Trung Quốc toan tính gì tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương?
- Tường Văn
- •
Trung Quốc đã thay đổi bản đồ chiến lược của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương chỉ trong vòng 5 năm qua. Nếu các cường quốc khác không can thiệp để đối phó với những thách thức lớn hơn nữa về hiện trạng lãnh thổ và hàng hải, thì trong 5 năm tiếp theo, lợi thế chiến lược của Bắc Kinh có thể còn được “ăn sâu bám chắc” hơn nữa.
Diễn biến an ninh đang thay đổi nhanh chóng tại Ấn Độ – Thái Bình Dương. Khu vực không chỉ có các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, mà còn là nơi có lực lượng hải quân và chi tiêu quốc phòng tăng trưởng nhanh nhất, tranh chấp quyết liệt về tài nguyên thiên nhiên, cũng như hội tụ các điểm nóng chiến lược hiểm yếu nhất. Người ta thậm chí có thể nói rằng Ấn Độ – Thái Bình Dương là nơi nắm giữ chìa khóa an ninh toàn cầu.
Thuật ngữ “Ấn Độ – Thái Bình Dương” được sử dụng ngày càng phổ biến đề cập đến tất cả các nước giáp với đại dương Ấn Độ và Thái Bình Dương, hơn là khái niệm “châu Á – Thái Bình Dương”, để nhấn mạnh tầm quan trọng của khía cạnh hàng hải liên quan đến các căng thẳng ngày nay.
Các đại dương ở châu Á ngày càng trở thành một đấu trường cạnh tranh về tài nguyên và tầm ảnh hưởng. Dường như các cuộc khủng hoảng khu vực xảy ra trong tương lai sẽ được kích hoạt và/ hoặc được giải quyết trên biển.
Toan tính của Trung Quốc
Nhân tố chính thúc đẩy sự thay đổi này là Trung Quốc – quốc gia trong 5 năm qua đã tìm cách nới rộng đường biên giới của họ ra xa và khoét vào các vùng biển quốc tế, thông qua hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Khi đã quân sự hóa được các tiền đồn này – thông qua chiến thuật “sự đã rồi” đối với toàn bộ thế giới – nay Trung Quốc chuyển sự chú ý đến Ấn Độ Dương.
Thật vậy, Trung Quốc đã thành lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của nó tại Djibouti, quốc gia Đông Phi này gần đây đã tịch thu cảng chính của nó từ tay một công ty có trụ sở tại Dubai, mà có thể cuối cùng sẽ trao cho Bắc Kinh.
Hơn nữa, Trung Quốc còn đang có kế hoạch mở một căn cứ hải quân mới bên cạnh cảng Gwadar của Pakistan đang dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.
>> Các “con nợ” của Trung Quốc đang phải đối mặt với “rủi ro cao” về mất chủ quyền
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã thuê lại một số hòn đảo ở Maldives (Nam Á) đang lâm khủng hoảng, nơi họ sẽ xây dựng một đài quan sát hàng hải cho phép cung cấp dữ liệu dưới lòng biển hỗ trợ cho việc triển khai tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN) và tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBNs) ở khu vực Ấn Độ Dương.
Một cách ngắn gọn, Trung Quốc đã thay đổi bản đồ chiến lược của khu vực chỉ trong vòng 5 năm qua. Nếu các cường quốc khác không can thiệp để đối phó với những thách thức lớn hơn nữa về hiện trạng lãnh thổ và hàng hải, thì trong 5 năm tiếp theo, lợi thế chiến lược của Bắc Kinh có thể còn được “ăn sâu bám chắc” hơn nữa.
Kết quả có thể là sự gia tăng của một trật tự khu vực theo nghi thức thống trị phi tự do của Trung Quốc. Với ảnh hưởng kinh tế của khu vực rất lớn sẽ tạo ra những rủi ro đáng kể cho thị trường toàn cầu và an ninh quốc tế.
Gạn đục khơi trong
Để giảm thiểu mối đe dọa từ Trung Quốc, các nước khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương phải đương đầu với ba thách thức chính, bắt đầu với việc nới rộng khoảng cách giữa chính trị và kinh tế.
Mặc dù thiếu vắng sự hợp nhất chính trị và một khuôn khổ an ninh chung ở Ấn Độ -Thái Bình Dương, các hiệp định tự do thương mại trong khu vực đang gia tăng nhanh chóng, mới nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trung Quốc đã nổi lên như một đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các nền kinh tế khu vực.
Nhưng sự bùng nổ thương mại một mình nó không thể giảm thiểu rủi ro chính trị. Điều đó đòi hỏi một khuôn khổ các quy tắc và tiêu chuẩn được chia sẻ và có thể thi hành. Đặc biệt, tất cả các nước nên đồng ý nêu rõ hoặc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hoặc hàng hải trên cơ sở luật pháp quốc tế và giải quyết mọi tranh chấp bằng các phương tiện hòa bình – không bao giờ thông qua ép buộc hoặc cưỡng chế.
>> Tướng Mỹ dọa phá hủy các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại biển Đông
Việc thiết lập một khuôn khổ pháp lý mang tầm khu vực có thể sẽ đòi hỏi tiến trình vượt qua thách thức thứ hai: “Vấn đề lịch sử” của khu vực như tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên, ý thức hệ, tuyến phòng không và các mối hiềm khích quá khứ đều không dễ hàn gắn, theo cách này hay cách khác, bởi những câu chuyện lịch sử thù hằn giữa các dân tộc. Kết quả là cạnh tranh và áp lực lẫn nhau giữa các quốc gia làm mất đi tương lai của khu vực.
Chẳng hạn, quá khứ tiếp tục phủ một bóng đen lên mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản – những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Đông Á. Trung Quốc, về phần mình, sử dụng lịch sử của một thuộc địa từng bị đế quốc Nhật Bản tàn phá trước năm 1945 để biện minh cho những nỗ lực thay đổi hiện trạng lãnh thổ và hải quân khu vực. Tất cả các tranh chấp biên giới của Trung Quốc với 11 nước láng giềng của nó đều dựa trên những tuyên bố lịch sử, chứ không phải luật pháp quốc tế.
Điều này đưa chúng ta đến thử thách then chốt thứ ba mà khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương phải đối diện: thay đổi động lực hàng hải. Trong bối cảnh dòng chảy thương mại hàng hải đang gia tăng, các cường quốc khu vực đang tranh giành quyền tiếp cận, gây tầm ảnh hưởng và chiếm lợi thế tương đối trên lãnh hải.
Tại đây, mối đe dọa lớn nhất nằm trong nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng khu vực. Những gì Trung Quốc đạt được ở Biển Đông có ý nghĩa chiến lược xa hơn và lâu dài hơn đáng kể so với âm mưu thôn tính bán đảo Crimea của Nga, vì nó gửi thông điệp rằng chủ nghĩa đơn phương ngang ngạnh không nhất thiết phải chịu hậu quả quốc tế.
Liên kết khu vực
Thêm vào đó, những thách thức mới – từ biến đổi khí hậu, đánh bắt quá mức và suy giảm hệ sinh thái biển đến sự nổi lên của các thế lực phi chính phủ hàng hải như cướp biển, khủng bố và các tổ chức tội phạm – cùng với môi trường an ninh khu vực ngày càng trở nên hết sức bấp bênh và không chắc chắn. Tất cả điều này làm tăng nguy cơ chiến tranh, dù vô tình hay cố ý.
Báo cáo “Chiến lược An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ” gần đây có đề cập: “Một cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa tầm nhìn tự do và tầm nhìn cưỡng đoạt đối với trật tự thế giới đang diễn ra ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.”
Thế nhưng trong khi hầu như thành viên có tiếng nói đáng kể trong khu vực đều đồng ý rằng một trật tự mở dựa trên pháp luật là tốt hơn chủ nghĩa bá quyền rộng lớn của Trung Quốc, đến nay họ chỉ dậm chân tại chỗ trong nỗ lực thúc đẩy sự liên kết khu vực.
Không còn thời gian để lãng phí. Các cường quốc khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương phải có hành động mạnh mẽ hơn để tăng cường sự ổn định khu vực, nhắc lại cam kết của họ đối với các chuẩn mực hành xử chung, chưa kể đến luật pháp quốc tế và tạo ra các thể chế mạnh mẽ.
Để đạt được điều đó, trước tiên các quốc gia Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ phải đạt được tiến bộ trong việc thể chế hóa Đối thoại An ninh Bốn bên (Quadrilateral Security Dialogue) để các bên có thể phối hợp tốt hơn và tiếp tục mở rộng hợp tác với những quốc gia quan trọng khác như Việt Nam, Indonesia và Hàn Quốc, cũng như với các quốc gia nhỏ hơn khác.
Về mặt kinh tế và chiến lược, trung tâm thu hút sự chú ý toàn cầu đang chuyển sang khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Nếu các quốc gia của khu vực này không hành động ngay bây giờ để củng cố một trật tự mở dựa trên pháp luật, tình hình an ninh khu vực sẽ tiếp tục xấu đi – với những hậu quả có khả năng khuếch đại tới phạm vi toàn thế giới.
Tác giả: Giáo sư Brahma Chellaney, bản quyền thuộc về Project Syndicate, 2018.
Tường Văn biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa Ấn Độ - Thái Bình Dương Ảnh hưởng của Trung Quốc bẫy nợ Trung Quốc chủ quyền biển Đông