Nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hán đã nhập viện từ 11/2019, trước khi COVID-19 được công bố
- Vy An
- •
Chủ nhật (ngày 23/5), tờ Wall Street Journal (WSJ) đã đưa tin, trích dẫn một báo cáo tình báo của Hoa Kỳ chưa được tiết lộ trước đó, cho thấy 3 nhà nghiên cứu từ Viện Virus học Vũ Hán của Trung Quốc đã phải nhập viện vào tháng 11/2019, vài tháng trước khi nước này công bố đại dịch COVID-19.
Tờ WSJ cho biết thông tin tình báo đã cung cấp những chi tiết mới về số lượng các nhà nghiên cứu bị ảnh hưởng, thời gian họ mắc bệnh và số lần họ đến bệnh viện. Điều này có thể giúp tăng thêm sức nặng cho những lời kêu gọi về một cuộc điều tra sâu rộng hơn đối với nghi vấn liệu có phải virus corona đã thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán hay không.
Theo tờ WSJ, thông tin này đến từ các cựu quan chức và các quan chức đương nhiệm của Hoa Kỳ vốn quen thuộc với chủ đề về nguồn gốc COVID-19. Trong đó một số người cho rằng việc này cần được chứng thực nhiều hơn, một số khác thì khẳng định nguồn tin đã rất “chính xác” và “có chất lượng”. Tuy nhiên, cả hai bên đều đồng ý xác nhận các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Vũ Hán đã nhiễm virus corona.
Báo cáo được đưa ra trước thềm cuộc họp của cơ quan ra quyết định thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cuộc họp dự kiến sẽ thảo luận về giai đoạn điều tra tiếp theo đối với nguồn gốc của COVID-19.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã không đưa ra bình luận về báo cáo được đăng trên tờ WSJ nhưng cho biết chính quyền Biden vẫn tiếp tục đặt ra những “nghi ngờ xác đáng về thời kỳ đầu của đại dịch COVID-19, bao gồm cả nguồn gốc của nó tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).”
Phát ngôn viên cho biết chính phủ Hoa Kỳ đang làm việc với WHO và các quốc gia thành viên khác để hỗ trợ đưa ra những nhận định chuyên môn về nguồn gốc của đại dịch mà “không bị can thiệp hoặc chính trị hóa”.
Bà nói: “Chúng tôi sẽ không đưa ra những tuyên bố làm phương hại đến một nghiên cứu đang được tiến hành của WHO về nguồn gốc của SARS-CoV-2, nhưng chúng tôi chắc chắn rằng những giả thuyết có căn cứ và đáng tin cậy về mặt kỹ thuật sẽ được đánh giá kỹ lưỡng bởi các chuyên gia quốc tế.”
Hoa Kỳ hiện đang bày tỏ sự quan ngại đối với các nghiên cứu về nguồn gốc COVID-19 do WHO đứng đầu, đồng thời kêu gọi điều tra thêm và tiếp cận tất cả các thông tin liên quan về người, động vật cũng như những dữ liệu khác trong giai đoạn đầu khi đại dịch bùng phát.
Hôm Chủ nhật (ngày 23/5), Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng sau chuyến thăm vào tháng 2 đến Viện virus học Vũ Hán, một nhóm do WHO đứng đầu đã kết luận rằng khả năng rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”.
“Hoa Kỳ tiếp tục thổi phồng giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm”, Bộ ngoại giao Trung Quốc trả lời trước yêu cầu bình luận của tờ WSJ: “Hoa Kỳ thực sự quan tâm đến việc truy tìm nguồn gốc hay đang cố gắng chuyển hướng sự chú ý?”
Theo tờ Reuters đưa tin vào tháng 2, Trung Quốc đã từ chối cung cấp dữ liệu gốc về các trường hợp nhiễm COVID-19 thời đầu cho nhóm điều tra của WHO, và việc này có khả năng gây khó khăn cho các nỗ lực truy tìm nguồn gốc của dịch bệnh.
Chính quyền Trump trước đó cho biết họ nghi ngờ virus có thể đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh đã phủ nhận.
Một bảng dữ kiện được Bộ Ngoại giao công bố vào thời điểm gần cuối nhiệm kỳ chính quyền Trump tiết lộ: “Chính phủ Hoa Kỳ có lý do để tin rằng một số nhà nghiên cứu bên trong Viện virus học Vũ Hán đã mắc bệnh vào mùa thu năm 2019, trước khi trường hợp bùng phát đầu tiên được xác định, với các triệu chứng phù hợp với cả COVID -19 và các bệnh thường gặp theo mùa.” Bảng dữ kiện lúc đó không cho biết có bao nhiêu nhà nghiên cứu đã nhập viện.
Nhiều chuyên gia y tế khác cũng tin rằng virus corona đã bắt đầu lây nhiễm tại thành phố Vũ Hán thuộc miền trung Trung Quốc vào tháng 11/2019, trong khi ca bệnh đầu tiên được các nhà chức trách Bắc Kinh xác định là vào ngày 8/12 năm đó.
Trong những tuần gần đây, sau khi một cuộc điều tra và báo cáo do WHO đứng đầu – được biên soạn với sự giúp đỡ của chính phủ Trung Quốc đã khiến khiến nhiều quốc gia khác không hài lòng, giả thuyết về việc virus corona vô tình bị rò rỉ từ Viện virus học Vũ Hán vào cộng đồng dân cư đã trờ thành một lời giải thích khả thi hơn bao giờ hết.
Chính Trung Quốc cũng đã góp phần tăng thêm sự nghi ngờ bằng việc phòng thí nghiệm đã không công bố các hồ sơ liên quan đến công trình nghiên cứu của nó đối với virus corona ở dơi. Trong khi đó, Bắc Kinh lại đưa ra một loạt giả thuyết hoang đường. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng cộng sản Trung Quốc nghi ngờ virus corona có thể lây lan qua các bao bì thực phẩm đông lạnh nhập khẩu; giả thuyết khác lại cho rằng virus có nguồn gốc từ một cơ sở nghiên cứu y sinh tại căn cứ Fort Detrick thuộc bang Maryland, Hoa Kỳ.
Đầu tháng này, một nhóm các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới đã bác bỏ kết luận của WHO rằng một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”. Tạp chí Science lập luận rằng giả thuyết này là “khả thi” và xứng đáng có “một cuộc điều tra thích hợp.”
Trong lúc đó, các đảng viên Đảng Cộng hòa cũng đang thúc giục các quan chức y tế liên bang trình bày chi tiết những gì Viện virus học Vũ Hán đã làm với tiền tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH).
Vào thứ Sáu (ngày 21/5), sáu Thượng nghị sĩ và một dân biểu Cộng hòa đã ký một bức thư gửi cho Giám đốc NIH, tiến sĩ Francis Collins, yêu cầu ông thông tin chi tiết về lệnh tạm hoãn vào năm 2014 đối với việc tài trợ cho một lĩnh vực nghiên cứu y học gọi là “nghiên cứu chức năng đạt được ” – nơi mà trong đó phòng thí nghiệm có thể tạo ra các chủng virus đột biến làm tăng khả năng gây bệnh và lây nhiễm. Bức thư cũng yêu cầu NHI cung cấp thêm thông tin về việc dỡ bỏ lệnh tạm hoãn vào cuối năm 2017 và liệu các chương trình và các nhà nghiên cứu liên kết với phòng thí nghiệm Vũ Hán có được cấp ngoại lệ hay không.
Cố vấn y tế chính của Nhà Trắng, bác sĩ Anthony Fauci đã nhiều lần phủ nhận việc NIH tài trợ cho lĩnh vực “nghiên cứu chức năng” ở Vũ Hán, tuy nhiên Thượng nghị sĩ Tom Cotton vào Chủ nhật (ngày 23/5) đã cáo buộc ông Fauci đang “chơi chữ”.
“Số tiền mà NIH trao cho một tổ chức của Mỹ, tổ chức này đã quay ngược lại đưa hàng trăm nghìn đô la cho các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán để điều tra về virus corona, và vâng, để tìm cách khiến chúng dễ lây lan hơn và nguy hiểm hơn”, Thượng nghị sĩ Cotton trả lời trong chương trình “Sunday Morning Futures” của Fox News.
“Tôi nghĩ rằng ở đây có thể có một ví dụ về việc các quan chức y tế chính phủ nghĩ rằng họ biết rõ hơn, rằng họ sẽ không phản hồi đối với việc giám sát chính trị và trách nhiệm giải trình… và họ đã tiến hành nghiên cứu này, nghiên cứu có thể rất nguy hiểm.”, ông Cotton cho biết thêm: “Đó là lý do tại sao NIH bắt buộc phải làm rõ và cho chúng tôi biết chính xác những gì đã xảy ra.”
Vy An (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa phòng thí nghiệm Vũ Hán Viện Virus học Vũ Hán Tổ chức Y tế Thế giới - WHO Dòng sự kiện nguồn gốc virus corona