Tổng thống Vladimir Putin mới đây đã ký sắc lệnh phê duyệt bản cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga giữa lúc xung đột với Ukraine leo thang.

học thuyết hạt nhân
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Aynur Mammadov/shutterstock)

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/11 đã ký sắc lệnh phê duyệt tài liệu có tên gọi Nền tảng Chính sách Nhà nước trong Lĩnh vực Răn đe Hạt nhân.

Như vậy, Tổng thống Putin đã phê duyệt học thuyết hạt nhân mới, đưa vào thực thi những thay đổi mà nhà lãnh đạo Nga lần đầu công bố vào tháng 9.

Theo nguyên tắc cơ bản của học thuyết hạt nhân, việc sử dụng vũ khí hạt nhân là biện pháp cuối cùng để bảo vệ chủ quyền của đất nước. Sự xuất hiện của các mối đe dọa và rủi ro quân sự mới đã thúc đẩy Nga làm rõ các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân. Đặc biệt, học thuyết sửa đổi mở rộng phạm vi các quốc gia và liên minh quân sự chịu sự răn đe hạt nhân, cũng như danh sách các mối đe dọa quân sự mà sự răn đe đó được triển khai để chống lại.

Bên cạnh đó, học thuyết nêu rõ Moskva sẽ coi hành động khiêu khích chống lại Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân, là một cuộc tấn công chung vào Nga và vượt ngưỡng hạt nhân.

Mặc dù không nêu cụ thể tên quốc gia nào, nhưng điều này rõ ràng sẽ áp dụng với việc Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ hoặc các đồng minh hạt nhân NATO cung cấp.

Moskva cũng có quyền xem xét phản ứng hạt nhân đối với một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa chủ quyền của Nga, như một vụ tấn công bằng máy bay, tên lửa và máy bay không người lái của đối phương trên diện rộng nhắm vào lãnh thổ Nga, vượt qua biên giới Nga và một cuộc tấn công vào đồng minh Belarus của Nga.

Phiên bản trước đó của học thuyết hạt nhân Nga đã được phê duyệt vào tháng 6/2020, thay thế một tài liệu tương tự đã có hiệu lực trong 10 năm.

Học thuyết hạt nhân được thông qua năm 2020 của Nga vạch ra 4 tình huống chính có thể khiến Nga sử dụng vũ khí hạt nhân:

Thứ nhất là khi Nga nhận được “thông tin đáng tin cậy” về vụ phóng tên lửa đạn đạo chống lại chính mình và/hoặc đồng minh.

Thứ hai là khi vũ khí hạt nhân hoặc các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác được sử dụng để chống lại Nga và/hoặc các đồng minh.

Thứ ba là khi đối phương hành động chống lại “các cơ sở quân sự hoặc nhà nước quan trọng” có thể làm gián đoạn phản ứng của lực lượng hạt nhân Nga.

Thứ tư là khi Nga bị tấn công bằng vũ khí thông thường nhưng vẫn đe dọa đến sự tồn vong của nhà nước.

Tổng thống Nga vẫn là người đưa ra quyết định về việc có sử dụng kho vũ khí hạt nhân hay không. Ông cũng có thẩm quyền truyền đạt ý định và hành động của Nga liên quan đến những vũ khí này cho nước ngoài.

Học thuyết hạt nhân sửa đổi được công bố vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cấp phép cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Washington tài trợ để tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga.

Anh Trần

Video: ÔNG TẬP GẶP TT BIDEN TẠI APEC: KHÔNG NHẮC ĐẾN TÊN TRUMP, VẠCH RA 4 ‘LẰN RANH ĐỎ’ CỦA BẮC KINH