Tướng Mattis “chìa tay” với Việt Nam trong căng thẳng với Trung Quốc
- Trọng Đức
- •
Chuyến đi thứ 2 tới Việt Nam trong năm nay của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis gửi một tín hiệu rõ ràng cho thấy chính quyền Trump quyết tâm kéo sát Việt Nam về phía mình trong nỗ lực tạo một liên minh chống lại sự bành trướng quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Chuyến thăm tại TP.HCM, bắt đầu từ hôm nay (16/10), cũng cho thấy quan hệ Mỹ-Việt đã tiến triển như thế nào sau chiến tranh Việt Nam, theo tờ New York Times.
Mattis là một tướng nghỉ hưu Hoa Kỳ. Ông tham gia Thủy quân Lục chiến trong thời gian chiến tranh Việt Nam nhưng không tham chiến tại Việt Nam.
Hồi tháng 1, ông tới Việt Nam lần đầu tiên. Ba tháng sau chuyến thăm này, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson ghé cảng Đà Nẵng, một sự kiện quân sự đầu tiên kiểu như vậy từ sau năm 1975. Sự kiện này là một trong những lời nhắc nhở Trung Quốc rằng Mỹ đang quyết tâm “lôi” Việt Nam về phía mình để ngăn cản chiến lược bành trướng của Trung Quốc ở khu vực.
Chuyến thăm được cho là hiếm hoi tiếp theo này của ông Mattis lại khẳng định điều đó.
Hôm 12/10, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tiếp tục khẳng định biển Đông “không phải là một tỉnh của Trung Quốc, và sẽ không phải là một tỉnh của Trung Quốc”. Ông tiết lộ chính quyền Trump sắp tới sẽ càng mạnh tay hơn với Trung Quốc và sẽ khai thác ở biển Đông bất chấp Trung Quốc có đồng ý hay không.
Hồi tháng 6, trong Đối thoại Shangri-La, tướng Mattis cảnh báo Mỹ sẽ hành động nếu Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh quân sự hóa biển Đông. Ông tố cáo Trung Quốc đang cưỡng bức và đe dọa các nước trong khu vực bằng cách đặt tên lửa và máy bay quân sự lên các hòn đảo mà họ tự chiếm đóng và bồi tụ.
Điểm dừng lần thứ 2 của “Chó điên” (Mad Dog) Mattis ở Việt Nam là tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, trung tâm kinh tế của nước này, và cũng là căn cứ trọng tâm của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh với miền Bắc Việt Nam gần 50 năm trước.
Theo kế hoạch, ông Mattis sẽ cùng người đồng cấp Việt Nam Ngô Xuân Lịch tới thăm căn cứ không quân tại Biên Hòa, vốn là một trạm hàng không chính cho quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Tờ New York Times lưu ý, mặc dù Việt Nam đã trở thành địa điểm thường xuyên trong các chuyến công du của các bộ trưởng Mỹ, việc một lãnh đạo quốc phòng tới đây 2 lần trong vòng vài tháng là bất thường, và TP.HCM cũng hiếm khi nằm trong lịch trình của họ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gần đây nhất tới TP.HCM là William Cohen trong năm 2000; và ông cũng là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên tới Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975. Năm 1995, Mỹ-Việt bình thường hóa quan hệ và tới 2016, Mỹ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Chuyến công du lần này của ông Mattis ban đầu có dự định tới thăm Bắc Kinh, tuy nhiên đã bị hủy do căng thẳng thương mại và quân sự giữa 2 nước. Mới đây Trung Quốc đã không cho một tàu chiến Mỹ ghé cảng Hồng Kông, và vài tháng trước ông Mattis hủy thư mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC tại Thái Bình Dương. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam được mời tham gia cuộc tập trận này.
Hồi tháng 9, Trung Quốc lại hủy chuyến thăm Lầu Năm Góc và yêu cầu Washington không được bán vũ khí cho Đài Loan.
Những căng thẳng liên tục này giữa Washington và Bắc Kinh khiến cho Mỹ có nhiều lý do để thắt chặt quan hệ với Việt Nam – một trong những quốc gia đối chọi nhiều nhất với Trung Quốc về vấn đề biển Đông.
Tuy nhiên, lựa chọn của Việt Nam vẫn còn là ẩn số.
Josh Kurlantzick, nghiên cứu gia cấp cao về Châu Á tại Hội đồng Đối ngoại nhận định rằng trong những năm gần đây Việt Nam đã chuyển từ chiến lược quốc phòng và ngoại giao cân bằng giữa hai thế lực Mỹ và Trung Quốc, sang một chiến lược mới hơi ngả về phía Washington.
“Tôi thấy một số chính sách của Việt Nam rất đồng điệu với ông Trump”, ông Kurlantzick nói về chiến lược “một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
“Nó nhấn mạnh việc đảm bảo tất cả các quốc gia trong khu vực được tự do, không phải chịu cưỡng chế và đảm bảo sự mở cửa của các hải tuyến, đặc biệt là trung vùng biển Đông đang tranh chấp”.
“Không tính Singapore, Việt Nam là quốc gia hoài nghi nhiều nhất về chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc và nó khiến họ trở thành đối tác tự nhiên nhất của Mỹ”, Kurlantzick nói.
Theo NY Times, vị trí địa lý liền kề Trung Quốc và biển Đông khiến cho nước này là một tác nhân quan trọng trong các tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo. Việt Nam cũng từng trải qua hai trận hải chiến với Trung Quốc trên biển Đông và một cuộc chiến biên giới chóng vánh năm 1979, khi Trung Quốc đem quân xâm lược Việt Nam.
Tuy nhiên với các diễn biến mới trong chính trường Việt Nam, chẳng hạn việc nhất thể hóa Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, cũng như áp dụng Luật an ninh mạng mà nhiều nhà phê bình cho là một phiên bản của luật Trung Quốc cũng khiến Hoa Kỳ quan ngại về chính sách trong tương lai của nước này.
Nhưng rõ ràng là chính quyền Trump vẫn đang chìa một tay về phía Việt Nam trong nỗ lực xây dựng gọng kìm kiềm chế Trung Quốc. Hồi tháng Giêng, trước khi rời Hà Nội, tướng Mattis nói rằng chuyến thăm của ông đã khẳng định rằng Việt Nam và Mỹ có nhiều điểm chung, và trong một số trường hợp, những điểm chung này còn có từ trước cuộc chiến tranh Việt Nam.
“Cả hai nước chúng ta đều không thích bị biến thành thuộc địa”.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ việt Mỹ Quan hệ Việt Trung Quan hệ Mỹ - Trung James Mattis