi lên Sinai vào buổi sáng và trình diện trước mặt ta, trên đỉnh núi”.
Sách Isaiah 2 nói rằng Nhà của Chúa sẽ được đặt trên ngọn núi cao nhất, và trên đỉnh núi đó “họ sẽ đập thanh gươm vào lưỡi cày; các quốc gia sẽ không cầm thanh gươm lên để chống lại nhau, họ cũng không biết về chiến tranh nữa”.
Nhiều người cho rằng King đã nhắc đến “Đỉnh núi” trong sự kiện mô tả trong Phục Truyền Luật Lệ (Deuteronomy 34), trong đó Mose, lãnh đạo người Do Thái theo ý chúa tới Đất Hứa. Nhưng trước khi họ tới được đó, Chúa nhắc Mose rằng bởi vì có một việc ông đã không làm theo ý Ngài, Mose sẽ không được bước chân vào Đất Hứa mà chỉ được nhìn thấy nó từ phía xa:
“Kế ấy, Mose từ đồng bằng Moab leo lên trên núi Nebro… Tại đó Chúa chỉ cho ông toàn bộ mảnh đất …. Rồi Chúa nói: “Đây là mảnh đất ta đã thề ban cho Abraham, Issac và Jacob …. Giờ ta cho tự mắt người xem xứ ấy, nhưng người không vào được nữa”.
Nhiều người tin rằng King đã đọc điếu văn cho mình.
King bị ám sát vào chiều tối hôm sau, ngày 4 tháng 4 năm 1968, vào lúc 6 giờ 01 phút, khi ông đang đứng trên ban công của khách sạn Lorraine tại Memphis, Tennessee, sắp sửa rời khách sạn để dẫn đầu một cuộc tuần hành ủng hộ liên đoàn công nhân vệ sinh của người da đen tại Memphis. Vài người bạn đang ở bên trong, nghe tiếng súng vội chạy ra ban công để thấy King đã bị bắn vào hàm. Jesse Jackson, có mặt vào lúc ấy, thuật lại rằng, King nói lời sau cùng với Ben Branch, một nhạc sĩ được sắp xếp trình diễn trong đêm ấy: “Này Ben, hãy hứa với tôi là đêm nay anh sẽ chơi bài Take My Hand, Precious Lord (Cầm tay con, đức Chúa diệu kỳ), và phải chơi thật hay.”
Sau cuộc giải phẫu, Bệnh viện St. Joseph tuyên bố King từ trần lúc 7 giờ 5 phút tối cùng ngày. Ngay sau khi King bị ám sát đã bùng nổ những cuộc bạo động lan rộng trên hơn 100 thành phố trên khắp nước Mỹ.
Đức Trí
Xem thêm:
Từ khóa phân biệt chủng tộc người da đen Ám sát Martin Luther King