Tổng thống Đài Loan cảnh báo về tham vọng bá quyền toàn cầu của Trung Quốc
- The Epoch Times
- •
Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức nói trong một bài phát biểu được ghi hình trước và phát tại một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc vào ngày 24 tháng 9 rằng chế độ cộng sản Trung Quốc muốn làm nhiều hơn chứ không chỉ là dập tắt nền dân chủ của hòn đảo này.
“Mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan là mối đe dọa đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế. Trung Quốc không chỉ muốn thay đổi hiện trạng ở Eo biển Đài Loan. Họ có ý định thay đổi trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và đạt được quyền bá chủ quốc tế”, ông Lại nói.
Bài phát biểu được ghi hình trước của ông Lại đã được trình chiếu cho những người dự Hội nghị thượng đỉnh Concordia, một sự kiện diễn ra bên lề phiên họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở Thành phố New York, Hoa Kỳ.
Đài Loan đã rút khỏi Liên Hiệp Quốc vào năm 1971 sau khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết 2758, trao chiếc ghế của Đài Loan tại Liên Hiệp Quốc cho Trung Quốc. Kể từ đó, hòn đảo tự trị này đã bị loại khỏi việc tham gia chính thức vào các cuộc họp và hoạt động của Liên Hiệp Quốc vì sự phản đối của Bắc Kinh.
Ông Lại nói rằng chính quyền Trung Quốc đã bóp méo Nghị quyết 2758 để ủng hộ “nguyên tắc Một Trung Quốc”, tuyên bố sai sự thật rằng văn bản này trao cho Bắc Kinh quyền tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan và hòn đảo này không có quyền tham gia vào hệ thống Liên Hiệp Quốc và các diễn đàn quốc tế khác.
Tổng thống Đài Loan cảm ơn Hoa Kỳ và Liên minh Liên Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) vì đã có hành động phản đối cách Bắc Kinh diễn giải Nghị quyết 2758.
IPAC, một liên minh toàn cầu gồm hàng trăm nhà lập pháp, đã đưa ra một sáng kiến vào tháng Bảy, trong đó các thành viên cam kết thông qua các nghị quyết tại quốc hội của họ để bác bỏ cách Bắc Kinh diễn giải Nghị quyết 2758. Kể từ sau đó, Thượng viện Úc và Hạ viện Hà Lan đã thực hiện cam kết này.
Vào tháng Năm, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng Hoa Kỳ đã viết một lá thư cho Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, kêu gọi ông này ủng hộ việc Đài Loan tham gia Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA). Lá thư có đoạn viết: “Việc Đài Loan bị loại khỏi WHO và WHA làm suy yếu sứ mệnh của WHO trong việc xây dựng một tương lai lành mạnh hơn cho cộng đồng toàn cầu“.
Các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ cũng cho biết Bắc Kinh đã cố gắng sử dụng Nghị quyết 2758 “như một cái cớ để cản trở sự tham gia của Đài Loan với cộng đồng quốc tế“.
Ông Lại chỉ ra rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã leo thang hành động gây hấn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, gây mất ổn định trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
“Chúng ta đã thấy Trung Quốc tăng cường đe dọa quân sự ở Eo biển Đài Loan và Biển Hoa Đông và Biển Đông. Thông qua việc sử dụng các chiến thuật vùng xám như sức ép kinh tế và chiến tranh nhận thức, Trung Quốc gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định toàn cầu”, ông Lại nói.
Tổng thống Đài Loan nhắc lại lời kêu gọi trước đó của mình, thúc giục các quốc gia có cùng chí hướng đoàn kết dưới một “chiếc ô dân chủ” (Democratic Umbrella).
“Chúng tôi chân thành hy vọng Đài Loan và các quốc gia dân chủ khác sẽ cùng nhau ủng hộ chiếc ô dân chủ và chống lại sự xâm lược của chế độ độc tài khi chúng ta tiến vào kỷ nguyên mới trong quá trình phát triển dân chủ toàn cầu”, ông Lại nói.
Tổng thống Joe Biden, trong bài phát biểu quan trọng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 24 tháng 9, nói rằng Hoa Kỳ “không hề nao núng” trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã công bố một tuyên bố cảm ơn ông Biden vì “sự ủng hộ công khai nhất quán của ông đối với hòa bình và ổn định trên eo biển trong suốt nhiệm kỳ của mình“.
Trung Quốc
Sau khi bài phát biểu được ghi hình của ông Lại được trình chiếu, ông Du Đại Lôi (Alexander Tah-ray Yui), đại diện cấp cao của Đài Loan tại Hoa Kỳ, và ông Keith Krach, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, chủ tịch kiêm đồng sáng lập Viện Ngoại giao Công nghệ Krach tại Đại học Purdue, đều phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Concordia rằng ĐCSTQ và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình coi nền dân chủ của Đài Loan là một “mối đe dọa lớn“.
“Đài Loan chắc chắn là ngọn hải đăng của tự do và dân chủ, không chỉ trong khu vực mà cả trên toàn thế giới”, ông Krach nói.
“Điều này đã xóa tan quan điểm của ông [Tập] rằng văn hóa Trung Quốc không thể tồn tại và phát triển trong một nền dân chủ, vì vậy ông ta muốn phá hủy nó”, ông Krach nói thêm.
Ông Du cho biết ĐCSTQ tin rằng tự do và dân chủ của Đài Loan đe dọa tính hợp pháp của chế độ cộng sản Trung Quốc.
Năm ngoái, Giám đốc CIA William Burns nói rằng ông Tập đã chỉ thị cho quân đội Trung Quốc sẵn sàng xâm lược Đài Loan vào năm 2027.
Ông Du cũng chỉ ra rằng chi tiêu an ninh trong nước của Trung Quốc cao hơn ngân sách quân sự, có nghĩa là ĐCSTQ coi người dân là kẻ thù lớn nhất của mình.
Ông Adrian Zenz, nghiên cứu viên cao cấp và giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản (Victims of Communism Memorial Foundation), ước tính rằng chi tiêu của Trung Quốc cho an ninh trong nước đã đạt 1,24 nghìn tỷ nhân dân tệ – khoảng 193 tỷ USD – vào năm 2017, cao hơn khoảng 19% so với chi tiêu cho quốc phòng bên ngoài, theo phân tích của ông Adrian Zenz được Quỹ Jamestown công bố vào năm 2018.
Ông Du cho biết khi các quốc gia phát triển công nghệ, điều quan trọng là phe dân chủ phải đi đầu.
“Niềm tin vào công nghệ là rất quan trọng. Điều đó rất quan trọng đối với chúng ta, những quốc gia có cùng tư tưởng dân chủ, để bảo đảm rằng… công nghệ mà chúng ta nắm giữ và đang phát triển luôn đi trước một bước hoặc nhiều bước so với bên kia [Trung Quốc]”, ông Du nói.
“Chúng ta sử dụng công nghệ để nâng cao, cải thiện đời sống con người; còn bên kia [Trung Quốc] sử dụng công nghệ để kiểm soát người dân của mình”, ông Du nói tiếp.
Ông Du cho biết Đài Loan đóng vai trò không thể thiếu trong việc thúc đẩy công nghệ trên toàn thế giới, với vị thế dẫn đầu trong sản xuất chất bán dẫn. Theo ông Du, Đài Loan sản xuất khoảng 60% chất bán dẫn trên thế giới và 92% chất bán dẫn tiên tiến trên thế giới.
“Nói về tương lai—tức là công nghệ—mà không đưa Đài Loan vào thì cũng giống như đi đến trung tâm thành phố New York ở Little Italy và mua một chiếc bánh cannoli mà không có nhân. Nếu các bạn nói về tương lai mà không có Đài Loan, các bạn sẽ bị tụt hậu”, ông Du cảnh báo.
Sau phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh Concordia, các phóng viên hỏi ông Du liệu rằng Đài Loan có lo ngại gì về kết quả cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng Mười Một không. Ông Du trả lời rằng Đài Loan nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng tại Quốc hội.
Ông Du cho biết kết quả bầu cử sẽ không thay đổi mức độ hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc đang gây ra những mối đe dọa cho Hoa Kỳ.
Frank Fang/ The Epoch Times
Từ khóa Đài Loan Quan hệ Trung Quốc - Đài Loan Lại Thanh Đức