Ngày 7/12, chính quyền Trung Quốc đã tiếp tục đe dọa trả đũa việc Mỹ lên kế hoạch tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022, nói rằng họ sẽ thực hiện “các biện pháp đáp trả kiên quyết”.

shutterstock 778062421
Olympic Bắc Kinh 2022 (Ảnh: Yuangeng Zhang / Shutterstock)

Tại cuộc họp giao ban hàng ngày hôm 7/12, khi được hỏi về các biện pháp đối phó cụ thể, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phản hồi: “Hoa Kỳ sẽ phải trả giá. Các vị hãy tiếp tục theo dõi.”

Trước đó, ngày 6/12, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki thông báo, Hoa Kỳ sẽ không cử phái đoàn quan chức tới Thế vận hội 2022 để phản đối việc “chính quyền [Trung Quốc] gây ra tội ác diệt chủng và chống lại loài người” ở Tân Cương.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các nhóm bảo vệ nhân quyền và các nhà lập pháp trên khắp thế giới đang gia tăng kêu gọi tẩy chay sự kiện này. Họ kêu gọi hoãn hoặc dời địa điểm tổ chức Thế vận hội Mùa đông, trừ khi chính quyền Trung Quốc chấm dứt chiến dịch đàn áp các dân tộc thiểu số ở vùng Tân Cương. Hoa Kỳ và các nền dân chủ phương Tây khác đã coi các hành động của Bắc Kinh là tội ác diệt chủng.

 

Bà Psaki cho biết, cuộc tẩy chay ngoại giao sẽ không ảnh hưởng đến các vận động viên Hoa Kỳ, “những người đang tập luyện, chuẩn bị cho thời điểm này,” nhưng nó “có thể gửi đi một thông điệp rõ ràng”.

Khi ông Triệu được hỏi liệu chính quyền Trung Quốc có tẩy chay Thế vận hội Mùa Hè Los Angeles 2028 và Thế vận hội Mùa Đông 2030 dự kiến diễn ra ở Thành phố Salt Lake hay không, ông đã từ chối bình luận, nói rằng Washington nên nhận ra “hậu quả” của động thái này.

Sau quyết định của Hoa Kỳ, ngày 7/12 chính phủ New Zealand thông báo, họ sẽ không cử phái đoàn quan chức, với lý do lo ngại về COVID-19. Các quốc gia khác như Úc, Anh và Canada cũng đã lên án sự vi phạm nhân quyền của chế độ Bắc Kinh, cho biết họ đang xem xét lập trường của mình.

Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có lo lắng việc tẩy chay ngoại giao có thể tạo ra “hiệu ứng domino” hay không, ông Triệu khẳng định, sự kiện này là dành cho các vận động viên, và việc các quan chức có tham gia hay không đều không có “ảnh hưởng gì” đến Thế vận hội ở Bắc Kinh.

Cuộc tẩy chay ngoại giao của Washington đối với Thế vận hội đã nhận được sự tán thưởng của các nhóm đại diện cho những nạn nhân của chế độ Trung Quốc.

Ông Omer Kanat, Giám đốc Điều hành Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ nhận định: “Chính quyền Trung Quốc đang tận dụng Thế vận hội Mùa đông 2022 như một màn biểu diễn vai trò lãnh đạo thế giới của mình. Cuộc tẩy chay ngoại giao phát đi tín hiệu mạnh mẽ: Các chính phủ từ chối bật đèn xanh cho nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ.”

Hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo khác đã bị giam giữ trong các trại giam giữ ở vùng Tân Cương phía Tây Trung Quốc. Họ đã bị cưỡng bức triệt sản, tra tấn, lao động cưỡng bức và tẩy não về chính trị.

Trong một tuyên bố vào hôm 6/12, Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng cho biết cuộc tẩy chay là “lựa chọn đúng đắn cả về mặt đạo đức và chiến lược”. Trong khi đó, Hội đồng Dân chủ Hồng Kông đã ca ngợi hành động này là “một điểm khởi đầu tốt” để buộc chế độ cộng sản phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền của mình. Tuy nhiên. tổ chức này kêu gọi hành động cụ thể hơn từ phía chính phủ Tổng thống Biden.

Đông A (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: