Trung Quốc phê chuẩn Hiệp định dẫn độ với Thổ Nhĩ Kỳ, đe dọa số phận người tị nạn Duy Ngô Nhĩ
- Quỳnh Anh
- •
Tuần này, Bắc Kinh thông báo đã phê chuẩn hiệp định dẫn độ được ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Sáu, 26/12. Các chuyên gia nhân quyền lo ngại văn bản này sẽ được sử dụng để thúc đẩy thủ tục cho hồi hương những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc.
Tối thứ Bảy, 26/12, Quốc hội Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố đăng trên trang web, “Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đã phê chuẩn Hiệp định dẫn độ” song phương Trung Quốc – Thổ Nhĩ Kỳ, hãng tin Agence France-Presse (AFP) đưa tin.
Mặc dù Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hiệp định dẫn độ song phương vào năm 2017, nhưng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa phê chuẩn. Dù vậy, hiệp định đã dấy lên lo ngại trong cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ lưu vong đang cư trú ở Thổ Nhĩ Kỳ, gồm khoảng 50.000 người. Nhiều người bày tỏ sự lo sợ rằng họ có thể bị cưỡng bức đưa trở về Trung Quốc, nơi hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và tộc người thiểu số theo Hồi Giáo khác đã bị trấn áp đưa vào các trại tập trung.
“Hiệp ước dẫn độ này sẽ gây lo ngại đối với những người Duy Ngô Nhĩ đã trốn khỏi Trung Quốc nhưng chưa có quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Dilxat Raxit, phát ngôn viên của Hội đồng Duy Ngô Nhĩ Thế giới (UWC), nói với hãng tin AFP hôm thứ Hai, 28/12.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bị cáo buộc là đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở vùng lãnh thổ Tân Cương, phía tây của Trung Quốc. Một số người Duy Ngô Nhĩ được cho là nạn nhân của cuộc đàn áp đã chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây. Tân Cương giáp với Trung Á và là nơi sinh sống của những người Duy Ngô Nhĩ theo dòng Hồi giáo Sunni, gốc Thổ Nhĩ Kỳ, mà ĐCSTQ đã cầm tù trong các trại tập trung do nhà nước điều hành. ĐCSTQ tuyên bố những nơi giam giữ là “trung tâm huấn luyện và giáo dục nghề nghiệp” cho những công dân ngoan cố, nơi họ học các kỹ năng nghề nghiệp hữu ích. Những người sống sót từ các trại cải tạo cho biết họ đã chịu đựng các hành vi tra tấn và diệt chủng như cưỡng bức triệt sản.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ… đừng để hiệp định này trở thành công cụ của chiến dịch đàn áp,” ông Raxit nói hôm thứ Hai, 28/12. Ông cũng cáo buộc rằng “Bắc Kinh đang gây áp lực kinh tế lên Thổ Nhĩ Kỳ để khiến nước này phê chuẩn hiệp định.“
Trong khi ở Thổ Nhĩ Kỳ, nghịch cảnh của người Duy Ngô Nhĩ vẫn được xem là vấn đề văn hoá nhạy cảm, thì chính quyền Ankara đã bị cáo buộc là đã cố gắng trục xuất người Duy Ngô Nhĩ sang Trung Quốc trong những tháng gần đây. Bất chấp những cáo buộc, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là quốc gia Hồi giáo đa số duy nhất công khai tố cáo việc ĐCSTQ bức hại người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Vào năm 2019, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã mô tả cuộc đàn áp trị an của ĐCSTQ và việc giam giữ trái pháp luật những người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo do nhà nước điều hành là “nỗi hổ thẹn cho nhân loại”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã dao động trong lập trường của mình đối với người Duy Ngô Nhĩ. Vào năm 2009, ông đã từng cáo buộc chính quyền Trung Quốc tội “diệt chủng” bởi các chiến dịch trấn áp tộc người thiểu số này của nó. Tuy nhiên năm ngoái, ông đã chuyển sang ca ngợi chính sách của chính quyền Trung Quốc đối với tộc người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, khen ngợi là người dân ở đó sống “hạnh phúc“, theo diễn giải của tờ Global Times (Thời báo Hoàn Cầu) do nhà nước Trung Quốc điều hành.
Các tổ chức nhân quyền cáo buộc các quan chức của ĐCSTQ đã giam giữ từ 1 đến 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong các trại tập trung Tân Cương kể từ năm 2017. Các nhóm nhân quyền trích dẫn các hình ảnh vệ tinh chụp những trại giam mới được xây dựng gần đây, lời khai của nhân chứng và các tài liệu của ĐCSTQ bị rò rỉ. Những người sống sót khỏi các trại giam ở Tân Cương đã làm chứng rằng họ đã bị cưỡng bức phá thai và triệt sản, bị tra tấn, bị bắt phải lao động khổ sai và bị ép buộc phải nghe tuyên truyền về Đảng Cộng Sản trong quá trình bị giam giữ.
Quỳnh Anh (Theo Breitbart News)
Xem thêm:
Từ khóa Thổ Nhĩ Kỳ Duy Ngô Nhĩ quan hệ Trung Quốc - Thổ Nhĩ Kỳ Dòng sự kiện