Triều Tiên từ chối đề nghị đàm phán của chính quyền Biden với lý do “chính sách thù địch”
- Xuân Lan
- •
Hôm 18/3, Triều Tiên cho biết họ sẽ bỏ qua mọi lời đề nghị đàm phán của Mỹ trừ khi nước này rút lại chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng, theo hãng tin AP. Tuyên bố này được đưa ra vài ngày sau khi Washington cho biết họ đã tìm cách liên lạc với chính phủ nước này thông qua nhiều kênh khác nhau nhưng chưa thành công.
(Ảnh: Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Triều Tiên Choe Son Hui)
Tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Triều Tiên Choe Son Hui được đưa ra vài giờ trước khi các quan chức ngoại giao và quốc phòng hàng đầu của Mỹ và Hàn Quốc gặp nhau tại Seoul trong cuộc hội đàm chung đầu tiên sau 5 năm để thảo luận về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Bà Choe cho biết trong một tuyên bố do truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa ra: “Chúng tôi không nghĩ rằng cần phải đáp lại thủ đoạn trì hoãn thời gian của Hoa Kỳ một lần nữa. Chúng tôi đã tuyên bố lập trường của mình rằng không thể tiếp xúc và đối thoại với Hoa Kỳ dưới bất kỳ hình thức nào trừ khi Hoa Kỳ từ bỏ chính sách thù địch đối với [Triều Tiên]. Vì vậy, chúng tôi cũng sẽ bỏ qua những nỗ lực [kêu gọi đàm phán] như vậy của Mỹ trong tương lai”.
Chính sách ngoại giao do Mỹ dẫn đầu về chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã bị đình trệ trong khoảng hai năm vì mâu thuẫn trong việc giải quyết các lệnh trừng phạt. Các chuyên gia đang tranh luận về việc liệu Mỹ và các đồng minh có nên dàn xếp một thỏa thuận nới lỏng lệnh trừng phạt để đổi lại việc Triều Tiên dừng các hoạt động hạt nhân và ngăn kho vũ khí của nước này tiếp tục phát triển hay không.
“Chúng tôi nói rõ rằng chúng tôi sẽ không cấp [cho Mỹ] những cơ hội như ở Singapore và Hà Nội nữa”, bà Choe nói, đề cập đến hai hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim jong-un và cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đầu tuần này, em gái của Kim jong-un là Kim Yo-jong đã đe dọa từ bỏ các thỏa thuận tái thiết với Hàn Quốc và cảnh báo Mỹ “kiềm chế để không gây ra mùi thuốc súng”, đồng thời chỉ trích các cuộc tập trận quân sự thường xuyên của Mỹ và Hàn Quốc, được Triều Tiên coi như “diễn tập xâm lược”.
Bà Choe tiếp tục chỉ trích các cuộc tập trận của tháng này, nói rằng Hoa Kỳ “công khai bắt đầu các cuộc tập trận quân sự chung có mục tiêu gây hấn nhắm vào chúng tôi”.
Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên, nước đang mong muốn được giảm thiểu các biện pháp trừng phạt, có thể gây thêm hành động thù địch bằng các vụ thử tên lửa để tăng áp lực đối với Mỹ. Nền kinh tế vốn đã kiệt quệ của Triều Tiên đã gánh chịu nhiều tổn hại vì việc đóng cửa biên giới do đại dịch, khiến các hoạt động ngoại thương bị thu hẹp đáng kể. Ngoài ra, nước này cũng phải hứng chịu một loạt các thảm họa thiên nhiên vào mùa hè năm ngoái.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong chuyến thăm Tokyo vào đầu tuần này rằng Washington đã liên lạc với Triều Tiên thông qua một số kênh bắt đầu từ giữa tháng Hai, nhưng họ chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào. Ông cho biết chính quyền Biden mong muốn hoàn thành việc xem xét chính sách về Triều Tiên trong những tuần tới và đang xem xét cả “các biện pháp gây áp lực bổ sung” và “các con đường ngoại giao”.
Khi ông Blinken gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong hôm thứ Tư (17/3), ông cho biết Mỹ sẽ làm việc với Hàn Quốc, Nhật Bản và các đồng minh khác để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Ông Blinken và ông Chung cũng tái khẳng định cam kết chung để giải quyết các vấn đề hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên mà họ cho là “ưu tiên của liên minh”.
Hiện ông Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đang ở Seoul để tham gia cuộc gặp “2+2” vào thứ Năm (18/3) với những người đồng cấp Hàn Quốc. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai nước sau 5 năm. Trước khi đến Seoul, hai quan chức Mỹ đã có các cuộc đàm phán an ninh tương tự với các quan chức Nhật Bản ở Tokyo.
Xuân Lan (theo AP)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên chính quyền Biden đàm phán Mỹ - Triều Tiên