Trung Quốc tăng cường ngoại giao ở các nước châu Á
- Gia Huy
- •
Đối mặt với phản ứng dữ dội ngày càng tăng từ Hoa Kỳ và châu Âu đối với vấn đề Hồng Kông, Trung Quốc đã tăng cường ngoại giao nhằm thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng châu Á và tránh bị quốc tế cô lập.
Hôm thứ Bảy (22/8), quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì và cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon đã cùng nhau nhất trí rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thăm Hàn Quốc ngay sau khi tình hình dịch COVID-19 được khống chế, theo tờ Nikkei.
Ông Dương đã đến Busan hôm thứ Sáu (21/8). Ông là quan chức cấp cao đầu tiên của Trung Quốc đến thăm Hàn Quốc kể từ khi dịch virus corona bùng phát. Ông Dương và ông Suh, người hiện đang đứng đầu Văn phòng An ninh Quốc gia Nhà Xanh (phủ tổng thống Hàn Quốc), đã gặp nhau trong khoảng 4 giờ.
Tại cuộc họp, ông Dương đã đề cập tình hình hiện tại với Hoa Kỳ và giải thích lập trường của Bắc Kinh. Ông cũng nói về mối quan hệ giữa Trung Quốc với Hàn Quốc: “Quan hệ song phương đang phát triển tốt đẹp. Là những nước láng giềng và đối tác quan trọng của nhau, chúng ta nên tiếp tục hợp tác.”
Về phần mình, ông Suh nói rằng “Sự thịnh vượng chung và hợp tác hữu nghị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình và thịnh vượng tại Đông Bắc Á và thế giới.”
Tờ Nikkei nhận định rằng Hàn Quốc hoan nghênh lời đề nghị của Trung Quốc trong bối cảnh việc thúc đẩy cải thiện quan hệ với Triều Tiên của Tổng thống Moon Jae-in đã bị đình trệ. Trong khi đó, mối quan hệ của họ với Mỹ đã trở nên căng thẳng sau khi Tổng thống Donald Trump yêu cầu Hàn Quốc phải gánh thêm chi phí cho việc triển khai lính Mỹ đóng quân tại nước này.
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc và đóng vai trò quan trọng đối với việc phục hồi kinh tế của Seoul sau đại dịch COVID-19.
Trong cuộc họp, ông Dương và ông Suh cũng thảo luận về một Hội nghị thượng đỉnh ba bên có thể diễn ra trong năm nay giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Hàn Quốc là nước tiếp theo chủ tọa cuộc họp luân phiên này. Tuy nhiên, các tuyên bố của Hàn Quốc sau cuộc họp đã không đề cập đến lịch trình cho Hội nghị thượng đỉnh.
Khi xung đột giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, Anh và Úc về vấn đề Hồng Kông gia tăng, Bắc Kinh đang tích cực tìm kiếm ủng hộ ngoại giao từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Tuy nhiên, các nước láng giềng của Trung Quốc cũng rất cảnh giác để tránh bị kéo vào cuộc chiến kéo dài giữa Bắc Kinh và Washington, do đó liệu chiến lược của Trung Quốc có thành công hay không còn là một câu hỏi.
Theo Tân Hoa Xã, trước khi đến Hàn Quốc, ông Dương đã đến thăm Singapore và gặp Thủ tướng Lý Hiển Long. Ông Dương đã hứa sẽ tăng cường hợp tác với Singapore và các nước ASEAN khác.
Singapore đang rất thận trọng để giữ sự cân bằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tuy nhiên với 70% dân số là người gốc Hoa, chính phủ Singapore vẫn muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh.
Trung Quốc cũng đang nỗ lực để cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Chính quyền các địa phương dọc theo Biển Hoa Đông đã chỉ thị cho ngư dân không tiến gần Quần đảo Senkaku do Nhật quản lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Vào ngày 15/8, kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới lần II, bốn thành viên Nội các Nhật Bản đã đến thăm Đền Yasukuni ở Tokyo, nơi tưởng niệm những người chết trong chiến tranh, nhưng truyền thông Trung Quốc đã kiềm chế không chỉ trích gay gắt.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể ép các quốc gia châu Á phải chọn giữa Bắc Kinh và Washington đối với các vấn đề từ Luật An ninh quốc gia Hồng Kông cho đến việc mua các sản phẩm của Huawei Technologies, theo Nikkei.
Nếu Hàn Quốc thông báo ủng hộ Trung Quốc trong chuyến viếng thăm của ông Tập, mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng. Seoul đã không nói rõ quan điểm của họ về các vấn đề như Hồng Kông, Huawei hoặc nền tảng chia sẻ Video TikTok mà Washington đã đe dọa cấm.
Gia Huy (theo Nikkei)
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc Dòng sự kiện Cuộc đối đầu Mỹ- Trung Dương Khiết Trì