Hôm thứ Hai (20/11), Tổng thống Philippines cho biết nước này đã tiếp cận các quốc gia láng giềng như Malaysia và Việt Nam để thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử riêng liên quan đến Biển Đông, trong bối cảnh tiến triển về việc đạt được một hiệp ước khu vực rộng lớn hơn với Trung Quốc còn hạn chế.

Embed from Getty Images

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC tại Moscone West vào ngày 15/11/2023 tại San Francisco, California (Nguồn ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr hiện nay, mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng. Ông Marcos Jr đã lên tiếng về hành vi “hung hăng” của Trung Quốc, đồng thời nối lại mối quan hệ bền chặt với đồng minh hiệp ước duy nhất của Philippines là Hoa Kỳ.

Phát biểu tại Hawaii trong một sự kiện được phát trực tiếp, ông Marcos cho rằng căng thẳng leo thang ở Biển Đông đòi hỏi Philippines phải hợp tác với các đồng minh và nước láng giềng để duy trì hòa bình trên những tuyến đường thủy đông đúc, khi tình hình hiện nay đang trở nên “khốc liệt hơn”.

“Chúng tôi vẫn đang chờ đợi bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN, đáng tiếc là tiến độ này diễn ra khá chậm”, ông Marcos đề cập đến những nỗ lực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

“Chúng tôi đã chủ động tiếp cận các quốc gia khác quanh ASEAN mà chúng tôi đang có xung đột lãnh thổ, Việt Nam là một trong số đó, ngoài ra còn có Malaysia, để xây dựng quy tắc ứng xử của riêng chúng tôi.”

“Hy vọng điều này sẽ phát triển hơn nữa và mở rộng sang các nước ASEAN khác.”

Đại sứ quán Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam tại Manila đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về bộ quy tắc này.

Trung Quốc cho rằng việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này đã cảnh cáo tại một cuộc họp báo thường kỳ rằng: “Bất kỳ động thái nào đi chệch khỏi khuôn khổ và đi ngược lại tinh thần của tuyên bố về cách ứng xử giữa các bên (DOC) ở Biển Đông đều vô hiệu”.

Kế hoạch của ông Marcos diễn ra sau cuộc gặp hôm thứ Sáu (17/11) với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại San Francisco. Các bên đã thảo luận những biện pháp nhằm giảm bớt căng thẳng ở vùng biển chiến lược này sau một loạt các cuộc đối đầu trong năm nay.

Trung Quốc khẳng định yêu sách của mình trên bản đồ bằng việc sử dụng “đường chín đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò”) kéo dài tới 1.500 km, cắt vào các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippin và Việt Nam.

Manila và Bắc Kinh đã đối đầu liên tục trong nhiều năm khi Trung Quốc trở nên quả quyết hơn trong việc thúc đẩy các yêu sách hàng hải của mình, gây lo ngại cho các nước láng giềng và các quốc gia khác hoạt động trên tuyến đường thương mại quan trọng này, chẳng hạn như Hoa Kỳ.

Trung Quốc đã biến những rạn san hô ngập nước thành các cơ sở quân sự được trang bị radar, đường băng và hệ thống tên lửa, một số trong đó thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Ông Marcos Jr lên tiếng: “Các rạn san hô gần nhất mà PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) bắt đầu thể hiện sự quan tâm… để xây dựng các căn cứ đã ngày càng tiến gần hơn đến bờ biển Philippines… Tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn trước.”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp lại: “Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên lãnh thổ của mình hoàn toàn nằm trong chủ quyền của Trung Quốc và các nước khác không có quyền đưa ra những bình luận vô trách nhiệm.”

Ông Marcos Jr nói thêm rằng Hoa Kỳ “luôn đứng sau chúng tôi… không chỉ bằng lời nói mà còn là những hỗ trợ thiết thực”.