TS. Peter Embarek của WHO: Người nhiễm COVID-19 đầu tiên có thể là nhà khoa học TQ
- Thành Dung
- •
Người đứng đầu cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, một nhà khoa học Trung Quốc có thể đã nhiễm COVID-19 khi thu thập mẫu dơi, nhiều khả năng đây là điểm khởi đầu của đại dịch COVID-19.
Nhóm chuyên gia của WHO đã tổ chức họp báo tại Vũ Hán vào ngày 9/2/2021. Ông Peter Ben Embarek, trưởng nhóm điều tra của WHO, ngồi bên trái (Nguồn: Getty Images).
Theo nguồn tin từ Daily Telegraph và The Times vào ngày 13/8, trong phim tài liệu được chiếu tuần này bởi kênh truyền hình Đan Mạch 2 (TV2,Danmark Radio), Tiến sĩ Peter Embarek phụ trách điều tra của WHO về nguồn gốc của COVID-19 nói về một “giả thuyết có thể xảy ra”: một nhân viên phòng thí nghiệm bị nhiễm virus khi đang làm việc tại hiện trường [nơi hoang dã].
Như chúng ta đã biết, các nhà khoa học tại Viện Virus học Vũ Hán ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc nghiên cứu về virus corona dơi [COVID-19], nơi xuất hiện loại virus này vào tháng 12/2019. Nhưng Trung Quốc đã không hợp tác [với cộng đồng khoa học quốc tế] trong việc cung cấp thông tin chi tiết về nghiên cứu của họ.
Tiến sĩ Embarek nói rằng các nhà điều tra của WHO đã buộc phải kết luận trong báo cáo chính thức của họ rằng khả năng COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “cực kỳ nhỏ” để tránh tranh luận thêm căng thẳng với Trung Quốc. Ông nói rằng nhóm điều tra đã chịu “bế tắc” với Trung Quốc, họ chỉ cho phép đưa [giả thuyết] vấn đề rò rỉ trong phòng thí nghiệm vào báo cáo mà không thể được điều tra thêm. Ông nói thêm: “Các đồng nghiệp (người Trung Quốc) của chúng tôi đồng ý rằng chúng tôi có thể đề cập (vụ rò rỉ phòng thí nghiệm) vào trong báo cáo, với điều kiện chúng tôi không đề xuất nghiên cứu cụ thể về giả thuyết này. Chúng tôi chỉ lưu giữ nó ở đó”.
Khi được hỏi liệu phía Trung Quốc có đồng ý đưa giả thuyết “cực ít khả năng xảy ra” [về vấn đề rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm lây vào người] vào báo cáo hay không, Tiến sĩ Embarek nói: “Điều này có thể đòi hỏi phải thảo luận và tranh luận thêm ở cả hai bên. Tôi không nghĩ như vậy”. Tuy nhiên ông cho rằng có thể có nhân viên phòng thí nghiệm đã bị nhiễm virus tại hiện trường hoang dã. Ông nói: “Chúng tôi nghĩ rằng giả thuyết này là có thể”.
Áp lực từ Trung Quốc
Ngày càng có nhiều áp lực yêu cầu Trung Quốc công bố các tài liệu làm việc của phòng thí nghiệm Vũ Hán và cho phép điều tra kỹ lưỡng. Một báo cáo về vấn đề virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm do Tổng thống Biden ủy quyền thực hiện dự kiến sẽ được đệ trình vào cuối tháng Tám này. Tháng trước, WHO đã yêu cầu một cuộc kiểm tra chuyên sâu, nhưng đã bị Trung Quốc từ chối.
Ngài Iain Duncan Smith, Chủ tịch Liên minh Nghị viện xuyên quốc gia về Trung Quốc (Inter-Parliamentary Alliance on China), nói rằng cộng đồng quốc tế cần khẩn trương tìm hiểu cách thức virus bùng phát. Ông cho biết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, WHO cần thúc đẩy quá trình này. Về nguồn gốc của virus, họ (WHO) cần phải thẳng thắn minh bạch, giống như Trung Quốc cần phải thẳng thắn minh bạch chứ không phải ngạo mạn bác bỏ (điều tra) nguồn gốc của virus”.
Ông cho biết hàng triệu người đã mất mạng vì “kiểu từ chối khủng khiếp và kiêu ngạo không chấp nhận điều tra nguồn virus” có thể liên quan đến phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Tiến sĩ Embarek cũng nói với đoàn làm phim tài liệu rằng ông lo ngại về phòng thí nghiệm thứ hai, tức là Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Vũ Hán (CDC), vì trung tâm này đã chuyển văn phòng đến địa điểm cách 1/4 dặm nơi bùng phát dịch bệnh đầu tiên là chợ đồ tươi sống Vũ Hán. Ông nói:
“Vũ Hán còn có các phòng thí nghiệm đáng lo ngại khác, chẳng hạn như CDC, cũng nghiên cứu về loài dơi”;
“Điều khiến tôi lo lắng hơn là một phòng thí nghiệm khác bên cạnh chợ [đồ tươi sống], vì họ cũng đang nghiên cứu virus corona, nhưng có thể họ không thể bảo đảm chuyên môn hoặc mức độ an toàn… Khi chúng tôi được đưa đi khảo sát, tôi nhận thấy ở đó mọi thứ đều còn rất mới. Tôi hỏi phòng thí nghiệm này đã hoạt động được bao lâu thì được trả lời ‘chúng tôi đã chuyển đến đây vào ngày 2/12’ (năm 2019)”;
“Đây chính là khởi đầu của mọi thứ. Chúng ta biết rằng khi di chuyển một phòng thí nghiệm sẽ khiến mọi thứ rối loạn. Phải di chuyển bộ sưu tập virus và mẫu. Đó là lý do tại sao giai đoạn đó và phòng thí nghiệm đó thật đáng lo ngại”.
Thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm vẫn tồn tại
Các chuyên gia Anh cho rằng việc một nhân viên phòng thí nghiệm mang virus về Vũ Hán là “hợp lý”, điều này phù hợp với các nghiên cứu di truyền cho thấy virus đã truyền nhiễm từ động vật. Tiêu biểu như Tiến sĩ Jonathan Stoye, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Tương tác Retrovirus-Vật chủ tại Viện Francis Crick tại Anh cho biết:
“Theo tôi thấy, có thể điều đó hợp lý. Khi tôi đọc báo cáo ban đầu của WHO, tôi cảm thấy rằng không có lý do để cho rằng đó là điều cực kỳ khó xảy ra, vì vậy báo cáo có hơi lạ”;
“Tôi đã nhiều lần đề cập, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết, liên quan đến phòng thí nghiệm vẫn tồn tại, chúng ta cần biết thêm nhiều hơn. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chúng ta có được nhiều hơn. Theo tôi, không có bằng chứng nào cho thấy virus đã được sửa đổi nhân tạo, nhưng chúng tôi biết rằng những điều tra viên này luôn thu thập mẫu dơi, vì vậy họ có thể đã mang một số thứ [tức virus từ hoang dã] trở lại [phòng thí nghiệm]”.
Cả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm [do nhân tạo] và lây nhiễm từ động vật hoang dã đều có khả năng
Ravi Gupta, giáo sư vi sinh học tại Đại học Cambridge, cho biết nghiên cứu di truyền học hiện nay chỉ ra cả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm [do nhân tạo] và lây nhiễm từ động vật hoang dã đều có khả năng.
Nhưng nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng những nhận xét này không có tác dụng nhiều trong việc thúc đẩy cuộc điều tra. Như Giáo sư David Robertson, người đứng đầu bộ gen virus và tin sinh học tại Đại học Glasgow (Scotland), cho biết: “Có nhiều cách có thể lây lan virus. Tiến sĩ Peter (Embarek) chỉ đề cập đến một số điều có thể xảy ra. Bởi vì chúng tôi không có bằng chứng về vấn đề này, hoặc bất kỳ liên hệ nào với rò rỉ phòng thí nghiệm, nó vẫn chỉ là phỏng đoán”.
Thành Dung, Vision Times
Xem thêm: