Hội nghị thượng đỉnh lần 2 về “công thức hòa bình” Zelensky sẽ không diễn ra vào tháng 11 như dự kiến, theo cố vấn chánh văn phòng tổng thống Ukraine thông báo. Kể từ hội nghị lần 1, phía Nga đã cho rằng đây không phải là hội nghị vì hòa bình, mà là nỗ lực vận động ngoại giao gây sức ép cho Nga.

240925ZelenskyUNSC
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Hội đồng Bảo an LHQ, 24/9/2024 (ảnh cắt từ video)

Lần thứ nhất của hội nghị này là vào tháng 6 tại Thụy Sỹ, chủ đề xoay quanh “công thức hòa bình” 10 điểm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Theo công thức này, Nga phải rút hết quân khỏi Ukraine, trả lại biên giới như năm 1991 thời Ukraine tách riêng ra sau khi Liên Xô tan rã.

Phía Ukraine thông báo rằng, hội nghị lần đầu đã mời được đại biểu hơn 100 nước tham gia, và một số lời kêu gọi như cam kết an ninh hạt nhân, an ninh lương thực, trao trả tù nhân và người dân bị bắt đi gồm cả trẻ em, đã được 78 nước ký kết.

Hội nghị lần 2, theo thông báo của Darya Zarivna, cố vấn của Chánh văn phòng tổng thống, nói cho truyền thông Ukraine hôm Thứ Ba, sẽ không diễn ra vào tháng 11 như dự kiến.

Thông báo không cho biết hội nghị sẽ diễn ra là vào khi nào, nhưng tuyên bố rằng các công tác chuẩn bị cho hội nghị vẫn tiến hành, để sẵn sàng cho một hội nghị như vậy.

Theo cô Zarivna, các thảo luận chuyên đề để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vẫn sẽ tiến hành theo lịch trình, mà theo đó, thảo luận chuyên đề cuối cùng, với chuyên đề tù nhân chiến tranh, con tin, và trẻ nhỏ, vẫn tiến hành theo lịch trình vào 30–31/10. Cô cho biết rằng, sau khi các thảo luận chuyên đề kết thúc, thì vấn đề tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần 2 mới được quyết định.

Phía Nga coi công thức 10 điểm là vọng tưởng của ông Zelensky, bởi vì Nga tin rằng họ đang ở thế thắng lợi trên chiến trường với gần 20% lãnh thổ Ukraine đã được sáp nhập vào bản đồ nước Nga.

Còn nữa, Nga không được mời tham dự vào hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất, đồng thời, Tổng thống Zelensky chưa từng gỡ bỏ một lệnh cấm ở Ukraine, cấm mọi hoạt động đàm phán hòa bình với Nga, cho nên Nga cho rằng đây không phải hội nghị đàm phán hòa bình như cái tên của nó, mà đó là nỗ lực vận động bằng ngoại giao để gây áp lực lên Nga.

Không rõ lần hội nghị thứ 2, nếu có, thì sẽ mời Nga tham dự hay không, nhưng phía Nga đã nói họ sẽ không tham dự. Thay vào đó, Nga đề xuất giải pháp hòa bình theo các điều khoản giống như hòa ước Istanbul dang dở 2022, tức là Ukraine phải là quốc gia trung lập, phi quân sự hóa, ngoài ra, thêm vào đó là Ukraine thừa nhận phần lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập vào thành của mình.

Nhật Tân