Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với đài truyền hình hôm 1/9, Tổng thống Lại Thanh Đức của Đài Loan cho biết, mục đích xâm lược Đài Loan của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là vì kế hoạch trở thành bá chủ thế giới chứ không phải để củng cố toàn vẹn lãnh thổ. Ông nói vì nếu ĐCSTQ thực sự quan tâm đến chủ quyền lãnh thổ, thì tại sao không yêu cầu Nga trả lại phần lãnh thổ đã được nhượng cho vào thế kỷ 19? Tuyên bố này làm dấy lên chú ý của giới truyền thông quốc tế.

Lai Thanh Duc
Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức gần đây khi trả lời phỏng vấn truyền thông đã chất vấn về lập trường của ĐCSTQ đối với cái gọi là duy trì toàn vẹn lãnh thổ trong vấn đề muốn thống nhất với Đài Loan. (Nguồn: Phủ Tổng thống Đài Loan)

Khi Tổng thống Lại Thanh Đức hoàn thành ngày thứ 100 tại nhiệm, ông đã nhận lời phỏng vấn độc quyền với người dẫn chương trình truyền hình Catherine Chang trên “Zhang Yaqin nhìn ra thế giới”. Ông nói rằng Đài Loan và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không liên quan gì nhau, mỗi bên có chủ quyền độc lập riêng, dân chủ và tự do cũng đã phát triển ở Đài Loan, và quan trọng nữa là dân chủ và tự do đó cũng đã có ảnh hưởng khắp thế giới. Không thể coi lối sống dân chủ và tự do của người dân Đài Loan là thách thức đối với ĐCSTQ. Ý định sáp nhập Đài Loan của ĐCSTQ thực chất không phải vì sự toàn vẹn lãnh thổ, nếu thực sự là vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, thì tại sao không lấy lại những vùng đất do Nga chiếm đóng đã ký kết trong Hiệp ước Aigun?

Ông Lại Thanh Đức nhấn mạnh: “Bây giờ là lúc nước Nga yếu nhất. ĐCSTQ có cơ hội lớn lấy lại vùng chủ quyền được ký thời nhà Thanh qua Hiệp ước Aigun, nhưng họ đã không yêu cầu Nga. Vì vậy, rõ ràng là việc ĐCSTQ muốn thôn tính Đài Loan không phải vì toàn vẹn lãnh thổ”.

Ông chỉ ra mục đích xâm lược Đài Loan của ĐCSTQ là nhằm thay đổi “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” và đạt được quyền bá chủ ở Tây Thái Bình Dương hoặc trên trường quốc tế: “Nếu ĐCSTQ chỉ muốn chiếm Đài Loan thì họ không cần phải mở rộng quân sự tại biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng không cần thiết phải tiến hành tập trận chung với Nga, thậm chí quân đội của ĐCSTQ không chỉ ở eo biển Đài Loan, mà còn tiến tới vùng biển Nhật Bản”.

Tổng thống Lại Thanh Đức cũng cho biết, “Chúng tôi hoàn toàn không thể chấp nhận ‘Đồng thuận năm 1992’ về nguyên tắc một Trung Quốc, bởi nó tương đương với việc chuyển giao chủ quyền của Đài Loan, như vậy thì cũng không tồn tại Đài Loan”.

Phát biểu làm dấy lên chú ý

Bài phát biểu của ông Lại Thanh Đức trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới. Các phương tiện truyền thông bao gồm Reuters, tờ Guardian của Anh, tờ Newsweek của Mỹ, tờ Die Zeit của Đức và Tạp chí Time… đều đưa tin vấn đề này.

The Guardian chỉ ra, phát biểu của ông Lại Thanh Đức nêu bật thái độ mâu thuẫn của Trung Quốc.

Giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Hudson ở Mỹ là chuyên gia lịch sử Dư Mậu Xuân (Miles Yu) cũng bình luận rằng “lãnh đạo của các nước dân chủ không [bất nhất] như vậy”.

Chuyên gia truyền thông Nhật Bản Akio Yaita cũng đăng trên Facebook rằng tuyên bố của Tổng thống Lại Thanh Đức “Tại sao Trung Quốc không lấy lại đất mà Nga chiếm đóng?” có thể nói là cái tát mạnh của nhà lãnh đạo Đài Loan vào tiêu chuẩn kép của ĐCSTQ về vấn đề “thống nhất lãnh thổ” này.

Ông cho biết phát biểu của Tổng thống Đài Loan dựa trên lịch sử. Hiệp ước Aigun được ký kết giữa chính quyền nhà Thanh và Chính phủ Nga năm 1858, nhượng một vùng đất rộng lớn ở Viễn Đông cho Nga; Đài Loan được nhượng lại cho Nhật Bản sau khi Chính phủ nhà Thanh ký Hiệp ước Shimonoseki với Nhật Bản năm 1895. Sau khi ĐCSTQ tiếm quyền vào năm 1949, ĐCSTQ đã đưa ra tuyên bố tuyên bố rằng họ “không công nhận bất kỳ hiệp ước bất bình đẳng nào được chính phủ tiền nhiệm ký kết”. Dựa trên tuyên bố này, họ đã yêu cầu Anh trả lại đảo Hồng Kông đã nhượng cho Anh vào năm 1842. Akio Yaita chất vấn: “Tại sao ĐCSTQ lại hung hãn trong hàng loạt hiệp ước bất bình đẳng, duy chỉ hiệp ước với Nga lại cho qua. Không những không đề cập đến việc trả lại lãnh thổ, thời lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân còn nhượng thêm đất cho Nga?”.

Tại Bắc Kinh ngày 9 và 10/12/1999 trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Yeltsin, ông Giang Trạch Dân đã ký “Nghị định thư về tường trình phần Đông và Tây của ranh giới Trung-Nga giữa Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Chính phủ Liên bang Nga”. Theo đó, ĐCSTQ đã bán cho Nga hơn một triệu km2 lãnh thổ, tương đương với diện tích của 3 tỉnh đông bắc Trung Quốc, số đó cũng bằng hàng chục lần Đài Loan cộng lại. Ông Giang Trạch Dân cũng giao cửa sông Đồ Môn cho Nga.

Akio Yaita chỉ ra rằng nước Nga, hiện đang mắc kẹt trong chiến tranh, đã đánh mất sức mạnh quốc gia để lấy lại vinh quang trước đây. Nếu ĐCSTQ muốn lấy lại lãnh thổ từ Nga thì đây là một cơ tốt, không chừng chỉ cần chi một ít tiền là được. Nhưng tại sao ĐCSTQ lại hỗ trợ ngầm rất nhiều cho Nga một cách vô điều kiện. Cộng đồng mạng Trung Quốc cũng có rất nhiều người tức giận về vấn đề này.

Ông Akio Yaita cho biết, một số phương tiện truyền thông nước ngoài đã yêu cầu Bộ Ngoại giao và Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của ĐCSTQ bình luận về phát biểu này của Tổng thống Đài Loan, nhưng không đơn vị nào phản hồi, có thể vì phát biểu trúng vào chỗ yếu của họ. Điều mà ông Tập Cận Bình muốn nhắm vào là phe dân chủ tự do, còn Nga là đồng lõa của ĐCSTQ. Mong muốn sáp nhập Đài Loan của ĐCSTQ thực ra không phải vì cái gọi là toàn vẹn lãnh thổ, mà là một nỗ lực nhằm thay đổi “trật tự thế giới dựa trên luật lệ”, và nhằm đạt được quyền bá chủ quốc tế hoặc ở Tây Thái Bình Dương.

Phản ứng từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga

Bình luận về phát biểu của Tổng thống Đài Loan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đã phớt lờ việc Nga chiếm đóng lãnh thổ, chỉ nhấn mạnh vấn đề “nguyên tắc một Trung Quốc”.

Hôm 3/9, người phát ngôn Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga đã đăng trên trang chuyên mục “Hỏi đáp về truyền thông của Bộ Ngoại giao Nga”, nói rằng Liên bang Nga và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 16/7/2001 đã ký “Hiệp ước láng giềng tốt, hữu nghị và hợp tác”, hai bên đã từ bỏ mọi yêu sách lãnh thổ đối với nhau; và hơn nữa vào ngày 14/10/2004 đã ký “Thỏa thuận bổ sung ranh giới Nga-Trung phần phía Đông”, nhằm thực hiện đồng thuận trong hiệp ước và giải quyết mọi tranh chấp biên giới đang tồn tại giữa hai bên.

Bà Shakalova nhấn mạnh Nga “luôn tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc” và coi “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc”, nhà lãnh đạo Đài Loan không đại diện tiếng nói của Bắc Kinh nên chớ đánh giá cao tiếng nói quốc tế của bản thân. Bà Shakalova cho rằng ông Lại Thanh Đức bị người Mỹ kích động và chủ trương ly khai, nhưng điều này sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho cá nhân ông và cho người dân Đài Loan…

Mộc Vệ (t/h)