Ứng dụng thay thế TikTok, Xiaohongshu/RedNote là gì?
- Thiên Vân
- •
Khi lệnh cấm ứng dụng TikTok được thực thi trước khi Tổng thống Trump nhậm chức đã dẫn đến một làn sóng di cư lớn của những nhà sáng tạo nội dung “tị nạn” từ TikTok chuyển sang các nền tảng mạng xã hội thay thế khác – và đó là một ứng dụng Trung Quốc được đặt tên theo cuốn “Sách Đỏ Nhỏ” của Cựu Chủ tịch Mao Trạch Đông dường như trở thành lựa chọn hàng đầu.
Sổ đỏ nhỏ, với tên gọi Xiaohongshu-小红书 tại Trung Quốc và Sách đỏ (RedNote) tại Hoa Kỳ, một ứng dụng có trụ sở tại Thượng Hải đã nhanh chóng leo lên vị trí số một trong danh mục ứng dụng miễn phí của cửa hàng ứng dụng tuần này khi người dùng mạng xã hội đổ xô rời khỏi TikTok để né tránh lệnh cấm có hiệu lực vào Chủ Nhật, ngày 20 tháng 1.
Chỉ trong vòng hai ngày, hơn 700.000 người dùng mới đã gia nhập Xiaohongshu, theo báo cáo của tờ Reuters hôm thứ Ba (14/1)
Số lượt tải xuống RedNote tại Hoa Kỳ đã tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước và tăng 194% so với tuần trước đó, theo ước tính từ công ty nghiên cứu dữ liệu ứng dụng Sensor Tower, tờ Reuters cho biết.
Tuy nhiên, với sự gia tăng nhanh chóng về mức độ phổ biến, một nhà lập pháp hàng đầu về vấn đề Trung Quốc tại Quốc hội Hoa Kỳ đã đưa ra một lời cảnh báo nghiêm khắc, vị chính trị gia này lo ngại rằng mối liên hệ rõ ràng của ứng dụng này với Trung Quốc có thể gây nguy hiểm cho người dùng Hoa Kỳ.
“Cuốn Sách Đỏ Nhỏ của Chủ tịch Mao từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng văn hóa cộng sản của Trung Quốc, dẫn đến cái chết bi thảm của hàng chục triệu công dân Trung Quốc. Ngày nay, một ứng dụng Trung Quốc cùng tên [đang tìm cách] trở thành TikTok tiếp theo – với sự kiểm soát của Trung Quốc“, ông John Moolenaar, Chủ tịch Ủy ban Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), phát biểu với Fox Business.
RedNote là gì?
Theo mô tả trên cửa hàng ứng dụng gọi Xiaohongshu/RedNote là “một nền tảng phong cách sống truyền cảm hứng, giúp người dùng khám phá và kết nối với những phong cách sống đa dạng“. Ứng dụng này tuyên bố có hơn 300 triệu người dùng hàng ngày và hoạt động tương tự như Instagram hoặc Pinterest, cho phép người dùng đăng bài viết, hình ảnh hoặc nội dung video ngắn.
Được thành lập như một công ty khởi nghiệp vào năm 2013, Xiaohongshu hiện được xem là công cụ tìm kiếm hàng đầu tại Trung Quốc cung cấp các gợi ý về các chủ đề phổ biến như làm đẹp, thời trang, du lịch và ẩm thực, theo tờ Reuters.
Người dùng có thể tham gia thảo luận, chia sẻ bài đăng của nhau, gọi điện và mua sắm. Gần đây, nền tảng này đã đẩy mạnh hoạt động bán hàng qua livestream.
Hiện tại không có phiên bản quốc tế của ứng dụng, vốn sử dụng tiếng Quan Thoại. Ứng dụng này thuộc sở hữu và được điều hành bởi công ty Xingyin Information Technology, một công ty Trung Quốc. Mặc dù người dùng có thể thay đổi ngôn ngữ của ứng dụng, phần lớn nội dung vẫn là tiếng Quan Thoại.
Xiaohongshu được đồng sáng lập vào năm 2013 tại Thượng Hải bởi bà Miranda Qu, Chủ tịch hiện tại, và ông Charlwin Mao, Giám đốc điều hành. Ban đầu được gọi là “Hướng dẫn mua sắm Hong Kong“, ứng dụng này được thiết kế để phục vụ du khách Trung Quốc tìm kiếm các gợi ý mua sắm bên ngoài Trung Quốc đại lục, theo tờ Reuters.
Lo ngại về vấn đề an ninh
TikTok tuyên bố hôm thứ Sáu (17/1) rằng nền tảng này sẽ “dừng hoạt động” vào Chủ Nhật (19/1) sau khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ duy trì một đạo luật lưỡng đảng được thông qua vào năm ngoái, yêu cầu công ty mẹ ByteDance phải thoái vốn khỏi ứng dụng do liên hệ với ĐCSTQ.
Các nhà lập pháp đã bày tỏ lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia rằng Trung Quốc có thể sử dụng ứng dụng để thu thập dữ liệu người dùng hoặc lan truyền các nội dung do nhà nước hậu thuẫn đến người dùng tại Hoa Kỳ.
Ông Moolenaar đã bày tỏ những lo ngại tương tự về RedNote và gợi ý rằng đạo luật được sử dụng để buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok cũng có thể được áp dụng đối với chủ sở hữu của các nền tảng tương tự.
“Các bậc phụ huynh và người sáng tạo nội dung mạng xã hội cần nhận thức rằng ĐCSTQ đang lợi dụng các ứng dụng có trụ sở tại Trung Quốc để giám sát và kiểm duyệt người dân Hoa Kỳ. Tin tốt là Tổng thống Trump có thẩm quyền theo đạo luật TikTok để buộc các ứng dụng khác do ĐCSTQ kiểm soát phải thoái vốn nếu chúng gây rủi ro cho an ninh quốc gia“, ông Moolenaar phát biểu
Xiaohongshu chưa đưa ra phản hồi ngay lập tức trước yêu cầu bình luận.
Những nhà sáng tạo nội dung TikTok đã chuyển sang Xiaohongshu đã cảnh báo người dùng Hoa Kỳ nên thận trọng với các chính sách kiểm duyệt nội dung nghiêm ngặt và sự kiểm soát từ chính quyền Trung Quốc trên nền tảng này.
“Đây là lời nhắn gửi đến những người tị nạn TikTok và người dân Hoa Kỳ: hãy hành xử đúng mực trên ứng dụng này! Các bạn phải hành xử cẩn thận vì mọi người ở Trung Quốc rất tử tế với chúng ta khi chúng ta ‘xâm chiếm’ ứng dụng dễ thương của họ chỉ vì chính phủ của chúng ta không ra gì“, một người dùng Hoa Kỳ tên là Savannah đăng tải trên mạng vào thứ Tư (15/1), theo CBS News.
Nếu lo ngại về TikTok là do ứng dụng thu thập quá nhiều dữ liệu người dùng, thì Xiaohongshu cũng gặp vấn đề tương tự và thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Chính sách quyền riêng tư của RedNote nêu rõ rằng nền tảng này thu thập lượng lớn dữ liệu, bao gồm thông tin nhạy cảm như vị trí của người dùng qua địa chỉ IP, thói quen duyệt web và hơn thế nữa, theo tờ Forbes.
Các điều khoản sử dụng được viết bằng tiếng Quan Thoại, khiến người dùng nói tiếng Anh gặp khó khăn trong việc hiểu rõ.
Ngoài ra, Xiaohongshu phải tuân theo các đạo luật dữ liệu của Trung Quốc, điều này có thể cho phép chính quyền ĐCSTQ tiếp cận dữ liệu người dùng mà không cần tuân thủ các quy định bảo vệ quyền riêng tư như pháp luật Hoa Kỳ yêu cầu.
“Nền tảng này thu thập dữ liệu cá nhân sâu rộng, bao gồm vị trí, hoạt động duyệt web và thông tin thiết bị như địa chỉ IP. Dữ liệu này cũng có thể được chia sẻ với các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba hoặc chính quyền, làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư của người dùng“, chuyên gia an ninh mạng Adrianus Warmenhoven của NordVPN chia sẻ với tờ Forbes.
Dù vậy, một số người dùng TikTok đã bác bỏ các lo ngại này. Cô Kayla Murphy, một nhà sáng tạo nội dung về phong cách sống với hơn 20.000 người theo dõi trên TikTok, nói với CT Insider rằng cô không lo lắng về việc dữ liệu cá nhân bị Trung Quốc thu thập.
“Cá nhân tôi, tôi không lo lắng. Tôi sống một cuộc đời rất trung thực và cởi mở, và tôi không cảm thấy mình có gì để che giấu. Nếu chính phủ Trung Quốc hay Hoa Kỳ muốn biết rằng tôi là một phụ nữ 28 tuổi yêu du lịch, ẩm thực và con mèo Wednesday của tôi, thì cứ để họ biết“, cô Murphy nói.
Cô Murphy cho biết cô sử dụng Google Translate [ứng dụng dịch thuật của Google] để thêm phụ đề tiếng Quan Thoại cho các video của mình trên RedNote, giúp người dùng Trung Quốc theo dõi nội dung của cô.
“Một trong những bài đăng được yêu thích nhất của tôi, với hình ảnh chú mèo Wednesday, có phần giới thiệu đơn giản bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung. Vì nội dung của tôi chủ yếu tập trung vào kể chuyện qua hình ảnh – như du lịch và phong cách sống – nên tôi nghĩ rằng nó sẽ tự nhiên vượt qua rào cản ngôn ngữ“, cô Murphy nói.
Cô Murphy cũng cho biết cô không ngạc nhiên nếu RedNote “trở thành mục tiêu tiếp theo trong cuộc chiến của chính phủ Hoa Kỳ với các nền tảng mạng xã hội”.
“Nó giống như trò chơi đập chuột vậy. Nhưng giới trẻ sẽ luôn tìm ra cách để thích nghi”, cô Murphy nói.
Từ khóa TikTok Xiaohongshu RedNote