Tướng Mattis thăm Trung Quốc đối thoại về biển Đông, Đài Loan, Bắc Hàn?
- Hùng Cường
- •
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã có mặt tại Bắc Kinh hôm thứ Ba 26/6 (giờ địa phương) bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc trong nỗ lực thúc đẩy đối thoại an ninh trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung leo thang.
Kể từ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tới thăm Trung Quốc năm 2014, đây là lần đầu tiên lại có người đứng đầu Lầu Năm Góc thăm Bắc Kinh. Trong thứ Tư (27/6), Tướng Mattis dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa (Wei Fenghe).
Vào cuối ngày thứ Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khả năng sẽ đối thoại với các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc, trong đó có thể sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chuyến thăm của Tướng Mattis tới Trung Quốc lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung đang nổi sóng cả ở vấn đề thương mại và an ninh. Hai nước đang leo thang chiến tranh thuế quan. Mỹ lên án Trung Quốc quân sự hóa biển Đông, hủy lời mời Bắc Kinh tham gia tập trận hải quân RIMPAC 2018, trong khi Trung Quốc nghi ngờ Washington đang muốn thúc đẩy Đài Loan tuyên bố độc lập chính thức.
Trao đổi với báo giới trước chuyến công du, Tướng Mattis nói rằng ông tìm kiếm “đối thoại mở” với Trung Quốc.
“Bây giờ tôi muốn tới đó, cơ bản không với ý định gây tổn hại quan hệ song phương vào thời điểm này… Tôi sẽ tới đó để đối thoại”, ông Mattis nói.
Ngoại giới đánh giá chuyến thăm này của Tướng Mattis có thể giúp hai nước Mỹ – Trung tìm ra cách giải quyết các vấn đề còn bất đồng.
Theo tờ Hoa Nam Buổi Sáng (Hồng Kông), có một số vấn đề quan trọng có thể được Tướng Mattis đưa ra thảo luận cùng các quan chức quốc phòng và nhà nước Trung Quốc:
Trung Quốc quân sự hóa biển Đông
Mỹ trước nay luôn phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc quân sự hóa biển Đông – một tuyến hàng hải quốc tế quan trọng với lưu lượng vận tải hàng năm khoảng 3,4 nghìn tỷ USD.
Đầu tháng Sáu này, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore – một diễn đàn an ninh khu vực Châu Á, Tướng Mattis đã chỉ trích việc Bắc Kinh quân sự hóa biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gọi việc Trung Quốc triển khai lắp đặt các hệ thống vũ khí trên các hòn đảo nhân tạo họ chiếm đóng là “vì mục đích đe dọa và áp bức”. Tướng Mattis nhấn mạnh Mỹ sẽ “đấu tranh mạnh mẽ” với Trung Quốc khi cần thiết.
Tàu chiến và máy bay Mỹ đã thực hiện nhiều hoạt động “tự do hằng hải” gần các đảo và bãi đá Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Chế độ Bắc Kinh gọi hoạt động này của Mỹ là hành động khiêu khích có chú ý.
Đặc biệt, Mỹ đã hủy lời mời Trung Quốc tham gia tập trận hải quân đa phương Thái Bình Dương (RIMPAC 2018) với lý do Bắc Kinh quân sự hóa trái phép biển Đông. Cuộc tập trận mà Bắc Kinh đã tham gia hai lần gần nhất trong các năm 2014 và 2016, sẽ chính thức được kích hoạt vào thứ Tư 27/6 (giờ Mỹ) gần Hawaii.
Vấn đề quan hệ với Đài Loan
Khi Tướng Mattis đáp máy bay xuống Bắc Kinh, cũng là thời điểm truyền thông nhà nước Trung Quốc loan báo các đội tàu chiến Trung Quốc đang tổ chức diễn tập hàng ngày trong hơn một tuần qua trên vùng biển gần đảo Đài Loan và không lực Trung Quốc cũng diễn tập thường xuyên gần lãnh thổ của hòn đảo tự trị này.
Đó là hoạt động đẩy mạnh đe dọa quân sự Đài Loan của chính quyền Đại lục trong vài tháng gần đây. Trước động thái đó của Trung Quốc, chính phủ Mỹ cũng đã thể hiện rõ quan điểm tiếp tục cam kết mối quan hệ quân sự gần gũi với Đài Bắc.
Washington đã tuyên bố rằng họ sẽ giúp chính phủ của Tổng thống Thái Anh Văn cải thiện khả năng tự vệ thông qua việc phê duyệt nhiều gói bán vũ khí hơn. Thượng viện Mỹ gần đây cũng đã thông qua Đạo luật Trao quyền Phòng vệ Quốc gia 2019, trong đó cho phép lính Mỹ tham gia vào các cuộc tập trận chiến tranh thường niên của Đài Loan. Lầu Năm Góc cũng thông báo họ đang xem xét điều tàu chiến tuần tra qua Eo biển Đài Loan.
Chế độ Bắc Kinh luôn lặp lại tuyên bố Đài Loan là tỉnh ngoài khơi xa của họ và họ sẽ dùng vũ lực để thống nhất hòn đảo này vào Đại lục nếu cần.
Vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Hàn
Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim hôm 12/6 đã ra được tuyên bố chung, trong đó Bắc Hàn tiếp tục khẳng định cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên.
Chế độ Bình Nhưỡng cũng đang có những động thái tích cực khi dừng tuyên truyền chống Mỹ, không tổ chức mít-tinh chống Mỹ và chuẩn bị trao trả hàng trăm hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Tuy nhiên, Bắc Hàn vẫn chưa đưa ra các thông tin, lịch trình chi tiết về thực hiện phi hạt nhân hóa và mọi việc vẫn đang ở chế độ chờ các bên đàm phán chi tiết.
Trong bối cảnh đó, quan hệ Bắc Hàn – Trung Quốc lại được đẩy mạnh gần gũi hơn. Ông Kim Jong-un vừa có chuyến thăm Trung Quốc lần thứ ba trong vòng ba tháng để tiếp kiến Chủ tịch Tập Cận Bình. Ngoại giới nhận định rằng, ông Kim gặp ông Tập ngay sau thượng đỉnh Trump-Kim là để “báo cáo” về kết quả hội đàm và tìm kiếm sự ủng hộ của chế độ Bắc Kinh.
Vai trò của Trung Quốc trong vấn đề Bắc Hàn vẫn rất trọng yếu. Chính phủ Trump biết rõ điều này và việc Tướng Mattis sang thăm Bắc Kinh lần này cũng là để Washington thăm dò ý định của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Bắc Hàn.
Hùng Cường
Xem thêm:
Từ khóa Đài Loan biển Đông Quan hệ Mỹ - Trung Bắc Hàn James Mattis Bộ Quốc phòng Mỹ