TT Wickremesinghe: Sri Lanka là ‘quốc gia phá sản’, khủng hoảng kéo dài đến 2023
- Nhật Minh
- •
Thủ tướng Ranil Wickremesinghe phát biểu trước quốc hội hôm thứ Ba (5/7), Sri Lanka đã trở thành quốc gia phá sản, và cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có sẽ còn kéo dài cho đến ít nhất là cuối năm sau.
Quốc đảo 22 triệu dân này đã phải chịu đựng những tháng lạm phát phi mã và những đợt cắt điện kéo dài, sau khi chính phủ cạn kiệt ngoại tệ để nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu.
Thủ tướng Wickremesinghe cho biết, đất nước từng thịnh vượng sẽ rơi vào suy thoái sâu trong năm nay và tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men sẽ tiếp tục diễn ra.
“Chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn vào năm 2023,” thủ tướng nhận định. “Đây là sự thật. Đây là thực tế.”
Lạm phát lên mức 54,6% vào tháng 6 khi quốc gia Ấn Độ Dương đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Ngân hàng trung ương dự kiến sẽ tăng lãi suất trong lần công bố chính sách tiếp theo trong ngày 7/7 để kiềm chế giá cả.
Ông Wickremesinghe cho rằng, các cuộc đàm phán về gói cứu trợ đang diễn ra của Sri Lanka với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phụ thuộc vào việc hoàn tất kế hoạch tái cơ cấu nợ với các chủ nợ vào tháng 8.
“Hiện chúng ta đang tham gia vào các cuộc đàm phán với tư cách là một quốc gia phá sản,” Thủ tướng nói. “Vì vậy, chúng ta phải đối mặt với một tình huống khó khăn và phức tạp hơn so với các cuộc đàm phán trước đây.”
Bất chấp việc đình chỉ trả nợ khoảng 12 tỷ USD nợ nước ngoài vào tháng 4, ông Wickremesinghe cho hay Sri Lanka vẫn còn các khoản thanh toán gần 21 tỷ USD cho đến cuối năm 2025.
Sau khi đạt được thỏa thuận cấp nhân viên với IMF, Sri Lanka dự định tổ chức hội nghị các nhà tài trợ với “các nước thân thiện” như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản để đảm bảo có được các khoản vay nhiều hơn thông qua một “thỏa thuận chung”, ông Wickremesinghe nói với các nhà lập pháp.
Tuần trước, IMF thông báo, các cuộc đàm phán với Sri Lanka về cơ bản là “có tính xây dựng”, điều này làm dấy lên hy vọng họ sẽ sớm phê duyệt sơ bộ một gói hỗ trợ tài chính đang rất khẩn cấp cho quốc gia này.
Sri Lanka hiện gần như hoàn toàn không có xăng dầu và chính phủ đã đóng cửa các dịch vụ công không thiết yếu trong nỗ lực tiết kiệm nhiên liệu.
Tuần này, các nhà chức trách đã gia hạn đóng cửa các trường học, yêu cầu công chức làm việc tại nhà và hạn chế phân phối nhiên liệu cho các dịch vụ thiết yếu khi đất nước đang phải vật lộn để thanh toán cho các lô hàng nhiên liệu mới.
Cuộc khủng hoảng xảy ra sau khi COVID-19 tác động vào nền kinh tế vốn phụ thuộc vào du lịch, cũng như bị cắt giảm lượng kiều hối từ công nhân nước ngoài.
Ngoài ra, thêm vào đó là sự tích tụ các khoản nợ lớn của chính phủ, giá dầu tăng và lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học vào năm ngoái đã tàn phá nền nông nghiệp.
Các cuộc biểu tình bạo lực kéo dài nhiều tuần đã dẫn đến việc các bộ trưởng chủ chốt từ chức vào tháng 5, khiến Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Wickremesinghe phải cố hết sức ổn định tình hình.
Liên Hợp Quốc ước tính, khoảng 80% người dân đang phải giảm bớt bữa ăn để đối phó với tình trạng thiếu lương thực và giá cả tăng cao kỷ lục.
Từ khóa Sri Lanka vỡ nợ khủng hoảng tại Sri Lanka Sri Lanka phá sản