Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo Ấn Độ đối phó với Mỹ
- Tân Bình
- •
Các nhà ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Năm (11/10) thông báo rằng chính quyền nước này đang tìm cách thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại với Ấn Độ trong bối cảnh cho thấy chiến tranh thương mại Mỹ – Trung không có chiều hướng suy giảm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tại Diễn đàn Hợp tác Thượng hải ở Thanh Đảo, Trung Quốc ngày 10/6/2018.
Phát ngôn viên của Đại sứ Quán Trung Quốc tại Ấn Độ, Ji Rong hôm 11/10 phát đi tuyên bố nói rằng Bắc Kinh đã tấn công Washington về cuộc chiến thương mại gần đây mà phía Trung Quốc cáo buộc chính quyền Trump là bên tuyên chiến. Tuyên bố của ông Ji nói thêm rằng Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã bày tỏ ủng hộ những nỗ lực của Trung Quốc để gửi “thông điệp rõ ràng chống lại chủ nghĩa bảo hộ [thương mại]”.
Tuyên bố của phát ngôn viên Ji Rong có đoạn nói: “Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Modi lần lượt đã cùng lên tiếng bảo vệ hệ thống thương mại đa phương và tự do thương mại tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos. Năm nay, hai bên đã cùng tham gia vào việc ban hành ‘Tuyên bố chung Thanh Đảo’ [tại Diễn đàn Hợp tác Thượng Hải] và ‘Tuyên bố chung Johannesburg’ của hội nghị BRICS lần thứ 10, gửi thông điệp rõ ràng chống chủ nghĩa bảo hộ”.
“Thực hành chủ nghĩa bảo hộ thương mại đơn phương nhân danh ‘an ninh quốc gia’ và ‘thương mại công bằng’ sẽ không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế Trung Quốc, mà còn làm tổn hại môi trường bên ngoài của Ấn Độ”, tuyên bố của ông Ji Rong nói thêm.
Cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập và Thủ tướng Modi mà ông Ji đề cập trong tuyên bố nêu trên là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Trung Quốc – Ấn Độ tổ chức hội đàm sau cuộc xung đột biên giới tại Cao nguyên Doklam vào năm ngoái.
Sau khi tạm gác lại căng thẳng biên giới vốn là vấn đề lâu dài với New Delhi, Trung Quốc hiện đang muốn tìm cách khai thác sự lưỡng lự trong mối quan hệ Mỹ – Ấn Độ để lôi kéo New Delhi về phía mình.
Trên bề mặt ngoại giao, kể từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đã có những cải thiện nhất định.
Tổng thống Trump đã dành sự đón tiếp nồng ấm khi Thủ tướng Modi tới thăm Washington vào tháng Sáu năm ngoái. Phát biểu sau cuộc hội đàm song phương, ông Trump đã nhắc lại cam kết chiến dịch tranh cử của mình rằng nếu ông đắc cử, Ấn Độ sẽ là người bạn thực sự tại Nhà Trắng. Và “điều đó bây giờ chính xác là điều mà bạn có – một người bạn thực sư”, ông Trump nói.
Thời điểm đó, Thủ tướng Modi cũng đã mô tả chuyến thăm Nhà Trắng của ông “tràn đầy tình hữu nghị” từ “những lời tweet chào mừng tới những cuộc hội đàm của chúng tôi”.
Chiến lược An ninh Quốc gia mà chính phủ Trump công bố đầu năm 2018 cũng đã gọi Ấn Độ là “quyền lực toàn cầu hàng đầu”, không chỉ dừng lại là “quyền lực khu vực” như được đề cập dưới thời Tổng thống Obama.
Tuy nhiên, trên thực tiễn ngoại giao Mỹ – Ấn Độ thời gian qua không có nhiều chuyển biến tích cực. Hai bên vẫn gặp phải những bất đồng khó giải quyết như vấn đề hạt nhân Iran, biến đổi khí hậu, thâm hụt thương mại và vũ khí Nga.
Chính phủ Mỹ muốn Ấn Độ dừng nhập khẩu dầu mỏ của Iran, tuân thủ chế tài mà Mỹ tái áp đặt lên Tehran sau khi Washington đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Nhưng New Delhi không đồng tình với điều này. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif hồi tháng Năm, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj đã nói rõ rằng họ sẽ chỉ tuân thủ chế tài do Liên Hiệp Quốc áp đặt, và không thực hiện chế tài đơn phương của bất kỳ nước nào.
Ấn Độ gần đây đã quyết định mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không hiện đại S-400 của Nga bất chấp đe dọa trừng phạt từ Washington.
New Delhi cũng theo đuổi Thỏa thuận Khí hậu Paris và đề xuất thành lập liên minh năng lượng mặt trời toàn cầu. Động thái nhận được sự ủng hộ và sẵn sàng tham gia của Trung Quốc.
Mỹ chủ trương đặt Ấn Độ vào vị trí trung tâm trong chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” và nhiều lần bày tỏ ý định về thỏa thuận Bộ Tứ gồm Mỹ – Ấn Độ – Nhật Bản và Úc, nhưng New Delhi vẫn chưa thực sự thiện chí tham gia.
Theo tờ Diplomat, đồng thời với việc diễn ra hai vòng tham vấn giữa các nước Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc để xác nhận ý tưởng về nhóm Bộ Tứ, thì New Delhi và Bắc Kinh cũng có kế hoạch đối thoại hàng hải song phương.
Theo tờ Diplomat, với vị trí địa lý cạnh Trung Quốc, Ấn Độ đang bị rối trong việc lựa chọn dứt khoát đứng về bên nào trong mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. “New Delhi không biết phải bỏ trứng vào giỏ nào hay phải chia trứng vào cả hai giỏ?”, tờ Diplomat nhận định.
Tân Bình
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Trung Quan hệ Mỹ Ấn Độ Ấn Độ - Thái Bình Dương Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