Truyền thông Hàn Quốc: Ông Lư Sa Dã bị triệu hồi về nước vì ngôn luận sói chiến
- Thiên Thanh
- •
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với truyền thông Pháp, ông Lư Sa Dã (Lu Shaye), Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, đã phủ nhận tư cách chủ quyền của 14 nước cộng hòa độc lập thuộc Liên Xô cũ trong đó có Ukraine, điều này đã gây ra sự náo động. Truyền thông Hàn Quốc tiết lộ, ông Lư Sa Dã phải trở lại Trung Quốc do sóng gió ngoại giao từ những ngôn luận sói chiến của ông.
Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc hôm 10/5 dẫn nguồn tin từ giới ngoại giao và tài chính Trung Quốc tiết lộ, ông Lư Sa Dã, người được bổ nhiệm làm Đại sứ Trung Quốc tại Pháp vào tháng 7/2019, sẽ trở về Trung Quốc trong tháng này. Ông Trần Đông (Chen Dong), hiện đang là Công sứ (Đại biện lâm thời) Trung Quốc tại Pháp sẽ giữ vai trò quyền đại sứ.
Theo báo cáo, ông Lư Sa Dã đã bị triệu hồi về Trung Quốc, đây được coi là một tín hiệu cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã “hãm phanh” chính sách ngoại giao sói chiến của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với LCI TV của Pháp hôm 21/4, ông Lư Sa Dã đã trả lời về cuộc chiến Nga – Ukraine và vấn đề Đài Loan. Khi nói về chiến tranh Nga – Ukraine, ông Lư Sa Dã không trả lời câu hỏi liệu Crimea có thuộc Ukraine hay không, ông nói: “Không nhất định như vậy, vì điều đó phụ thuộc vào cách chúng ta nhìn nhận những vấn đề này… nó không đơn giản như vậy.”
Khi người dẫn chương trình nhắc nhở ông rằng theo luật pháp quốc tế, Crimea thuộc về Ukraine, ông Lư Sa Dã nói: “Theo luật pháp quốc tế, các quốc gia thuộc Liên Xô cũ này không có địa vị hợp lệ, bởi vì không có thỏa thuận quốc tế cụ thể hóa địa vị quốc gia có chủ quyền của họ.”
Khi nói về tình hình hiện tại ở eo biển Đài Loan, người dẫn chương trình đã chiếu một đoạn video hoạt hình, mô phỏng việc bắn đạn pháo vào Đài Loan do ĐCSTQ sản xuất và hỏi: “Đây không phải là một hành động xâm lược cực kỳ gây sốc sao?” Ông Lư Sa Dã biện minh rằng: “Người đe dọa không phải là chúng tôi, chúng tôi là bên bị đe dọa.”
Khi đối mặt với câu hỏi về việc người dân Đài Loan tự quyết định vận mệnh của mình và quyền tự quyết của người dân, ông Lư Sa Dã trả lời rằng “chính quyền Bắc Kinh quyết định vận mệnh của Đài Loan. Làm mọi thứ có thể, nếu không thể thống nhất một cách hòa bình, thì sẽ lựa chọn hành động có thể.”
Khi nói về Mao Trạch Đông, cố lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ, người dẫn chương trình hỏi: “Hàng triệu người đã chết vì Mao Trạch Đông, đây có phải là tin đồn không đúng sự thật không?” Ông Lư Sa Dã giận dữ chỉ trích: “Điều này là không công bằng, không đúng sự thật, anh đã bao giờ đọc sách chưa? Dừng lại! Hôm nay tôi đến không phải để nói với anh về những lời đồn nhảm này.”
AFP đưa tin, vào ngày 23/4, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, ông Josep Borrell, đã đăng trên Twitter rằng những ngôn luận của Đại sứ Bắc Kinh tại Pháp Lư Sa Dã về việc nghi ngờ chủ quyền của các quốc gia độc lập sau khi Liên Xô tan rã, là không thể chấp nhận được. “EU chỉ có thể cho rằng những ngôn luận này không đại diện cho chính sách chính thức của Trung Quốc.”
Unacceptable remarks of the Chinese Ambassador to France questioning the sovereignty of the countries which became independent with the end of the Soviet Union in 1991.
The EU can only suppose these declarations do not represent China’s official policy.
— Josep Borrell Fontelles (@JosepBorrellF) April 23, 2023
Reuters đưa tin, hôm 24/4 một số ngoại trưởng châu Âu cũng đã phát biểu trước cuộc họp của EU tại Luxembourg, rằng những ngôn luận gần đây của ông Lư Sa Dã về việc nghi ngờ chủ quyền của Ukraine và các nước thuộc Liên Xô cũ khác là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Ngoại trưởng Séc, ông Jan Lipavsky nói: “Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được và tôi hy vọng cấp trên của đại sứ sẽ làm rõ những điều này”.
Bộ trưởng Ngoại giao Litva, ông Gabrielius Landsbergis, gọi những ngôn luận của ông Lư Sa Dã là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và cho biết các quốc gia vùng Baltic sẽ triệu tập các nhà ngoại giao địa phương của Bắc Kinh vào cuối ngày, để chính thức yêu cầu làm rõ và kiểm tra xem lập trường ngoại giao của Bắc Kinh có thay đổi hay không.
Pháp, Ukraine và 3 quốc gia vùng Baltic đã bày tỏ sự thất vọng trước những bình luận của ông Lư Sa Dã.
Ngày 24/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, trước câu hỏi liệu ngôn luận của ông Lư Sa Dã có thể hiện quan điểm chính thức của Bắc Kinh hay không, phát ngôn viên Mao Ninh trả lời rằng Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, duy trì, bảo vệ tôn chỉ và nguyên tắc của “Hiến chương của Liên Hợp Quốc”. Bà nói rằng Bắc Kinh luôn “khách quan và vô tư” về các vấn đề chủ quyền.
Tổng hợp thông tin từ tờ Le Monde và TF1 của Pháp, Đại sứ Trung Quốc Lư Sa Dã đã nhận được giấy triệu tập của Bộ Ngoại giao Pháp và đưa ra lời giải thích vào chiều ngày 24/4 (theo giờ Pháp).
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Pháp triệu tập ông Lư Sa Dã. Trước đó, ông Lư đã bị triệu tập vì chỉ trích không có căn cứ về việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của Pháp và xúc phạm học giả Antoine Bondaz.
Tờ Le Monde đưa tin, khoảng 80 nghị sĩ châu Âu đã ra thư ngỏ kêu gọi Chính phủ Pháp đưa ông Lư Sa Dã vào danh sách “nhân vật không được chào đón”.
Từ khóa Ngoại giao sói chiến Ngoại giao chiến lang Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã Lu Shaye