Ukraine kiên định muốn gia nhập NATO bất chấp ý kiến của chính quyền Trump
- Nhật Tân
- •
“Chúng tôi muốn trở thành thành viên NATO. Chúng tôi sẽ là quốc gia thành viên NATO,” Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Umerov khẳng định, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth chính thức bác bỏ khả năng Ukraine gia nhập khối liên minh quân sự lớn nhất hành tinh này và cho rằng khả năng đòi lại phần đất đã bị Nga sáp nhập là không thực tế. “Truy cầu ảo tưởng phi thực tế sẽ chỉ làm kéo dài chiến tranh và gây thêm nhiều đau khổ,” ông Hegseth nhận định.
Mỹ, kể cả từ thời chính quyền Joe Biden, đã nhiều lần có tín hiệu khi mờ khi tỏ rằng Ukraine là sẽ không gia nhập NATO, nhưng cuối cùng thì hôm Thứ Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã tuyên bố việc này tại cuộc họp của UDCG (Nhóm Liên lạc Phòng thủ Ukraine). Có thể nói đây là lần đầu tiên chính quyền Mỹ chính thức nói rõ ràng đến như vậy.
“Chúng ta chỉ có thể kết thúc cuộc chiến tranh đầy thảm họa này và thành lập một hòa bình ổn định bằng cách kết hợp giữa sức mạnh đồng minh với sự đánh giá mang tính thực tế về tình trạng tại chiến trường,” Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth tuyên bố.
“Chúng tôi, cũng như các bạn, muốn một Ukraine đảm bảo chủ quyền và thịnh vượng. Nhưng mà, chúng ta phải bắt đầu từ việc nhận ra rằng quay trở lại đường biên giới trước năm 2014 là mục tiêu không có tính thực tế. Truy cầu ảo tưởng phi thực tế sẽ chỉ làm kéo dài chiến tranh và gây thêm nhiều đau khổ.”
“Một nền hòa bình ổn định lâu dài cho Ukraine phải bao gồm các bảo đảm an ninh mạnh mẽ để đảm bảo rằng chiến tranh sẽ không bắt đầu lại.”
“Đây không thể nào là Minsk phiên bản 3.0.”
“Đã nói như vậy thì Mỹ không tin rằng thành viên NATO cho Ukraine sẽ là một kết quả thỏa thuận khả khi đàm phán.”
Trong bài phát biểu, ông Hegseth cũng tuyên bố Châu Âu phải có trách nhiệm hơn nữa trong vấn đề chiến tranh Ukraine, các thành viên NATO ở Châu Âu cũng phải tăng ngân sách chi cho quân sự lên 5% GDP trở lên, như Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đề xuất.
Bên cạnh lập trường rằng Ukraine sẽ không là thành viên của NATO, ông Bộ trưởng Mỹ còn lập luận rằng, nếu cần có hoạt động giữ gìn hòa bình ổn định ở Ukraine, thì nó sẽ được thực hiện ngoài cơ chế NATO, ngoài phạm vi điều 5 (cơ chế phòng thủ chung), khẳng định Mỹ sẽ không đưa quân vào Ukraine.
“Nếu có quân đội tiến vào Ukraine vào bất kỳ thời điểm nào [trong tương lai] với tư cách lực lượng gìn giữ hòa bình, thì nên được triển khai như một phần của nhiệm vụ nằm ngoài NATO. Và không nên được bảo đảm theo Điều 5 [của NATO], và phải có sự giám sát quốc tế mạnh mẽ qua các kênh liên lạc.”
“Nói rõ ra như thế này, sẽ không có quân đội Mỹ được triển khai đến Ukraine như một phần của bất kỳ bảo đảm an ninh nào.”
Truyền thông Ukraine nhận định rằng trong lần gặp mặt này của UDCG, chính quyền mới của Mỹ sẽ khác với những lần trước: sẽ không có cung cấp thêm bất kỳ gói viện trợ quân sự nào cho chính quyền Kiev.
Bình luận về sự việc này với phóng viên tại Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov tỏ ý coi nhẹ tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, và nói rằng Ukraine vẫn kiên trì các nỗ lực gia nhập NATO của mình.
“Chúng tôi đã quen với các tuyên bố loại đó rồi mà,” ông Umerov nói, theo truyền thông Ukraine đưa tin. “Lập trường của [Ukraine] chúng tôi là bất biến. Chúng tôi muốn trở thành thành viên NATO. Chúng tôi sẽ là quốc gia thành viên NATO.”
Theo ông, tiền bạc và súng đạn mà chính quyền Joe Bien gấp rút chuyển cho Kiev trước khi mãn nhiệm là vẫn đủ dùng cho chiến tranh một thời gian. Đây là điều đã được giới truyền thông đoán trước từ lâu.
“Chúng tôi đang duy trì khả năng phòng thủ của mình, và chúng tôi có thể làm được như vậy,” ông Umerov nói.
Theo ông, thì Ukraine vẫn có được những đồng minh ủng hộ, và vẫn có thể tiếp tục theo đuổi mục đích của mình, đồng thời ám chỉ rằng tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ là mang tính “chính trị” và không nên bị nó ảnh hưởng.
“Chúng tôi có các ưu tiên của riêng mình, và chúng tôi sẽ đi tới kết luận cùng nhau giữa những người của chúng tôi,” ông Umerov trả lời phóng viên, và nói rằng cuộc họp UDCG là tập trung vào cái mà ông gọi là hỗ trợ phòng thủ, còn “tất cả những vấn đề chính trị đều sẽ không được thảo luận bởi các bộ trưởng quốc phòng” của các quốc gia tham gia cuộc họp.
Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bác bỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO, thì Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey vẫn tiếp tục kiên trì Ukraine gia nhập NATO.
Hồi đầu tháng này, Keith Kellogg, đặc phái viên về vấn đề Ukraine của Tổng thống Donald Trump, đã nói với Reuters rằng bầu cử tổng thống Ukraine “sẽ phải được tiến hành”, muộn nhất là sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Dù sao thì nhiệm kỳ tổng thống của Volodymyr Zelensky đã kết thúc từ năm ngoái.
Nhưng mà, sau đó Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lập luận rằng muốn bầu cử thì phải dừng thiết quân luật, mà dừng thiết quân luật thì ông sẽ mất quân đội, và tất cả sẽ có lợi cho người Nga. Ông tuyên bố rằng “dân chúng chúng tôi phản đối bầu cử, tất cả mọi người đều phản đối.”
- Việc NATO mở rộng về phía Đông đã được Mỹ thảo luận từ những năm 1994 khi Nga còn rất yếu, và cũng là từ lâu trước khi Vladimir Putin lên làm tổng thống. Như trong video dưới đây (1994), Cựu Đại sứ Mỹ Jack Matlock đã cho rằng Nga sẽ coi việc mở rộng NATO về phía Đông là uy hiếp đến an ninh của mình. Đề xuất Ukraine gia nhập NATO được đưa ra năm 2008 thời chính quyền Bush, nhưng cho đến nay, nó chưa trở thành hiện thực. Phía Nga cho rằng trong suốt thời gian qua, phương Tây đã dùng chiêu bài gia nhập NATO/EU để tiến hành chiến tranh ủy nhiệm chống Nga.
Nhật Tân
Từ khóa Dòng sự kiện Chiến tranh Nga - Ukraine
![](https://trithucvn2.net/wp-content/themes/trithucvn_v2/images/ajax-loader.gif)