Truyền thông quốc tế phân tích về Hội chợ Nhập khẩu Trung Quốc
- Thanh Vân
- •
Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất đã khai mạc vào 05/11 tại Thượng Hải, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu chào mừng, hứa Trung Quốc sẽ thực hiện giảm thuế quan và đẩy nhanh việc mở cửa thị trường trong nước. Phát biểu này đã được giới truyền thông quốc tế quan tâm diễn giải.
Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc đã được tổ chức tại Thượng Hải vào ngày 5/11, ông Tập Cận Bình hứa Trung Quốc sẽ thực hiện giảm thuế quan và đẩy mạnh hơn mở cửa thị trường trong nước (Ảnh: Getty Images)
Diễn giải của Tiếng nói nước Đức
Tiếng nói nước Đức (Deutsche Welle) công bố bài viết có tên “Lễ khai mạc Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc: ‘Ám hiệu’ của Tập Cận Bình”, phân tích rằng đây là triển lãm cấp quốc gia đầu tiên trên thế giới chỉ tập trung vào hàng nhập khẩu. Bắc Kinh không gây bất ngờ khi lại một lần nữa hóa trang vào vai “kẻ bảo vệ thương mại tự do”, nhưng qua phát biểu chào mừng của ông Tập Cận Bình và bố trí trình tự phát biểu của khách tham dự khai mạc, cho thấy một số thông tin ẩn ý hấp dẫn.
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Tập Cận Bình đề cập “Ngày nay kinh tế toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, tư tưởng cá lớn nuốt cá bé, kẻ thắng vơ cả là ngõ cụt mà nếu càng lún vào càng bế tắc”, đồng thời ông Tập cũng nhấn mạnh “Không nên lúc nào cũng chỉ biết trang điểm cho bản thân, lên án người khác”. Deutsche Welle diễn giải rằng, mặc dù ông Tập Cận Bình không “nhìn mặt chỉ tên”, nhưng không khó để đoán ra phát biểu ám chỉ vào chính phủ Mỹ.
Hơn nữa, sau bài phát biểu kết thúc, việc bố trí nhân vật thứ hai phát biểu cũng là một “ẩn ý” quan trọng khác. Người phát biểu tiếp theo không phải là Thủ tướng Chính phủ Nga Dmitry Medvedev, không phải là Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde, cũng không phải là Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim, mà là Tổng thống nước Cộng hòa Dominican mới cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan chưa lâu.
Bài viết nhận định, một lần nữa Trung Quốc đã tạo ra một thứ “đầu tiên” trên thế giới, tức là lần đầu tiên có một hội chợ thương mại cấp quốc gia mà chỉ tập trung vào hàng nhập khẩu. Xét về mặt tổ chức, mức độ an ninh, có thể so sánh với Thế vận hội Olympic và Hội chợ triển lãm thế giới.
Lúc này đang trong tình cảnh chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, hai bên dường như rơi vào cục diện bế tắc không có giải pháp. Trong vài tháng qua, chính quyền Cộng sản Trung Quốc luôn trong tình trạng bị động trước cuộc chiến thương mại: bất động sản trong nước và thị trường tài chính không ngừng bị gây sốc; các luồng vốn và áp lực mất giá tiền tệ ngày càng gia tăng.
Trong hoàn cảnh này nhưng Bắc Kinh lại rầm rộ tổ chức Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc, phân tích cho rằng thứ nhất là thông báo cho thế giới thấy tình hình Trung Quốc vẫn rất tốt ngay trong thời khắc nguy ngập của cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ; thứ hai là cố gắng gỡ nút thắt của suy thoái kinh tế; cuối cùng là nhà cầm quyền Trung Quốc muốn thay đổi hình ảnh quá khứ là một cường quốc chuyên xuất khẩu để thu về ngoại hối, nhằm che giấu mối đe dọa ngày càng tăng của chính quyền Trung Quốc đối với thế giới.
Kêu gọi Bắc Kinh phải có lộ trình hành động cụ thể
Thế giới bên ngoài chú ý lời hứa của ông Tập Cận Bình trong bài phát biểu: “Cánh cửa lớn mở cửa của Trung Quốc sẽ không đóng lại, chỉ có ngày càng mở rộng hơn”, “Trung Quốc sẽ tôn trọng thông lệ thương mại quốc tế, đối xử bình đẳng với tất cả các loại hình doanh nghiệp đăng ký ở Trung Quốc”. Ông Tập Cận Bình còn mở một “chi phiếu” cho 15 năm tới: Trung Quốc sẽ nhập khẩu hàng hóa trị giá hơn 30 nghìn tỷ đô la Mỹ, nhập khẩu dịch vụ hơn 10 nghìn tỷ đô la Mỹ.
