Thông điệp hàng tối mới nhất từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay ông vẫn kiên trì “kế hoạch chiến thắng”, mục tiêu “hòa bình lâu dài”“không có bất kỳ thỏa hiệp nào về chủ quyền hay toàn vẹn lãnh thổ”. Truyền thông Ukraine chỉ ra bối cảnh của việc này là khi báo chí của phương Tây, Financial Times cho rằng Ukraine đang ở “giờ phút đen tối nhất” và thậm chí Cựu Tổng Thư ký NATO cũng cho rằng các đồng minh và Kiev nên cân nhắc phương án nhượng đất cầu hòa.

241006Zelensky
Tổng thống Nga Volodymyr Zelensky kiên trì theo đuổi “kế hoạch chiến thắng” như trong phát biểu tối Thứ Bảy 5/10/2024. (ảnh cắt từ video do ông Zelensky đăng trên mạng xã hội)

“Mục tiêu, sứ mệnh của chúng tôi, là đảm bảo một nền hòa bình an toàn và lâu dài cho Ukraine. Điều này chỉ có thể đạt được trên cơ sở luật pháp quốc tế, không có bất kỳ thỏa hiệp nào về chủ quyền hay toàn vẹn lãnh thổ,” ông Zelensky nói trong bài phát biểu tối Thứ Bảy, 5/10, được ông đăng trên mạng xã hội.

Theo Pravda Ukraine, ông Zelensky sẽ có cuộc họp với các đối tác đồng minh vào tuần tới, và ông vẫn kiên trì “kế hoạch chiến thắng” của mình.

Mặc dù, cũng theo Pravda chỉ ra, hiện nay báo chí phương Tây, Financial Times cho rằng các đồng minh và Kiev nên cân nhắc tới phương án nhượng đất cầu hòa.

Như FT phân tích, kể từ khi đối mặt với quân Nga đưa quân vào Ukraine cuối tháng 2/2022, hiện nay Ukraine đang ở “giờ phút đen tối nhất” (Ukraine faces its darkest hour). Các phỏng vấn của tờ báo cho thấy ở chiến trường thì binh lính thân thể mỏi mệt và tinh thần sa sút, ở hậu phương thì tình trạng tuyển quân ngày càng căng thẳng, ở trung ương thì tình trạng tham nhũng và bất ổn định, về ngoại giao thì chuyến công du cuối tháng trước tới Mỹ của ông Zelensky đã không đạt được 2 mục đích chính yếu là xin phép vũ khí tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga và bảo đảm an ninh như một thành viên trên thực tế (de-facto) của NATO.

Năm 2014, nằm trong xu thế cách mạng màu lan tỏa ở các quốc gia hậu cộng sản, đảo chính Maidan Kiev lật đổ chính quyền thân Nga, đưa những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và mang tư tưởng chống Nga lên nắm chính quyền, dẫn tới Đông và Đông Nam Ukraine không thừa nhận chính quyền tại Kiev. Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea. Các tỉnh phía Đông phản lại Kiev, dẫn tới nội chiến ở Ukraine. Chiến tranh Donbass ấy tạm ngưng với hòa ước Minsk 1 và Minsk 2.

Hòa ước Minsk đem thời gian hòa hoãn để NATO có thời gian trang bị quân sự cho chính quyền ở Kiev. Hòa ước nhanh chóng bị phá vỡ và chiến tranh Donbass tiếp diễn.

2021, Nga lo sợ NATO đặt các căn cứ quân sự tại Ukraine, đã đề xuất với phương Tây về thỏa thuận an ninh. Phương Tây ném đề xuất này vào sọt rác.

Tháng 2/2022, với lý do bảo vệ an ninh của mình trước sự mở rộng của NATO, và bảo vệ quyền lợi của người gốc Nga, quân Nga đã tấn công Ukraine, ép Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán ở Istanbul. Hòa ước sắp thành nhưng bị xé bỏ do phương Tây và ông Zelensky cho rằng có thể thắng Nga trên chiến trường, và thông qua chiến tranh tiêu hao, sẽ đẩy ngã Nga khỏi vị thế cường quốc mới nổi.

Truyền thông phương Tây gọi đây là chiến tranh xâm lược của Nga vào đất nước có chủ quyền được LHQ thừa nhận, và không nhắc tới đảo chính 2014 ở Kiev và 8 năm chiến tranh Donbass, cũng như sự mở rộng của NATO đã tới sát biên giới Nga. Truyền thông Nga gọi đây là chiến tranh ủy quyền của NATO đối với Nga, trong đó Ukraine là bãi chiến trường.

Cuối 2022, Ukraine phản công và đạt thắng lợi vang dội ở Kharkov, dẫn tới tinh thần tăng mạnh, đem lại niềm tin rất cao có thể chiến thắng quân Nga. 4 tỉnh phía Đông của Ukraine đã bị Nga sáp nhập vào bản đồ của mình.

Năm ngoái, 2023, phương Tây tăng cường vũ khí cho quân Kiev, và mở chiến dịch phản công vào mùa Hè nhằm đánh xuyên phần đất mà Nga chiếm đóng, với mục đích tối thiểu cắt đứt hành lang trên bộ của Nga tới Crimea. Nhưng kỳ tích ở Kharkov 2022 đã không lặp lại, do Nga đã học khôn và lập ra phòng ngự cực mạnh. Các đầu tư rất lớn của phương Tây vào chiến dịch này vì thế đã tiêu hao trong chiến tranh.

Năm nay, 2024, giằng co ở chiến tuyến phía Đông dẫn tới cả 2 phe đều tổn thất không nhỏ. Chiến tranh tiêu hao nhiều tháng rốt cuộc bất lợi cho Ukraine, bởi vì họ không bằng được Nga về khả năng bù đắp quân lính cho chiến tranh và lượng đạn pháo.

Đầu tháng 8, Kiev đưa quân tấn công đột kích vào tỉnh Kursk của Nga, đặt mục tiêu là đem phần đất mới chiếm được làm lá bài cho đàm phán, sau khi Kiev cảm thấy rằng không có khả năng đạt được thắng lợi từ chiến tuyến phía Đông. Tỉnh Kursk ở biên giới đất rộng người thưa, không có giá trị chiến lược (trừ nhà máy điện nguyên tử mà Nga phòng thủ cẩn thận), công chiếm thì dễ, nhưng mà đóng quân lâu dài thì tốn kém, và cuối cùng cũng không gây được sức ép cho Nga về ngoại giao. Nhưng chiến dịch Kursk quả thực khiến Nga phải phân tán hàng vạn quân khỏi chiến tuyến phía Đông, mặc dù nó cũng đồng dạng khiến quân Ukraine phải đặt vào đó hàng vạn quân.

Hy vọng của Kiev trở nên mỏng manh hơn sau chuyến công du của ông Zelensky sang Mỹ. Ông đã trình bày “kế hoạch chiến thắng” với những lãnh đạo cao nhất nước Mỹ. Nhưng mà, như FT chỉ ra, cả 2 mục đích chính đều không đạt được, đó là (1) dùng vũ khí tầm xa của phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga, và (2) Ukraine đạt được bảo đảm an ninh tương đương một thành viên trên thực tế (de-facto) của NATO.

Một bình luận của giới phân tích, giáo sư John Mearsheimer cho rằng, nếu đã không mạnh hơn về quân sự trong chiến tranh tiêu hao, thì hòa đàm càng sớm càng tốt. Càng đánh sẽ càng thiệt.

Ugledar thất thủ, quân Nga tiếp tục thắng lợi ở phía Đông. Các phỏng vấn tại chỗ của FT cho rằng tinh thần chiến đấu của quân Ukraine đã giảm mạnh, đặc biệt là sau thất bại này.

“Giờ đây, tôi chỉ nghĩ về cứu lấy người của mình,” một quân nhân nói với FT. “Khó mà có thể tưởng tượng viễn cảnh có thể đánh quân địch trở về biên giới 1991 nữa.”

“Tôi hiện nay là ủng hộ đàm phán,” quân nhân ấy nói với FT và lo lắng cho con trai của mình, hiện cũng đang trong quân ngũ.

“Xã hội [Ukraine] đã mỏi mệt,” một quan chức ngoại giao nói với FT.

Trong cuộc phỏng vấn với FT ngay sau khi mãn nhiệm, Jens Stoltenberg, người 10 năm ngồi ghế Tổng Thư ký NATO, đã bày tỏ rằng Kiev nên tính đến tình huống nhượng đất cầu hòa tương tự như Phần Lan năm 1939. Đây là nhận định khác khá nhiều những gì mà ông tuyên bố khi còn ở cương vị tổng thư ký NATO.

Tuy trong bối cảnh các báo cáo từ phương Tây có những điểm bất lợi cho Kiev, nhưng trong bài phát biểu tối Thứ Bảy của mình, như Pravda chỉ ra, Tổng thống Zelensky đã trấn an tinh thần quân đội và nhân dân Ukraine rằng Ukraine vẫn còn cơ hội, và ông vẫn kiên trì “kế hoạch chiến thắng” của mình.

“Trong những ngày tới, các nhóm của chúng tôi —các quan chức chính phủ và các nhà ngoại giao— sẽ tham gia vào các cuộc tham vấn chính trị, trong khi các quân nhân sẽ tập trung vào việc hoàn thiện các khía cạnh quân sự của ‘Kế hoạch Chiến thắng’.

Điều này có thể nhanh chóng củng cố vị thế của Ukraine, đặc biệt ở tiền tuyến. Mọi điều được nêu trong Kế hoạch đều hoàn toàn có thể đạt được đối với các đối tác của chúng tôi. Thế giới có các nguồn lực tăng cường, điều này sẽ cho phép tiến về phía trước theo Công thức Hòa bình,” ông viết trên X (Twitter).

Cuối cùng ông khẳng định “sẽ khiến tuần tới là thời gian lịch sử theo nhiều ý nghĩa.”

Nhật Tân