Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài do dịch bệnh COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh của không ít người phá sản, họ quyết định đến Mexico rồi hy vọng từ đó nhập cảnh vào Mỹ, họ thành nhóm có số lượng gia tăng nhanh nhất qua con đường này. Năm ngoái, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ báo cáo rằng 37.000 công dân Trung Quốc đã bị bắt vì vượt biên trái phép, gấp 50 lần con số hai năm trước.

GettyImages 1779054084 1
Những người nhập cư Trung Quốc cố gắng vào Mỹ từ Mexico đã bị Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ câu lưu. Cảnh họ ngồi bên đống lửa để sưởi ấm vào ngày 12/11/2023 (Ảnh: Nick Ut/Getty).

Nhiều người Trung Quốc nói rằng họ ra đi để thoát khỏi bầu không khí chính trị ngày càng đàn áp và nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc. Một phụ nữ thông qua một người phiên dịch nói với chương trình “60 Minutes” [của hãng truyền thông Mỹ CBS] rằng, động lực của cô không chỉ là lý do tài chính mà có thể tóm gọn trong một từ: tự do.

Người nhập cư Trung Quốc vào Mỹ như thế nào

Các chính sách của Mỹ nhằm giảm nhập cảnh bất hợp pháp đã không ngăn được những người di cư đang băng qua biên giới Mỹ-Mexico với số lượng chưa từng có. Năm ngoái, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ đã ghi nhận 2,5 triệu vụ bắt giữ hoặc từ chối những người cố gắng nhập cảnh vào Mỹ từ Mexico.

Một điểm xâm nhập là lỗ hổng ở khoảng cách 4 foot với đoạn cuối hàng rào biên giới cách San Diego 60 dặm về phía đông. Những kẻ buôn lậu lái những chiếc xe địa hình men dọc hàng rào biên giới đưa người di cư đến gần địa điểm sơ hở xâm nhập. Trong bốn ngày, nhóm phóng viên “60 Minutes” (của CBS) đã chứng kiến ​​gần 600 người lớn và trẻ em vượt qua lỗ hổng này để vào được đất Mỹ.

Một sinh viên tốt nghiệp đại học cho biết anh phải mất 40 ngày để đi từ Trung Quốc. Anh cho biết, trên đường đến biên giới Mỹ anh đã đi qua Thái Lan, Maroc, Ecuador, Colombia, Panama, Costa Rica và Nicaragua.

Vùng lỗ hổng này là một điểm đến của người nhập cư lậu trên toàn cầu, tại đây rơi rớt đầy các tài liệu du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Với sự giúp đỡ của một phiên dịch, “60 Minutes” đã gặp một số người nhập cư Trung Quốc, bao gồm một giáo viên, một nhân viên ngân hàng, một số chủ doanh nghiệp nhỏ và một công nhân nhà máy.

Không giống như những người di cư đi bộ xuyên Trung Mỹ [khu vực nằm giữa Bắc Mỹ và Nam Mỹ, bao gồm các nước như Guatemala, Belize, Honduras, El Salvador, Nicaragua, Costa Rica và Panama], không ít người di cư lậu vào Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc, họ đến với những chiếc vali kéo, một số người nói họ đã đi bằng máy bay từ Trung Quốc tới tận Mexico.

Nhiều người bay từ Trung Quốc đến Ecuador vì công dân Trung Quốc không cần thị thực để đến đó, sau đó họ bay đến Tijuana. Những người di cư cho biết họ có liên hệ với những kẻ buôn lậu và phải trả 400 USD để được đưa đến vùng biên giới.

Người Trung Quốc đã biết về lỗ hổng này thông qua TikTok. Các bài đăng trên ứng dụng mà “60 Minutes” xem có chia sẻ hướng dẫn từng bước để thuê những kẻ buôn lậu và hướng dẫn chi tiết về các khoảng trống ở biên giới.

Sau khi băng qua cái hố, những người đàn ông đi bộ khoảng nửa dặm dọc theo con đường bụi bặm trước khi xếp hàng chờ các nhân viên Biên phòng Mỹ đến để đầu thú.

Vì sao ngày càng nhiều người nhập cư lậu Trung Quốc vào Mỹ

Trong những năm qua, hàng triệu người Trung Quốc đã vào Mỹ bằng thị thực cho phép họ đến thăm, làm việc hoặc học tập. Nhưng trong vài năm qua, khi căng thẳng giữa hai nước ngày càng gia tăng, việc xin được những thị thực này ngày càng trở nên khó khăn. Năm 2016, Mỹ đã cấp 2,2 triệu thị thực tạm thời cho công dân Trung Quốc, trong khi  vào năm 2022 chỉ còn 160.000 thị thực.

Khi thị thực ngày càng khó xin, nhiều người quay sang biên giới phía nam Mỹ, vượt biên bất hợp pháp và sau đó chờ nhân viên Biên phòng bắt giữ.

Jacqueline Arellano đã sử dụng kỹ năng tiếng Tây Ban Nha của mình trong suốt 8 năm làm tình nguyện ở biên giới, nhưng gần đây cô phải dựa vào các ứng dụng dịch thuật để giao tiếp với những người nhập cư Trung Quốc. Arellano tin rằng việc di chuyển đến các cảng nhập cảnh sẽ an toàn và hiệu quả hơn.

Tại các điểm nhập cảnh hợp pháp, người xin tị nạn có thể yêu cầu một cuộc hẹn để vào Mỹ thông qua ứng dụng di động CBP One. Do hệ thống CBP One bị lỗi, các tình nguyện viên làm việc với người nhập cư cho chúng tôi biết rằng phải đợi từ 3 đến 4 tháng mới có được cuộc hẹn qua ứng dụng.

Khoảng hai giờ sau khi ​​những người di cư vào được Mỹ qua lỗ hổng trên hàng rào biên giới, Đội tuần tra Biên giới đã tới và trao đổi với họ qua ứng dụng bằng tiếng Quan Thoại. Những người di cư đã được gửi đến một trung tâm giam giữ gần Santiago. Khi đến đó, người nhập cư phải trải qua quá trình kiểm tra lý lịch và trong một số trường hợp là phỏng vấn. Thông thường, họ được trả tự do trong vòng 72 giờ và sau đó có thể bắt đầu nộp đơn xin tị nạn.

Theo “60 Minutes” đánh giá qua dữ liệu của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ, ít nhất 36.000 công dân Trung Quốc đã bị tòa án di trú Mỹ ra lệnh rời khỏi đất nước, nhưng Trung Quốc thường từ chối nhận lại công dân và Mỹ không thể buộc nhà cầm quyền Trung Quốc chấp nhận họ.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, năm ngoái có 55% người nhập cư Trung Quốc được cấp tị nạn, trong khi tỷ lệ này đối với người nhập cư từ các nước khác là 14%.

Một người về hưu 75 tuổi tên Schuster sở hữu mảnh đất gần khu lỗ hổng biên giới – khu đất là nơi những người di cư chờ đợi để được Đội tuần tra Biên giới đón. Ông sở hữu 17 mẫu đất ở phía bắc hàng rào biên giới và cách Suối nước nóng Jacumba bang California chỉ 1/4 dặm. Shuster đến Mỹ từ Nam Tư, ông mô tả hành trình nhập cư của ông là đến “từ cửa trước”.

Schuster nói: “Tôi đã gõ cửa, tôi không phải vì muốn đến đây mà phá cửa để vào”.

Dòng người nhập cư đến nơi ở của ông là một trải nghiệm khó chịu đối với ông. Ông cho biết chính quyền không làm gì để giúp đỡ. Schuster nói: “Khi họ đến đây, họ mang theo vali. Họ mang theo máy tính, giống như họ vừa rời tàu du lịch Na Uy ngày hôm qua”.

Rồi ông kể rằng những người nhập cư bắt đầu đến vùng đất của ông từ hồi tháng 5. Khi ông đi tìm hiểu một số khói bốc ra từ khu vực đất của ông, phát hiện những người di cư đốt cây để giữ ấm trong khi chờ Đội tuần tra Biên giới đến đón. Đôi khi việc này có thể mất vài giờ, những có những khi phải mất vài ngày.

Từng có lần ông phải tới cầu xin những người nhập cư đừng đốt cây của ông nữa. Ông nói họ đã bao vây ông nên ông về nhà và lấy một khẩu súng. Schuster cho biết ông bị bắt sau khi bắn chỉ thiên.

“Tôi chỉ đang bảo vệ mảnh đất của mình,” ông nói.

Schuster không bị buộc tội nhưng súng của ông đã bị tịch thu.

Schuster ước tính kể từ đó mỗi tuần có khoảng 3000 người di cư đã đi qua cái hố lỗ hổng biên giới. Vùng đất  của Schuster ngổn ngang rác rưởi và những chiếc lều do người nhập cư để lại. Ông cho biết các quan chức đã biết về lỗ hổng này và yêu cầu ông khắc phục nó.

Schuster nói: “Đó là những gì họ nói, tôi phải gọi đến [nhà chức trách] Washington, D.C.”.

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ cho biết các đặc vụ của họ không có thẩm quyền ngăn chặn người dân đi qua những khoảng trống như những khoảng trống gần nhà Schuster, họ chỉ có thể bắt giữ những người nhập cư sau khi họ xâm nhập bất hợp pháp. Về việc bịt lỗ hổng này, cơ quan này cho biết nằm trong danh sách ưu tiên của họ nhưng cần nguồn tài trợ từ Quốc hội.

Lộ Khắc, Vision Times

Xem thêm: