Ủy ban đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt yêu cầu gia nhập NATO của Thụy Điển
- Vy An
- •
Hôm thứ Ba (26/12), Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê duyệt yêu cầu gia nhập NATO của Thụy Điển sau 19 tháng trì hoãn do Ankara đòi hỏi một số nhượng bộ liên quan đến an ninh từ Stockholm.
Sau 4 giờ tranh luận, Ủy ban đối ngoại, được kiểm soát bởi Đảng AK cầm quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan, đã bỏ phiếu ủng hộ yêu cầu gia nhập NATO mà Thụy Điển đệ trình vào năm ngoái khi đối mặt với cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Bước tiếp theo là một cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Quốc hội, nơi Đảng của ông Erdogan cũng chiếm đa số. Cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ được tổ chức trong vòng vài tuần.
Người đứng đầu Ủy ban đối ngoại, ông Fuat Oktay, đã dập tắt kỳ vọng về một cuộc bỏ phiếu nhanh chóng trong Đại hội đồng. Ông nói với các phóng viên: “Quyết định nộp nó (yêu cầu gia nhập NATO của Thụy Điển) cho Đại hội đồng đã được đưa ra ngay bây giờ, nhưng điều này không nên được hiểu như (một dấu hiệu) rằng nó sẽ được thông qua tại Đại hội đồng với tốc độ nhanh như vậy. Không có điều đó đâu.”
Đảng AK của ông Erdogan, các đồng minh MHP theo chủ nghĩa dân tộc, và phe đối lập chính CHP đã bỏ phiếu ủng hộ việc phê chuẩn, trong khi đảng Islamist Felicity nhỏ và đảng dân tộc chủ nghĩa Iyi đã bỏ phiếu chống.
Sau khi nhận được sự chấp thuận của Ủy ban đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết Thụy Điển hoan nghênh động thái này và mong muốn được gia nhập NATO.
Ông Boris Ruge, Trợ lý Tổng thư ký NATO về các vấn đề chính trị và chính sách an ninh, tuyên bố trên nền tảng xã hội X rằng sự chấp thuận của Ủy ban là một “tin tức tuyệt vời”.
Sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ
Vào tháng 5/2022, ông Erdogan đã phản đối cả hai yêu cầu gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, cáo buộc các quốc gia này đang bảo vệ những kẻ mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là khủng bố. Lý do còn liên quan đến các lệnh cấm vận thương mại quốc phòng của hai nước.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn yêu cầu gia nhập của Phần Lan vào tháng Tư, nhưng vẫn khiến Thụy Điển tiếp tục chờ đợi cho đến khi nước này thực hiện nhiều biện pháp hơn để trấn áp các thành viên địa phương của Đảng Công nhân Kurdistan (PKK), mà Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ cũng liệt kê là một nhóm khủng bố.
Đáp lại, Stockholm đã giới thiệu một dự luật chống khủng bố mới.
Thụy Điển và các thành viên NATO gồm Phần Lan, Canada và Hà Lan cũng thực hiện nhiều biện pháp để nới lỏng các chính sách xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù một thành viên NATO khác là Hungary cũng không phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn được xem là rào cản chính.
Ông Erdogan đã gửi yêu cầu của Thụy Điển tới Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng Mười, tuy nhiên cũng đã liên kết việc phê chuẩn cuối cùng với việc Mỹ chấp thuận bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Sau một cuộc gọi với Tổng thống Mỹ Biden trong tháng này, ông Erdogan nói rằng Washington đang để mắt đến việc chấp thuận yêu cầu.
Nhà Trắng ủng hộ việc mua bán, mặc dù không có khung thời gian rõ ràng để Quốc hội Hoa Kỳ phê duyệt thương vụ này và Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đối mặt với một số phe đối lập của Quốc hội về việc trì hoãn mở rộng NATO và hồ sơ nhân quyền của nước này.
Chính sách ngoại giao cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ trong 18 tháng qua đã khiến một số thành viên liên minh khó chịu trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine. Không giống như các đồng minh của mình, Ankara duy trì mối quan hệ tốt với cả Moscow cũng như Kyiv, phản đối cuộc xâm lược của Nga nhưng cũng phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Từ khóa Thổ Nhĩ Kỳ Dòng sự kiện Thụy Điển gia nhập NATO quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây