Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đáp xuống thủ đô Hà Nội vào ngày 25/5, bắt đầu chuyến thăm Đông Nam Á, với điểm đến đầu tiên là Việt Nam. Tiếp theo, ông sẽ thăm Indonesia và Singapore. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một tổng thống Pháp trong gần một thập kỷ qua.

Macron 1
Ngày 25/5/2025, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân đã đến Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội, Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một tổng thống Pháp trong gần mười năm qua. (Ảnh: Chụp màn hình video)

Theo hãng tin AFP, chuyến đi lần này của ông Macron có phu nhân Brigitte đi cùng. Vào ngày 26/5, ông sẽ gặp Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm. Đây là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm cấp nhà nước tới 3 quốc gia. Theo truyền thông chính thức của Việt Nam, một trong những thỏa thuận quan trọng sẽ được ký kết trong chuyến thăm này là thỏa thuận giữa Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia Việt Nam liên quan đến dự án lưới điện.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn sau khi đến Hà Nội, ông Macron cho biết: “Dù ở bất cứ nơi đâu, tôi luôn nói một điều đơn giản: Pháp là một lực lượng gìn giữ hòa bình và cân bằng. Pháp là một đối tác đáng tin cậy, tin tưởng vào đối thoại và hợp tác. Khi có người chọn cách rút lui, thì Pháp chọn cách xây dựng những cây cầu.”

Ông Macron nói thêm: “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là trung tâm của thương mại toàn cầu, và chúng ta đang chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế, công nghệ và đổi mới kỹ thuật tại khu vực này. Sự hợp tác sẽ giúp chúng ta đối mặt tốt hơn với những thách thức lớn của thế kỷ này, bao gồm khí hậu, kinh tế và địa chính trị.”

AFP cho biết, chuyến công du lần này là biểu hiện mới nhất của chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” mà Pháp đang theo đuổi, nhằm thúc đẩy một “con đường thứ ba” nằm giữa Trung Quốc và Mỹ. Theo AFP, chuyến thăm Việt Nam có thể gây được tiếng vang với lập trường “lực lượng cân bằng” của Pháp, vì bản thân Việt Nam cũng đang cẩn trọng giữ thế cân bằng trong quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ để tối đa hóa lợi ích thương mại – điều này phù hợp với chính sách đối ngoại “ngoại giao cây tre” của Việt Nam.

Phủ Tổng thống Pháp (Điện Elysée) hy vọng sẽ “tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng, giao thông và quốc phòng”. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Pháp sẽ tháp tùng Tổng thống trong chuyến đi, bao gồm đại diện từ Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF), Hãng hàng không Dassault, Airbus, Tập đoàn Hải quân Pháp (Naval Group), Tập đoàn vận tải biển CMA CGM và Tập đoàn khai khoáng luyện kim đa quốc gia Eramet S.A. (ERMAY).

Sau khi kết thúc chuyến thăm tại Việt Nam, ông Macron sẽ đến Indonesia để thúc đẩy quan hệ song phương, sau đó tới Singapore để phát biểu tại Đối thoại An ninh Shangri-La – một hội nghị quốc phòng thường niên diễn ra vào thứ Sáu.

Theo RFI