Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Nhật Bản (NHK) đã có phóng sự nhằm truy vết “cuộc chiến nhận thức” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), xuất phát từ tài liệu rò rỉ được cho là liên quan một tổ chức hacker có liên hệ chặt chẽ với các cơ quan an ninh Trung Quốc…

hacker
Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Nhật Bản (NHK) đã có loạt phóng sự nhằm truy vết “cuộc chiến nhận thức” do ĐCSTQ phát động. (Nguồn: Pixabay)

Tháng Hai năm nay, một loạt tài liệu từ một tổ chức hacker có liên hệ với ĐCSTQ bị rò rỉ cho thấy, các cơ quan tình báo và quân sự của Bắc Kinh đã khai thác các lỗ hổng trong phần mềm của Mỹ gồm Microsoft, Apple và Google, để tiến hành các cuộc tấn công mạng quy mô lớn và có hệ thống vào các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng nước ngoài.

NHK đã phỏng vấn nơi đã phát hiện ra các tài liệu bị rò rỉ là Viện nghiên cứu TeamT5 chuyên về tình hình Đài Loan.

TeamT5 đã phát hiện ra một URL bí ẩn trên mạng xã hội X, suy đoán cho rằng do sơ xuất của kẻ tấn công hoặc người nào đó gây rò rỉ tạo ra, sau khi mở 577 tài liệu đã phát hiện chứa một lượng lớn thông tin kỹ thuật được sử dụng trong các cuộc tấn công mạng, chẳng hạn như các công cụ có thể xâm nhập vào email của Microsoft và Google, và công nghệ có thể điều khiển điện thoại thông minh từ xa.

Những tài liệu bị rò rỉ này đến từ iSoon, một công ty Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải chuyên bán thông tin và dữ liệu mà tin tặc bên thứ ba đã tấn công và thu thập được, bán cho các cơ quan chính phủ, cơ quan an ninh và doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

Trước những nghi ngờ, Chính phủ Trung Quốc khẳng định họ không biết gì về tài liệu của iSoon.

Trong số tài liệu bị rò rỉ có một bảng tính liệt kê 80 mục tiêu ở nước ngoài mà tin tặc dường như đã xâm nhập, cho thấy chúng đã lấy được dữ liệu dân số và dữ liệu thông tin đường bộ Đài Loan, dữ liệu kiến trúc ba chiều của các thành phố và tất cả các đường quốc lộ ở Đài Loan…

Trong một bản ghi cuộc trò chuyện, một nhân viên của iSoon cũng đề cập đến dữ liệu từ Đại học Chính trị Đài Loan, nói rằng: “Thứ đó là một tổ chức chuyên nghiên cứu về quan hệ hai bờ eo biển, có phần hữu ích”.

Một nước khác bị đánh cắp thông tin là Cộng hòa Séc. Chủ tịch Pavel Fischer của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Séc cho biết trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên NHK rằng thông qua các kênh không chính thức đã xác nhận có vấn đề tài liệu nội bộ EU bị đánh cắp.

Các phóng viên NHK cũng đã đến trụ sở Thượng Hải của iSoon để phỏng vấn, nhưng cửa công ty khóa chặt, quản lý tòa nhà cho biết vào tháng Hai năm nay các nhân viên đã bị an ninh bắt đi; còn văn phòng trụ sở phát triển ở Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên cũng đã bị dỡ bỏ biển hiệu, trong tòa nhà không bóng người.

Hacker mũ trắng đã phân tích thông tin nhân viên iSoon và truy vết hai nhân vật hàng đầu. Ghi chép cuộc trò chuyện cho thấy cả hai rất coi trọng mối quan hệ với Chính phủ Trung Quốc. Các chuyên gia an ninh Mỹ cho biết, kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi chuẩn bị cho chiến tranh thông tin vào năm 2014, các công ty an ninh mạng của Trung Quốc đã bắt đầu phát triển nhanh chóng và làm mọi thứ có thể để làm hài lòng các quan chức chính phủ, xây dựng mối quan hệ.

iSoon được biết đến trong hoạt động phát triển các công cụ phần mềm để hỗ trợ các dự án an ninh công cộng, từ tài liệu rò rỉ phát hiện hơn một nửa đối tác giao dịch được ghi nhận của iSoon là an ninh ĐCSTQ.

Đặc biệt quan trọng phải kể là “Hệ thống hướng dẫn và kiểm soát ý kiến ​​công luận Twitter” do iSoon phát triển cho an ninh ĐCSTQ. Trong sổ hướng dẫn sử dụng sản phẩm có một đoạn viết: “Điều quan trọng là các cơ quan công an phải làm tốt công tác hướng dẫn và kiểm soát dư luận để duy trì ổn định xã hội”. Công cụ này có khả năng hack, có thể gửi các liên kết kiểm soát tài khoản mục tiêu cũng như xem các tin nhắn riêng tư sau khi tài khoản mục tiêu nhấp vào liên kết.

Một cựu nhân viên của Weibo sống lưu vong cho biết, mục đích của công cụ là nhằm thao túng dư luận hải ngoại và trấn áp tiếng nói đối lập. Ngoài ra còn có một người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương sống lưu vong ở Mỹ, đã bị lạm dụng hình đại diện và tên để tạo một tài khoản giả đăng các bài đăng xúc phạm đồng nghiệp, gây hoảng loạn về hoạt động gián điệp có thể xảy ra trong cộng đồng của anh ta.

Phương pháp truyền bá thông tin sai lệch trên mạng xã hội, kích động tình trạng bất ổn giữa các cộng đồng hoặc tổ chức mục tiêu và tạo ra sự hỗn loạn, đó được gọi là “cuộc chiến nhận thức” của ĐCSTQ. Tài liệu của iSoon chỉ ra, “Cuộc chiến nhận thức đã dần làm thế giới thay đổi”.

Đi đầu trong “cuộc chiến nhận thức” này là các công cụ của iSoon.

Liên quan đến vấn đề này, báo cáo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trích dẫn nghiên cứu từ Đại học Harvard, đã giới thiệu nó là “thay đổi cách suy nghĩ của nhóm mục tiêu và từ đó thay đổi hành vi của họ”. Mặc dù có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng “cuộc chiến nhận thức” trong những năm gần đây được coi là “phương pháp thông qua mạng xã hội và các phương tiện khác tác động đến tâm lý (nhận thức) của con người, từ đó thay đổi mô hình hành vi của bên kia”. Với sự phát triển của công nghệ tình báo và truyền thông, từ những năm 2010 các cường quốc quân sự như Nga đã đặc biệt coi trọng phương pháp này.

NHK đưa tin một lượng lớn thông tin cá nhân của công dân Đài Loan có thể đã bị đánh cắp. Năm ngoái, Đài Loan đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối việc đưa công nhân Ấn Độ vào Đài Loan, hầu hết những người tham gia đều là phụ nữ trẻ. Khi được hỏi tại sao họ tham gia, câu trả lời nhất quán một cách đáng ngạc nhiên: “Tôi đã thấy vấn đề trên diễn đàn Dcard”.

Double Think Lab – một cơ quan điều tra của Đài Loan chuyên phân tích các hoạt động dư luận trực tuyến – đã phân tích động thái của các nền tảng xã hội trước cuộc biểu tình và tìm ra một bài đăng quan trọng sớm nhất và gây chú ý nhất, có tựa đề “Mở cửa 100.000 lao động nhập cư Ấn Độ, Đài Loan muốn bị người chuyển giới xâm chiếm!?”

Bài đăng được đăng khoảng 3 tuần trước cuộc biểu tình, dẫn dắt công luận cho rằng việc tiếp nhận công nhân từ Ấn Độ sẽ dẫn đến sự gia tăng các vụ bạo lực tình dục. Sau đó, chỉ hai ngày sau (ngày 15/11) thì số lượng bài đăng trên X có nội dung liên quan tăng vọt.

Do số lượng bài viết kích động quá lớn, giới trẻ Đài Loan cuối cùng tỏ ra bất bình và sau đó xuất hiện nhiều tiếng nói phản đối. Đồng thời, những lời kêu gọi biểu tình phản đối bắt đầu xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông xã hội.

Nhà phân tích Lin Fengkai cho rằng vụ việc này bị nghi ngờ là “cuộc chiến nhận thức” của ĐCSTQ. Ví dụ, một số bài viết cho rằng thay vì đưa công nhân Ấn Độ vào, tốt hơn hết là hợp tác nhiều hơn với Đại Lục để phát huy ưu thế của hai bên eo biển. Các bài đăng còn có những thuật ngữ không giống cách dùng từ của người Đài Loan.

NHK đưa tin, theo tài liệu iSoon, Nhật Bản cũng có thể trở thành mục tiêu của “cuộc chiến nhận thức”. Các cơ quan liên quan phát hiện ra “tài khoản robot” (nghi ngờ do các chương trình máy móc kiểm soát) đã lan truyền tin tức giả mạo trên mạng xã hội về việc xả nước đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Sau khi điều tra các tài khoản chuyển tiếp tin giả này, người ta phát hiện hơn 1.000 tài khoản trong số đó bị nghi ngờ là tài khoản robot.

Đại diện của Japan Nexus Intelligence là ông Masakazu Takamori cho biết: “Nội dung không chính xác được lan truyền không đúng cách, có vẻ như được lan truyền một cách tự nhiên, nhưng đối với những người không hiểu sự thật sẽ trở thành nhận thức và hiểu biết của họ, điều này cũng có thể rất đáng sợ, và đó là mục tiêu của kẻ thao túng”.