Khi được phóng viên hỏi “ông có sẵn lòng tiến hành bầu cử [tổng thống] ở quốc gia trước khi đàm phán hòa bình không?” thì Tổng thống Zelensky giải thích rằng nếu muốn tiến hành bầu cử thì phải bỏ thiết quân luật, mà “nếu dừng lại thiết quân luật, thì chúng tôi sẽ mất quân đội… Nga sẽ vui mừng.”

Phản ứng trước chất vấn liên quan tới tư cách đại biểu cho quốc gia để đàm phán khi truyền thông Nga bình luận ông Zelensky kỳ thực đã không còn là tổng thống hợp pháp nữa, vì lẽ ra Ukraine đã thay tổng thống vào năm ngoái rồi, thì ông Zelensky nói rằng đó là vì “[Nga] họ muốn có một tổng thống bù nhìn, mà Ukraine là độc lập… Ukraine chọn tổng thống của mình, người bảo vệ quyền lợi của Ukraine và người Ukraine. Mà tôi là bảo vệ họ chừng nào mà tôi còn ở cương vị [tổng thống] này… Trong thời chiến, dân chúng chúng tôi phản đối bầu cử, tất cả mọi người đều phản đối.”

Ông tỏ ý tiếc vì phương Tây đã không đủ quyết tâm trong thời gian qua khi ủng hộ Kiev trong sự nghiệp “cản bước Putin.” Ông nói: “Điều làm tôi bị sốc là qua tận những 3 năm trời, mà cả thế giới vẫn không thể cản bước Putin… Điều đó làm tôi kinh ngạc. Đây không phải là vì không đủ năng lực, mà là thất bại vì thiếu quyết tâm!”

250210Zelensky
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ‘giải thích’ rằng nếu muốn bầu cử tổng thống thì phải bỏ thiết quân luật, mà nếu thế thì Ukraine sẽ mất quân đội, và Nga sẽ vui mừng (ảnh từ video)

Phóng viên Emma Murphy của đài truyền hình Anh quốc ITV hỏi (phút 19:27): “Về, e hèm, dân chúng Ukraine, những người mà ông nói là ông đang đại biểu cho ấy, e hèm, thì có một vấn đề mà phía Nga vẫn nhiều lần nêu ra, đó là rằng cần có bầu cử [tổng thống] ở nước [Ukraine] này, và rằng bây giờ ông đã không còn là người lãnh đạo hợp lệ nữa. Vậy ông có sẵn lòng tiến hành bầu cử [tổng thống] ở quốc gia trước khi đàm phán hòa bình không?”

Ông Zelensky hỏi lại “Ai nói thế?” và tự trả lời bằng câu hỏi và cười khẩy rằng “Người Nga phải không?”

Sau đó ông giải thích rằng luận điệu đòi bầu cử là từ phía Nga, rằng đó là Nga muốn gây bất ổn cho Ukraine. Theo ông Zelensky lập luận, nếu hiện nay Ukraine mà tiến hành bầu cử tổng thống, thì sẽ có những điều không hay xảy ra, rằng dân chúng sẽ không đồng ý, rằng sẽ “mất đi quân đội”, v.v.

Từ cuối 2023, vấn đề tiến hành bầu cử tổng thống Ukraine theo đúng lịch trình đã được nhắc tới. Ngay cả Thượng nghị sỹ Mỹ Linsey Graham, người ủng hộ chính quyền Kiev cực mạnh và cũng là người bị Nga liệt vào danh sách bị truy nã, cũng nhắc nhở ông Zelensky nên tiến hành bầu cử, để đảm bảo chuẩn mực tự do dân chủ. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden bấy giờ vẫn nói rằng Mỹ can thiệp vào chiến tranh Ukraine là vì để bảo vệ tự do dân chủ. Các vấn đề như khai thác tài nguyên ở Ukraine lúc đó không được nói trắng ra và thẳng ra như hiện nay vào thời Tổng thống Donald Trump.

Cuối tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi nói về đàm phán hòa bình, đã bày tỏ mối quan ngại về tính hợp pháp của ông Zelensky, rằng sau này Ukraine và phương Tây có thể lật lọng và không thừa nhận những gì mà ông Zelensky ký vào hòa ước, nếu có, vì kỳ thực ông ta không còn là tổng thống hợp pháp, không còn đại biểu cho ý chí của nhân dân Ukraine.

Theo ông Zelensky, thì tất cả chỉ là lập luận của Nga, và đó là để “gây bất ổn” cho Ukraine. Theo ông thì nhân dân Ukraine không muốn bầu cử bây giờ, còn cá nhân ông thì “tuyệt đối không sợ.”

“[Nga] họ muốn có một tổng thống bù nhìn, mà Ukraine là độc lập… Ukraine chọn tổng thống của mình, người bảo vệ quyền lợi của Ukraine và người Ukraine. Mà tôi là bảo vệ họ chừng nào mà tôi còn ở cương vị [tổng thống] này… Trong thời chiến, dân chúng chúng tôi phản đối bầu cử, tất cả mọi người đều phản đối,” ông Zelensky nói. “Bầu cử sao? Hôm nay, tôi không tuyệt đối không sợ nó! Chỉ là những gì sẽ xảy ra [nếu tiến hành bầu cử]? Chúng tôi sẽ phải kết thúc thiết quân luật, hoặc là tạm ngưng thiết quân luật. Mà nếu dừng lại thiết quân luật, thì chúng tôi sẽ mất quân đội. Về lý mà nói thế thì Nga sẽ vui mừng.”

Ông Zelensky phân tích rằng nếu chấm dứt thiết quân luật, thì “binh lính sẽ về nhà, và họ chính là có quyền được giải ngũ hồi gia. Về tinh thần chiến đấu, thì kể cả những ai không về nhà, thì tinh thần chiến đấu cũng bị ảnh hưởng. Đấy, tinh thần chiến đấu! Bị đình trệ. Và người Nga chắc chắn sẽ lợi dụng điều đó để phản công.”

Ukraine đã lâm vào chiến hỏa 11 năm rồi, kể từ 2014 khi nội chiến bùng phát với lý do đảo chính diễn ra ở Kiev dẫn đến một số tỉnh phía Đông và phía Nam Ukraine không thừa nhận chính quyền trung ương. Kể từ 2/2022, khi Nga tiến hành cái gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” tại Ukraine, thì Kiev đã triển khai hoạt động cưỡng chế gia nhập quân đội trong tình trạng thiết quân luật toàn quốc.

Theo ông Zelensky, thì nếu tiến hành bầu cử hiện nay, thì những khó khăn về quản lý hành chính sẽ dẫn tới “không công bằng” cho các chiến binh ở tiền tuyến và cho 8 triệu người Ukraine đang tị nạn ở nước ngoài.

Trong cuộc phỏng vấn này với ITV, kênh truyền thông của Anh quốc, quốc gia ủng hộ mạnh mẽ chính quyền Kiev trong sự nghiệp chống Nga, ông Zelensky nhiều lần nói rằng Ukraine cần ủng hộ từ phương Tây, cần “đảm bảo an ninh”“viện trợ kinh tế” nhiều hơn nữa từ phương Tây. Có đoạn ông nói rằng những bảo đảm đó của phương Tây cũng giúp những người Ukraine tị nạn ở nước ngoài sẽ hồi hương cố quốc.

Điều làm tôi bị sốc là qua tận những 3 năm trời, mà cả thế giới vẫn không thể cản bước Putin,” ông Zelensky nói, cho rằng Ukraine lẽ ra nên nhận được nhiều hỗ trợ hơn nữa từ phương Tây trong sự nghiệp chống Nga. “Tức là chặn [Putin] lại, làm chậm lại… đặt ông ta lại vị trí của mình… nhưng thế giới không làm được vậy.”

“Thật lòng mà nói, điều đó làm tôi kinh ngạc. Đây không phải là vì không đủ năng lực, mà là thất bại vì thiếu quyết tâm,” ông Zelensky bình luận. Kể từ 2024, khi tình hình chiến sự ở Ukraine ngày càng trở nên bất lợi, phía Kiev thường đổ lỗi rằng đó là do phương Tây cung cấp không đủ những gì để họ chiến thắng, còn phương Tây thì thường thúc giục rằng lẽ ra Kiev phải hạ tuổi bắt lính để có được nhiều hơn nữa chiến binh xuất trận.

Ông Zelensky cũng nói trong cuộc phỏng vấn rằng ông sẵn sàng nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng mà, ông muốn làm điều đó sau khi có được các bảo đảm từ phương Tây.

Trong chuyến thăm Mỹ vào cuối năm ngoái ngay trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ, ông Zelensky đã nêu cao “kế hoạch chiến thắng” của mình. Kỳ thực, đó không phải là kế hoạch chiến thắng, mà là nỗ lực đàm phán với chính quyền Mỹ về chiến tranh Ukraine. Từ đó trở đi, từ “chiến thắng” khi nói về ông Zelensky (trong bối cảnh không phải truyền thông chính thức) phảng phất đã trở nên có hàm nghĩa mới: nó không phải là nói về chiến thắng theo đúng nghĩa (vì thực tế Ukraine đang thua) mà là nói về chiến tranh.

Trong cuộc phỏng vấn chính thức này, thật bất ngờ là sau khi nghe ông Zelensky nói về việc ông cần nhiều hơn nữa viện trợ từ phương Tây, phóng viên Anh quốc Emma Murphy đã hỏi ông Zelensky câu hỏi này với biểu cảm trên mặt đầy ý tứ như sau (phút 38:00):

Vậy ông là tổng thống vì chiến thắng? Hay là tổng thống vì hòa bình?

Ông Zelensky cười cười một chút, hít sâu một hơi, và nói: “Thật là khó để phân biệt giữa hai điều này, rất là khó trả lời câu hỏi này của bà.”

“Hôm nay chúng tôi là chiến đấu vì hòa bình. Tôi cho rằng đối với nhiều người Ukraine thì hòa bình chính là chiến thắng. Bởi vì tôi thật sự tin rằng vì Putin không thể hoàn toàn chiếm được hết chúng tôi, vậy thì ông ta đã thua rồi.

Phương Tây và Kiev thường xuyên nói rằng nguyên nhân của chiến tranh Ukraine là do dã tâm bá quyền nước lớn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người nuôi mộng tái hiện Đế Chế Nga. Phía Nga nhiều lần bác bỏ luận điểm ấy, và nói rằng mục đích của “hoạt động quân sự đặc biệt” của họ là để bảo vệ an ninh cho chính họ.

“Vì thế tại sao việc cung cấp bảo đảm an ninh cho chúng tôi để chặn Putin lại là vô cùng quan trọng,” ông Zelensky nói. “Đó là tại sao mà đối với nhiều người [Ukraine] chúng tôi, thì hòa bình sẽ là chiến thắng của Ukraine.”

Nhật Tân