“Người khổng lồ” trong giới tài chính Mỹ, ông George Soros hôm 6/9 đã viết một bài báo chỉ trích khoản đầu tư của tập đoàn BlackRock vào Trung Quốc. Ông cho rằng hành động này gây rủi ro cho quỹ khách hàng và lợi ích an ninh của Mỹ. Ngay hôm sau,tập đoàn BlackRock đã phản hồi phủ nhận chỉ trích.

shutterstock 1039128103
Tỷ phú George Soros (Ảnh: Alexandros Michailidis/ Shutterstock)

Gần đây, ông Soros đã có nhiều bài tập trung chống lại đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc dưới chế độ toàn trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), dù trong quá khứ ông từng ca ngợi Trung Quốc có “chính phủ điều hành tốt hơn Mỹ”.

Hôm thứ Hai (6/9), ông Soros đã có bài trên Wall Street Journal chỉ trích tập đoàn quản lý tài sản đầu tư lớn nhất thế giới BlackRock, cho rằng “hiện nay đầu tư hàng tỷ đô la vào Trung Quốc là sai lầm bi thảm”, “rất có thể khiến khách hàng của BlackRock phải chịu thua lỗ… và làm tổn hại đến lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và các nền dân chủ khác”.

Vào ngày 30/8 năm nay, tập đoàn BlackRock trụ sở chính tại New York đã trở thành công ty quản lý tài sản nước ngoài đầu tiên được phép vận hành và quản lý các sản phẩm đầu tư như quỹ tương hỗ (Mutual Fund) tại Trung Quốc và cung cấp các sản phẩm đầu tư cho cá nhân tại Trung Quốc.

Hai tháng trước, BlackRock đã được chấp thuận để bắt đầu kinh doanh quỹ tương hỗ thuộc sở hữu hoàn toàn ở Trung Quốc. Sau đó, BlackRock thông báo cho khách hàng của họ về việc đầu tư vào Trung Quốc và sẽ bơm hàng tỷ đô la vào Trung Quốc.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành BlackRock, ông Larry Fink đã viết trong một bức thư gửi cổ đông: “Thị trường Trung Quốc là cơ hội quan trọng cho giới đầu tư Trung Quốc và quốc tế thực hiện mục tiêu dài hạn”.

Theo thông tin, khách hàng của BlackRock được biết đến phần lớn là các loại quỹ hưu trí khác nhau.

Phản hồi của tập đoàn BlackRock

Đáp lại bài chỉ trích của Soros, vào thứ Ba (7/9), tập đoàn BlackRock cho biết, “Mỹ và Trung Quốc có mối quan hệ kinh tế rất lớn và phức tạp”, ĐCSTQ “đang thực hiện các biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng hưu trí đang dần nghiêm trọng hơn”, trong khi BlackRock có thể giúp Trung Quốc “đối phó với thách thức này bằng cách cung cấp… chuyên môn, sản phẩm và dịch vụ về hệ thống hưu trí”.

Đối với chỉ trích của Soros về khoản đầu tư mà BlackRock đang triển khai vào Trung Quốc “sẽ trợ giúp ĐCSTQ”, người phát ngôn của BlackRock trả lời: “Chúng tôi tin rằng một thị trường tài chính tích hợp toàn cầu sẽ cung cấp cho mọi cá nhân, công ty và chính phủ khả năng tiếp cận vốn tốt hơn và hiệu quả hơn, sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của toàn thế giới”.

 

Bài viết của Soros nói gì về ĐCSTQ và BlackRock

Bài bình luận của nhà đầu tư Soros công bố hôm thứ Hai chỉ ra, có vẻ như tập đoàn BlackRock đã hiểu lầm về Trung Quốc, đã tin vào ngôn từ mà nhà cầm quyền ĐCSTQ nói về việc phân biệt doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân.

Soros cho biết họ coi tất cả các công ty Trung Quốc là “công cụ của một nhà nước độc Đảng”. Ông cũng cho rằng một lý do khác khiến tập đoàn BlackRock hiểu lầm là họ tin rằng việc tham gia vào thị trường tài chính Trung Quốc đã trong tình trạng phong bế có thể kiếm được lợi nhuận đáng kể.

Nhưng ông cảnh báo:

“Các nhà quản lý quỹ của BlackRock phải biết rằng thị trường bất động sản Trung Quốc đang tiềm ẩn một cuộc khủng hoảng lớn. Họ có thể tin quỹ đầu tư đổ vào Trung Quốc sẽ giúp Tập Cận Bình đối phó với tình hình này, nhưng vấn đề của Tập Cận Bình còn sâu xa hơn thế này”.

“Tỷ lệ sinh của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với số liệu chính thức, còn những nỗ lực tăng tỷ lệ sinh của ông Tập Cận Bình đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn”.

“Gần đây, ông Tập Cận Bình cũng đề xuất ‘thịnh vượng chung’, đây là một thay đổi cơ bản trong việc giảm bất bình đẳng theo hướng phân phối tài sản của người giàu cho những người bình thường, nhưng điều này không phải dấu hiệu tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài”.

Cuối cùng, ông Soros kết luận, về đạo nghĩa thì mối quan hệ trước đây giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc là hợp lý, vì họ đang xây dựng cầu nối giữa hai nước, nhưng tình hình hiện tại hoàn toàn khác: “Ngày nay Mỹ và Trung Quốc đang xung đột sinh tử giữa hai hệ thống quản trị: hệ thống đàn áp và hệ thống dân chủ”.

Trước tình hình, ông Soros kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua luật cho phép Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) hạn chế dòng tiền đến Trung Quốc, để không hỗ trợ cho chế độ hiện tại của Trung Quốc đang đàn áp trong nước và xâm lược ở nước ngoài. Ông cho rằng nỗ lực này cần nhận được sự ủng hộ của các bên.

“Người khổng lồ” trong giới tài chính Mỹ, ông George Soros là người sáng lập Quỹ Xã hội Mở (the Open Society Foundations), một trong những nhà tài trợ lớn nhất của cánh tả Mỹ, và được biết đến như là người đi đầu của chủ nghĩa tiến bộ quốc tế, đồng thời ông cũng là người ủng hộ nhiệt thành của Đảng Dân chủ và Tổng thống Biden.

Ngay từ giữa tháng Tám, tỷ phú này đã có động thái hiếm thấy khi công bố bài chỉ trích ông Tập Cận Bình. Về vấn đề này, nhà văn phe bảo thủ Jim Geraghty tuyên bố rằng mặc dù những người bảo thủ có nhiều lý do để phản đối và không tin tưởng ông Soros, nhưng cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ có thể dần dần đạt được đồng thuận trong nhận thức chế độ độc tài của Trung Quốc là nguy cơ nghiêm trọng đe dọa nhiều mặt.

Tử Vi, Epoch Times

Xem thêm: