Triệu Lập Kiên: “Hoa Kỳ muốn kìm hãm sự phát triển của Tân Cương”
- Minh Ngọc
- •
Đáp lại việc cơ quan hải quan Mỹ cấm nhập khẩu polysilicon của Công ty Hoshine Silicon Industry vì cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức các nhóm dân tộc thiểu số ở khu vực Tân Cương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 25/6 lên án Washington đang lợi dụng “cái mác nhân quyền để ngụy trang” hòng “kìm hãm sự phát triển công nghiệp của Tân Cương”.
Ông Triệu Lập Kiên lên án: “Hoa Kỳ không hề quan tâm đến người dân Tân Cương. Âm mưu thực sự và ý đồ thâm độc của họ là làm rối loạn Tân Cương hòng kiềm chế Trung Quốc,” AP đưa tin.
Cơ quan hải quan Hoa Kỳ cho biết, một cuộc điều tra đã tìm thấy bằng chứng cho thấy các công nhân trong ngành công nghiệp polysilicon ở Tân Cương đã bị đe dọa và bị hạn chế di chuyển.
Dù vậy, các quan chức Trung Quốc vẫn luôn bác bỏ cáo buộc lao động cưỡng bức và các hành vi vi phạm nhân quyền nêu trên. Họ khẳng định rằng các trại giam giữ khoảng 1 triệu người là để đào tạo nghề cho nhóm dân tộc thiểu số và chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Ông Triệu tuyên bố Bắc Kinh sẽ “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo vệ các công ty của mình, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết. Phát ngôn viên này của Trung Quốc cũng từng đưa ra bình luận tương tự khi đáp lại các lệnh trừng phạt thương mại trước đó của Hoa Kỳ. Dù vậy, điều đáng nói là chưa hề có bất cứ động thái nào từ phía Trung Quốc tiếp sau tuyên bố của ông Triệu.
Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành các hạn chế riêng đối với việc xuất khẩu của Hoa Kỳ sang công ty Hoshine, ba công ty Trung Quốc khác và Tập đoàn bán quân sự sản xuất và xây dựng Tân Cương (XPCC), cáo buộc rằng các công ty này có liên quan đến nạn cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo khác tại Tân Cương. Hoa Kỳ còn đang tiếp tục điều tra các cáo buộc cưỡng bức lao động của các công ty Trung Quốc cung cấp silicon đa tinh thể.
Theo chính phủ Hoa Kỳ, nhập khẩu trực tiếp từ Hoshine vào Hoa Kỳ trong 2 năm rưỡi qua đạt tổng cộng khoảng 6 triệu đô la, trong khi hàng hóa thành phẩm bao gồm nguyên liệu từ công ty là khoảng 150 triệu đô la. Hoshine là một trong những nhà cung cấp polysilicon lớn nhất toàn cầu, một vật liệu được sử dụng để sản xuất các tấm pin mặt trời.
Động thái mới nhất Bộ Thương mại có thể coi là một trở ngại tiềm tàng đối với tham vọng thúc đẩy năng lượng mặt trời của Tổng thống Joe Biden. Hồi tháng 3, chính quyền Biden đã thông báo mục tiêu cắt giảm chi phí sản xuất năng lượng mặt trời khoảng 60% trong vòng 10 năm tới. Tổng thống Biden đã đặt ra mục tiêu có được lưới điện sạch 100% trước năm 2035.
Minh Ngọc (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa đàn áp người Duy Ngô Nhĩ Nhân quyền Tân Cương Công ty Hoshine Silicon Industry lao động cưỡng bức Dòng sự kiện