Nhưng theo Deutsche Welle: “Ông Tập Cận Bình không nêu cụ thể chính sách pháp luật nào để đảm bảo những cam kết trên sẽ được thực hiện trong thực tế”. Còn hãng tin BBC Anh cũng cho rằng, những lời hứa này thiếu kế hoạch thời gian cụ thể. Ông Tập cũng không trả lời các khiếu nại của Mỹ trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước về vấn đề Trung Quốc đối xử đặc biệt với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Thời báo Tài chính Anh (Financial Times) cho biết, các nhà điều hành doanh nghiệp nước ngoài và các nhà ngoại giao đều hiểu họ phải cảnh giác với các cam kết mơ hồ của Bắc Kinh, họ đang chờ Bắc Kinh thực hiện các cải cách cụ thể trong tiếp cận thị trường và quyền sở hữu trí tuệ.
Phó Chủ tịch hội Thương mại châu Âu trú tại Trung Quốc là Carlo D ‘Andrea cho biết: “Chỉ có đưa ra phản ứng tích về thách thức quan trọng mang tính cơ cấu, để tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các công ty quốc tế với các công ty bản địa Trung Quốc thì mới đạt được tiến bộ có ý nghĩa thực tế”. Trong phỏng vấn của Bloomberg hôm thứ Hai, ông nói: “Hội Thương mại châu Âu hy vọng rằng Trung Quốc có một kế hoạch cải cách với thời gian biểu rõ ràng”.
Phân tích cũng cho rằng, hiện nay giới đầu tư rất thận trọng trước những lời hứa suông. Hãng tin Reuters cho biết, kỳ vọng của thế giới bên ngoài rất thấp đối với sáng kiến táo bạo mới công bố của Bắc Kinh. Nhiều người liên quan đến triển lãm này đã cho biết hội chợ chỉ mang tính tượng trưng, thiếu nội dung thực chất.
Thực tế, những cam kết của Bắc Kinh đã không có tác dụng thúc đẩy thị trường châu Á. Hôm thứ Hai, thị trường chứng khoán nhiều nước châu Á vẫn rất kém, thậm chí đến cuối buổi sáng chỉ số Hang Seng Index (chỉ số chứng khoán được xây dựng dựa trên giá trị vốn hóa thị trường của các công ty lớn nhất ở Hồng Kông) giảm 2,65%, còn Trung Quốc Shanghai Composite Index và Shenzhen Component Index giảm hơn 1%; chứng khoán Tokyo giảm 1,3% và Singapore giảm 1,8%.
Các nền kinh tế lớn trên thế giới không tham gia
Đối với tuyên bố của nhà cầm quyền Trung Quốc rằng có hơn 130 nước tham gia hội chợ, Reuters cho biết một số nước chỉ tham gia một gian hàng và chỉ bán một sản phẩm, ví dụ như Iraq bán dầu thô, Iran bán nghệ tây, Jamaica bán cà phê Blue Mountain, Chad bán bauxite….
Còn theo tờ New York Times, Bắc Kinh đang tìm kiếm đồng minh, nhưng đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Nhìn vào các nước chưa tham gia có thể thấy đã phản ánh rõ thách thức của Trung Quốc.
Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã triển khai cuộc tấn công ngoại giao, các đại sứ quán Trung Quốc tại nước ngoài đã tận lực đi vận động các lãnh đạo nước ngoài đến tham dự, nhưng chỉ có Tổng thống hoặc Phó Tổng thống của hơn 10 quốc gia tham dự, đặc biệt là sự vắng mặt đối tác thương mại chính của Trung Quốc như Đức, Anh, Hàn Quốc và Nhật Bản. Còn những nhà lãnh đạo G7 không có một ai. Còn G20 chỉ có Thủ tướng Nga Medvedev tham dự lễ khai mạc.
Mỹ cũng không cử đại diện nào. Ngay trước thời điểm triển lãm, Chính phủ Mỹ chỉ cho biết thông qua người phát ngôn viên tại Đại sứ quán trú tại Trung Quốc: “Trung Quốc phải thực hiện những cải cách cần thiết, phải kết thúc chính sách thương mại không công bằng làm tổn hại nền kinh tế toàn cầu”.
Thanh Vân
Xem thêm:
Từ khóa chiến tranh thương mại Mỹ Trung Cải cách mở cửa Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc Quốc tế