Trung Quốc, Malaysia đồng ý thiết lập cơ chế đối thoại Biển Đông
- Xuân Thành
- •
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sau cuộc họp với người đồng cấp Malaysia Saifuddin Abdullah, hôm thứ Năm (12/9) loan báo rằng Trung Quốc và Malaysia đã đồng ý thiết lập cơ chế đối thoại chung về vùng Biển Đông tranh chấp.
Theo Reuters, trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah hôm 12/9, ông Vương Nghị nói rằng năm nay căng thẳng trên Biển Đông đã giảm.
Ngoại trưởng Trung Quốc thông báo các quốc gia ven biển và Trung Quốc đã cam kết tiếp tục xử lý thích đáng vấn đề Biển Đông và cùng nhau bảo vệ hòa bình, ổn định tại vùng biển chiến lược này.
“Kết quả là, hai nước chúng ta đã đồng ý thiết lập cơ chế tham vấn song phương về các vấn đề hàng hải, một nền tảng mới đối với cả hai bên về đối thoại và hợp tác,” ông Vương nói.
Ngoại trưởng Abdullah gọi người đồng cấp Vương Nghị là “người anh em của tôi” và cho biết cơ chế đối thoại Biển Đông sẽ do các bộ ngoại giao của hai nước điều phối.
“Các quan chức của chúng ta sẽ thảo luận các vấn đề chi tiết, nhưng tôi cho rằng đây là kết quả quan trọng của cuộc họp hôm nay và cũng là đánh dấu kỷ niệm 45 năm mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta,” ông Abdullah nói.
Malaysia đã từng chỉ trích lập trường Biển Đông của Trung Quốc, nhưng thời gian gần đây Kuala Lumpur không lên án Bắc Kinh mạnh mẽ nữa, đặc biệt sau khi Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại Malaysia theo Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu tháng trước đã nói với Reuters rằng Malaysia thường xuyên theo dõi các tàu hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc ra vào vùng biển của Malaysia. Nhưng ông Sabu khẳng định Trung Quốc tôn trọng Malaysia và “cho tới nay đã không làm bất cứ điều gì gây rắc rối cho chúng tôi”.
Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia và hai nước cũng có nhiều nét tương đồng về văn hóa.
Vào tháng Bảy vừa qua, Trung Quốc và Malaysia cũng đã nối lại dự án xe lửa tại miền bắc Malaysia, thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trở lại cầm quyền vào năm ngoái và đã quyết định đình chỉ dự án xây dựng xe lửa này. Tuy nhiên, sau một năm tạm dừng, hai nước Trung Quốc, Malaysia đã đạt được thỏa thuận cắt giảm một phần ba chi phí (khoảng 11 tỷ USD) để tiếp tục nối lại dự án trọng điểm này.
Theo The Guardian, vào năm 2016, Trung Quốc và Malaysia cũng đã đồng ý hợp tác quân sự trên Biển Đông.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào cuối năm 2016 của Thủ tướng Malaysia khi đó là ông Najib Razak, hai nước Trung Quốc, Malaysia đã ký một thỏa thuận quân sự nhạy cảm về tăng cường hợp tác trên Biển Đông.
Trả lời báo giới thời điểm đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Zhenmin nói: “Chúng tôi không đề cập tới chi tiết hợp tác giữa hai nước. Hầu hết chúng tôi sẽ tập trung vào hợp tác hải quân.”
Trung Quốc lâu nay vẫn chủ trương đàm phán song phương với các nước cùng có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông và từ chối giải quyết tranh chấp này theo cơ chế đa phương.
Chế độ Bắc Kinh được cho là cũng đã đề xuất cơ chế đối thoại Biển Đông với Philippines và Việt Nam, thậm chí Trung Quốc đã đề nghị ký hợp tác cùng khai thác chung Biển Đông với hai nước Đông Nam Á này.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện