Truyền thông cánh tả Mỹ chuyển hướng quan điểm về nguồn gốc COVID-19
- Thành Dung
- •
Sau một năm không ngừng chế giễu, các cơ quan truyền thông cánh tả tự do cuối cùng đã thừa nhận rằng COVID-19 có thể có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nỗ lực che giấu tình hình.
Từ thay đổi trong giới chuyên gia
Theo Daily Mail (Anh) đưa tin ngày 25/5, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về người thiệt mạng đầu tiên do COVID-19 là vào ngày 11/1/2020, đó là người đàn ông 61 tuổi là khách thường xuyên đến chợ hải sản Vũ Hán. Trường hợp đầu tiên được xác nhận ở Mỹ là 10 ngày sau, đó là người đàn ông từ Vũ Hán trở về bang Washington.
Sau đó, chỉ trong vòng một tuần, ngày 26/1/2020, tờ Washington Times đăng bài báo đầu tiên cáo buộc Viện Virus học Vũ Hán chịu trách nhiệm về vụ bùng phát dịch bệnh.
Nhưng hầu hết truyền thông dòng chính phản đối tuyên bố đó, thậm chí tố cáo đó là vu cáo của những kẻ phân biệt chủng tộc.
Ngày 1/5/2020 khi ông Trump tuyên bố “rất tin tưởng” rằng virus đã thoát khỏi Phòng Thí nghiệm Vũ Hán, thì các cơ quan như New York Times, CNN và National Public Radio (NPR) đã nhanh chóng chế nhạo lập luận của ông.
Vào cuối thời chính quyền Trump, CNN đã công khai thù địch ông Trump và các cố vấn của ông, hả hê cười nhạo ý tưởng rằng virus có thể đến từ phòng thí nghiệm.
Các cơ quan khác như Washington Post, New York Times và National Public Radio cũng bác bỏ ý kiến cho rằng virus có thể đến từ phòng thí nghiệm.
Một số trang khác như Huffington Post, thậm chí còn gọi bất kỳ tuyên bố nào cho rằng virus có thể đến từ phòng thí nghiệm là “thuyết âm mưu độc hại”.
Rất ít người tuyên bố COVID-19 có thể xuất phát từ một cơ sở nghiên cứu mà không gây phản cảm đối với họ, nhưng điều này không ngăn cản một số cơ quan truyền thông, bao gồm cả Daily Mail, để khoảng trống cho tuyên bố đó. Tucker Carlson của Fox News cũng yêu cầu điều tra xem liệu nó có thể đã xảy ra “tai nạn” virus thoát khỏi phòng thí nghiệm hay không.
Nhưng trong vài tháng qua đã có những dấu hiệu cho thấy, câu chuyện bắt đầu thay đổi…
Vào tháng Giêng, khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bị kiểm soát chặt việc thăm dò giới nghiên cứu ở Bắc Kinh, đã khiến thế giới bên ngoài nghi ngờ hơn.
Nhóm của WHO chỉ được phép ở trong Phòng Thí nghiệm Vũ Hán vỏn vẹn 3 giờ và không thể kiểm tra bất kỳ nhật ký an ninh nào hoặc hồ sơ xét nghiệm của nhân viên Viện Virus học Vũ Hán. Hành động của Trung Quốc đã khiến Nhà Trắng của ông Biden kêu gọi họ cần phải minh bạch hơn.
Ngay cả Tổng Giám đốc của WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesu, cũng lên tiếng rằng chuyến thăm của WHO không có kết quả, đồng thời nói thêm rằng “tất cả các giả định đều để ngỏ” và đáng được xem xét.
Đến ngày 11/5, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia sức khỏe cộng đồng hàng đầu tại Mỹ, đã thừa nhận rằng ý tưởng về virus thoát ra khỏi phòng thí nghiệm đã bị bác bỏ quá nhanh.
Khi được hỏi liệu ông còn tự tin rằng virus có nguồn gốc từ tự nhiên không, ông Fauci trả lời rằng: “Không, thực sự là không. Tôi không [cảm thấy] được thuyết phục về điều này [nguồn gốc tự nhiên]. Tôi nghĩ chúng ta nên tiếp tục điều tra những gì đã xảy ra ở Trung Quốc, cho đến khi chúng ta dùng hết khả năng của mình tìm ra chính xác điều gì đã xảy ra”.
“Tất nhiên, các nhà điều tra nói rằng virus có thể xuất phát từ nguồn gốc động vật và sau đó lây nhiễm sang các cá thể, nhưng nó còn có thể do những nguyên nhân khác. Chúng ta cần tìm ra. Vì vậy, cô biết đấy, đây là nguyên nhân tại sao tôi nói mình hoàn toàn tán đồng với bất cứ điều tra nào về nguồn gốc virus.”
Tiết lộ của ông Fauci khiến nhiều người cánh tả bị sốc, vì lâu nay họ chấp nhận lập luận của Bắc Kinh rằng từ khi virus của ĐCSTQ xuất hiện là đã lây lan từ một chợ đồ tươi sống. Tất nhiên, Bắc Kinh tiếp tục khẳng định COVID-19 không có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm virus ở Vũ Hán.
Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản ngày 24/5: “Mỹ tiếp tục bịa đặt các tuyên bố không nhất quán và kêu gọi điều tra Phòng Thí nghiệm Vũ Hán. Điều này hoàn toàn cho thấy một số người ở Mỹ không quan tâm đến sự thật và thực tế”.
Tuy nhiên, vào thứ Hai (24/5) vừa qua, ông Fauci lại một lần nữa “đổi màu”. Phóng viên Giang Duy Giai (Weijia Jiang) của CBS News viết trên Twitter của mình rằng ông Fauci đã nói với cô quan điểm của ông về nguồn gốc virus không thay đổi. Ông tin rằng rất có thể virus xuất hiện lần đầu từ tự nhiên trước khi lây lan từ động vật sang người. Vì không ai chắc chắn 100% nên ông Fauci đang mở cuộc điều tra kỹ lưỡng.
Còn nhớ, phóng viên này đã từng có “cuộc đụng độ” với cựu Tổng thống Donald Trump trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng trước đây. Cô Giang Duy Giai đã hỏi ông Trump rằng nước Mỹ nhiều lần nói có năng lực xét nghiệm vượt xa so với các quốc gia khác trên thế giới trong đại dịch virus corona, vấn đề này, cuộc đua xét nghiệm với toàn cầu này có nghĩa gì khi ngày nào cũng có nhiều người Mỹ chết như vậy.
Ông Trump trả lời rằng không chỉ có người Mỹ chết mà người dân khắp nơi trên thế giới cũng vậy, “có lẽ câu hỏi này cô nên hỏi Trung Quốc, đừng hỏi tôi, hãy hỏi Trung Quốc câu hỏi đó. Khi cô hỏi họ câu hỏi đó, họ sẽ cho cô câu trả lời rất bất thường.”
Cô Giang Duy Giai hơi mất bình tĩnh, không để các phóng viên khác đặt câu hỏi mà vẫn tiếp tục truy vấn Tổng thống Trump: “Vì sao ông lại nói riêng điều này với tôi? Có phải vì tôi là người Trung Quốc không?”
Ông Trump đã nói: “Tôi không nói cụ thể với ai, tôi nói với bất kể ai hỏi những câu hỏi độc hại như vậy.”
Và câu chuyện từ các hãng truyền thông hàng đầu
CNN
Ngày 5/5/2020, biên tập viên Chris Cillizza của CNN đã chỉ trích nặng nề quan điểm virus có thể đến từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán qua bài viết: “Ông Fauci vừa đập tan quan điểm mà ông Trump tuyên bố về nguồn gốc của virus corona”.
Cillizza viết: “Trước khi chúng ta chơi trò chơi, xin hãy ghi nhớ điều này. Chỉ một trong hai người này là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nổi tiếng thế giới. Và đó không phải là Trump. Tóm lại, tuyên bố của ông Fauci về nguồn gốc của bệnh tật quan trọng hơn nhiều so với tuyên bố của ông Trump”; “Đặc biệt bởi vì, ngoài ông Trump và những người bạn của ông ta, hầu hết những người biết tình hình đều rất nghi ngờ tuyên bố của ông rằng virus đến từ một phòng thí nghiệm, cho dù nó vô tình bị rò rỉ hay cố tình phát tán”…
Một bài báo của Cillizza công bố vài ngày sau đó có tiêu đề: “Trump đã mâu thuẫn với cộng đồng tình báo Mỹ khi tuyên bố bằng chứng cho thấy virus corona có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc”.
Nhưng gần một năm sau, giọng điệu của cô đã thay đổi đáng kể.
Ngày 26/3 năm nay, phóng viên y tế chính của CNN là Tiến sĩ Sanjay Gupta đã phỏng vấn cựu Giám đốc của Trung tâm Kiểm soát và Bảo vệ Dịch bệnh (CDC) của Mỹ là Robert Redfield.
Redfield cho biết ông kết luận virus đã thoát ra từ phòng thí nghiệm. Ông nói: “Quan điểm của tôi là tôi vẫn nghĩ virus ở Vũ Hán rất có thể đến từ phòng thí nghiệm. Anh biết đấy, nó đã thoát ra ngoài. Bây giờ, nếu người khác không tin điều đó cũng không sao cả. Khoa học cuối cùng sẽ làm rõ. Không có gì lạ khi mầm bệnh đường hô hấp đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã nhiễm vào nhân viên phòng thí nghiệm”.
Đến ngày 23/5 năm nay, Wall Street Journal tiếp tục đưa tin về báo cáo tình báo của Mỹ chưa được tiết lộ trước đó cho thấy vào tháng 11/2019, có 3 nhà nghiên cứu từ Viện Virus học Vũ Hán đã bị bệnh, đến mức họ phải đến bệnh viện điều trị. Ngày hôm sau tờ báo cũng đưa tin, tháng 4/2012, tại một mỏ khoáng sản ở cách thành phố Vũ Hán khoảng 80 dặm có 6 công nhân vào dọn phân dơi rồi sau đó bị bệnh, trong đó có 3 người đã thiệt mạng. Các nhà khoa học Trung Quốc từ Viện Virus học Vũ Hán đã được yêu cầu điều tra và sau khi lấy mẫu dơi trong mỏ, họ đã phát hiện một số loại virus corona mới. Nhưng họ không muốn tiết lộ thông tin này.
Ngày 24/5 vừa qua, CNN đã thừa nhận rằng tình hình trong Phòng Thí nghiệm Vũ Hán có thể nhiều hơn những gì ban đầu suy nghĩ tới. Họ đã công bố một bản cập nhật: Thông tin mới về căn bệnh của các nhà nghiên cứu Vũ Hán đã khiến cuộc tranh luận về nguồn gốc của đại dịch trở nên mạnh mẽ hơn.
New York Times
Khi bất kỳ thành viên nào của Quốc hội Mỹ ủng hộ Trump về quan điểm rằng phải thảo luận thêm vấn đề virus đến từ Phòng Thí nghiệm Vũ Hán, thì New York Times lập tức phủ nhận tuyên bố.
Trong tháng đầu tiên của đại dịch, họ đã “xử lý” vấn đề do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton của Arkansas đưa ra. Ông Cotton nói: “Chúng ta không có bằng chứng cho thấy căn bệnh này bắt nguồn từ đó. Nhưng vì ngay từ đầu Trung Quốc đã hai mặt và không trung thực nên ít nhất chúng ta cũng cần hỏi câu hỏi này để xem bằng chứng là gì, còn hiện tại cơ bản là Trung Quốc đã không cung cấp chứng cứ về vấn đề này”. Phát biểu vào ngày 17/2/2020 của ông Cotton đã bị New York Times phản bác trong bài: “Thượng nghị sĩ Cotton lặp lại lý thuyết bên lề về nguồn gốc của virus corona”.
Cho đến ngày 30/4/2020, tờ báo mô tả những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm tìm ra nguồn gốc của virus là một cuộc đàn áp chính trị trong bài viết “Dường như quan chức chính quyền Trump đã yêu cầu các gián điệp liên kết virus với Phòng Thí nghiệm Vũ Hán”. Bài viết chỉ ra “Nhiều cựu quan chức và quan chức tại nhiệm lên án các quan chức cấp cao của chính quyền Trump đã thúc đẩy cơ quan gián điệp Mỹ tìm bằng chứng để ủng hộ một giả thuyết chưa được chứng minh, đó là cho rằng một phòng thí nghiệm của chính phủ Trung Quốc ở Vũ Hán là nguồn gốc của sự bùng phát virus corona. Tổng thống Trump đã thúc đẩy mạnh hơn các động thái công khai đó để đổ lỗi cho dịch bệnh là do Trung Quốc”.
Nhưng vào tháng 5/2021, hai cựu phóng viên khoa học của tờ báo này là Nicholas Wade – người đã nghỉ hưu vào năm 2012, và Donald McNeil – người đã rời bỏ công việc do tranh chấp về vấn đề ngôn ngữ trong khi hướng dẫn chuyến đi đến Peru vào đầu năm nay, đều cho rằng quan điểm virus lan ra từ phòng thí nghiệm là có thể, thực tế là rất có khả năng.
McNeil đã viết trên Medium rằng: “Vào đầu mùa xuân năm 2020, tôi đã viết một bài cho New York Times với tiêu đề dự kiến là: “Các nhà khoa học nói rằng virus corona mới ‘rõ ràng không phải rò rỉ từ phòng thí nghiệm'”. Tuy nhiên, bài viết chưa bao giờ được xuất bản. Họ nói rằng các tờ báo có những bất đồng gay gắt về hai quan điểm: một là theo nhiều nhà khoa học và cho rằng không có khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm; hai là theo giới quan chức chính quyền Trump, khẳng định virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
McNeil viết: “Quan điểm về virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm đã trở lại như tuyên bố lúc đầu của phe cánh hữu, những tuyên bố này được đưa ra bởi những người đã mang đến cho chúng ta bệnh dịch, cúm gia cầm, Q-Anon, hãy ngừng ăn cắp (tổng tuyển cử), và những kẻ xâm lược Quốc hội ngày 6/1. Chúng ta vẫn chưa biết nguồn gốc của đại dịch khủng khiếp này. Có thể chúng ta không bao giờ biết”; “Nhưng so với một năm trước, quan điểm virus có thể bị rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán hoặc một phòng thí nghiệm chị em ở Vũ Hán đã trở lại khá mạnh mẽ, thời điểm trước đó những tiếng nói hùng hổ đã dập tắt các cuộc thảo luận nghiêm túc. Còn Trung Quốc thì không trung thực khiến mọi người lo ngại”.
Wade cũng đưa ra kết luận tương tự. Ông viết: “Không thể loại trừ cả giả thuyết về virus xuất hiện từ tự nhiên cũng như rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Không có bằng chứng trực tiếp nào cho cả hai quan điểm. Vì vậy, không thể đưa ra kết luận chắc chắn. Tức là không thể khẳng định bằng chứng hiện theo khuynh hướng nào. Người đọc sẽ tự suy nghĩ. Nhưng theo tôi, những người ủng hộ việc virus thoát từ phòng thí nghiệm dễ giải thích tất cả các sự thật hiện có về SARS2 hơn những người ủng hộ sự xuất hiện tự nhiên của virus”.
Washington Post
Trong một bài viết được xuất bản ngày 30/4/2020, phóng viên tờ báo này đã tiến hành phân tích chi tiết và chuyên sâu về công việc của Phòng Thí nghiệm Vũ Hán, qua đó chỉ ra những rủi ro liên quan. Tuy nhiên, bài viết lại có tiêu đề: “Phòng thí nghiệm của Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng về loại virus chết người của dơi, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy có sự cố rò rỉ”.
Ngày hôm sau, giọng điệu khinh suất đó tiếp tục: “Có phải loại virus corona mới do một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán vô tình để rò rỉ không? Điều này rất đáng nghi vấn”.
Đến ngày 24/5 năm nay, tờ báo đã hướng đến rất gần thừa nhận họ đã bị đánh lừa. Aaron Blake viết: “Với tất cả những gì chúng ta biết về việc Trump xử lý loại vấn đề này, đã nảy sinh thận trọng và nghi ngờ. Sự thận trọng và hoài nghi (rất cần thiết) này đã tràn lan và tạo ra cảnh tượng đơn giản hóa…”. Ông thừa nhận: “Chúng ta có thể không bao giờ biết được sự thật”.
Huffington Post
Khi mọi người ngày càng quan tâm hơn đến virus vào mùa xuân năm 2020 thì tờ Huffington Post đã nhanh chóng chế nhạo mọi câu hỏi về nguồn gốc của nó. Họ đã sử dụng điều này làm tiêu đề trong một bài viết ngày 7/4/2020: “Một ‘bệnh truyền nhiễm độc hại’, sự lây lan của thuyết âm mưu về nguồn gốc COVID-19”.
Nhưng hơn một năm sau, ngày 24/5 năm nay, Huffington Post nên theo dõi Wall Street Journal đưa tin về việc nhập viện của các nhân viên Phòng Thí nghiệm Vũ Hán vào năm 2019 và những vấn đề liên quan. Wall Street Journal viết: “Báo cáo: Trước khi xảy ra đại dịch đã có nhà nghiên cứu ở Vũ Hán đã phải nhập viện vì COVID-19”.
Đài phát thanh Công cộng quốc gia Mỹ (NPR)
Ngày 23/4/2020, NPR tuyên bố: “Các nhà nghiên cứu virus nhận định hầu như không có khả năng virus corona mới rò rỉ do sự cố từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc hoặc các nơi khác”. Mạng tin tức này còn quyết tâm chứng minh rằng quan điểm virus rò rỉ từ Phòng Thí nghiệm Vũ Hán là không đáng tin cậy, và đã đưa ra một loạt “lời giải thích” nhấn mạnh COVID-19 được truyền từ động vật sang người. Họ đưa tin vào ngày 15/4/2020: “Loại virus corona này bắt nguồn từ đâu? Các thợ săn virus đã tìm thấy manh mối trên cơ thể loài dơi”.
Nhưng hơn một năm sau, Đài NPR đã quan tâm đến báo cáo của WHO và những kết luận đáng lo ngại của tổ chức này. Họ kết luận: “Quan điểm COVID-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm Trung Quốc đã được lât lại trong báo cáo của WHO”. Ngày 31/3, họ đưa tin: “Kêu gọi một cuộc điều tra công khai về khả năng COVID-19 bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm”.
Ngày 20/5 ông Pompeo đã tweet: “Hơn một năm trước, tôi đã nói với @MarthaRaddatz rằng virus Vũ Hán có khả năng đến từ một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm. Chút nữa thì cô ấy cáo buộc tôi là người theo thuyết âm mưu. ĐCSTQ nói rằng tôi là kẻ thù của nhân loại. Còn bây giờ thì sao? Chà, ngay bây giờ, các cơ quan truyền thông cánh tả đang đua tranh đứng về phía sự thật”.
Thành Dung, Vision Times
Xem thêm: Nhà khoa học Mỹ đăng video tiết lộ về chiến tranh sinh học của ĐCSTQ
Từ khóa truyền thông cánh tả Dòng sự kiện nguồn gốc virus corona Phòng Thí nghiệm Virus P4 Vũ Hán Thạch Chính Lệ Truyền thông dòng chính Viện Virus học Vũ Hán