Ủy ban Quốc hội về lễ nhậm chức tổng thống chưa xác nhận Biden là tổng thống đắc cử
- Xuân Thành
- •
Ủy ban Quốc hội Hỗn hợp về Lễ nhậm chức (JCCIC) hôm 8/12 đã không thể thông qua nghị quyết xác nhận ông Joe Biden là tổng thống đắc cử. Các ủy viên của Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu bác bỏ nghị quyết này vì cho rằng cuộc bầu cử 2020 chưa thể xác nhận người chiến thắng khi Tổng thống Donald Trump và các thành viên khác của Đảng Cộng hòa vẫn đang tiếp tục theo đuổi các vụ kiện về gian lận bầu cử trên diện rộng.
JCCIC là ủy ban hỗn hợp của Quốc hội Mỹ gồm 6 thành viên chia đều cho hai đảng, chịu trách nhiệm lên kế hoạch về các buổi lễ nhậm chức của tân tổng thống sau mỗi 4 năm.
Trong JCCIC hiện nay có 3 ủy viên Đảng Dân chủ gồm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Lãnh đạo phe Đa số Hạ viện Steny Hoyer và Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar. Ba ủy viên của Đảng Cộng hòa gồm Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Mitch McConnell, Lãnh đạo phe Thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy và Thượng nghị sĩ Roy Blunt.
Trong cuộc bỏ phiếu hôm 8/12, do cả ba ủy viên của Đảng Cộng hòa bỏ phiếu phản đối, nên JCCIC không thông qua được nghị quyết xác nhận ứng viên Joe Biden là tổng thống đắc cử.
Nghị quyết nêu trên do Lãnh đạo phe Đa số Hạ viện Steny Hoyer giới thiệu ra cuộc họp của JCCIC để phê duyệt cho ủy ban được “thông báo tới người dân Mỹ rằng chúng tôi đang chuẩn bị cho buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống thứ 46 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Joseph R. Biden Jr và Phó Tổng thống Kamala Harris, phối hợp với Ủy ban Nhậm chức Tổng thống Biden và các chuyên gia sức khỏe cộng đồng để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người dân Mỹ khi chúng ta theo dõi [buổi lễ] chuyển giao quyền lực này”.
Các ủy viên JCCIC của Đảng Cộng hòa nói rằng họ phản đối nghị quyết bởi vì trước tiên phải hoàn tất các tiến trình liên quan đến bầu cử, rồi sau đó mới đến việc xác nhận tổng thống đắc cử.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Roy Blunt nói trong tuyên bố phát đi sau cuộc họp rằng: “Ủy ban Quốc hội Hỗn hợp về Lễ nhậm chức không có nhiệm vụ vượt trước tiến trình bầu cử và quyết định chúng ta sẽ tổ chức lễ nhậm chức cho ai. JCCIC đang đối mặt với thách thức về việc lập kế hoạch tổ chức các buổi lễ nhậm chức an toàn trong thời đại dịch toàn cầu. Trong tương lai, tôi hy vọng rằng các ủy viên của JCCIC sẽ tuân thủ truyền thống hợp tác lưỡng đảng từ lâu và tập trung vào nhiệm vụ sắp tới”.
Khi trao đổi với báo giới, Lãnh đạo Đa số Thượng viện, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell nhấn mạnh đến việc Cử tri Đoàn sẽ gặp mặt để bầu tổng thống vào ngày 14/12.
“Điều này đã trở thành nghi thức. Cử tri Đoàn sẽ họp vào ngày 14 và tiến hành bỏ phiếu, và chúng ta sẽ tổ chức buổi lễ tuyên thệ của tổng thống tiếp theo vào ngày 20/1”, ông McConnell nói.
Trong khi đó, Lãnh đạo Đa số Hạ viện, Dân biểu Dân chủ Steny Hoyer sau buổi họp của JCCIC đã mạnh mẽ chỉ trích lập trường của các ủy viên Đảng Cộng hòa.
“Việc Đảng Cộng hòa đang từ chối chấp nhận kết quả bầu cử và công nhận ông Joe Biden và bà Kamala Harris là Tổng thống và Phó Tổng thống tiếp theo của chúng ta là ở mức độ đáng kinh ngạc”, ông Hoyer nói với báo giới khi xác nhận ông Biden chưa được JCCIC công nhận là tổng thống đắc cử.
Ông Hoyer cũng nói với tờ The Hill rằng các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đang “bảo vệ cho những cơn giận dữ vô cớ của ông Trump sau bầu cử”.
JCCIC không xác nhận ông Biden là tổng thống đắc cử vào thời điểm cùng ngày với việc Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bác bỏ một đơn kiện của các thành viên Đảng Cộng hòa yêu cầu tòa rút lại các kết quả bầu cử tại bang Pennsylvania.
Trong một diễn biến khác liên quan, ngay trước nửa đêm 7/12 (giờ Mỹ), bang Texas đã đệ đơn kiện trực tiếp lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ để thách thức các thủ tục bầu cử ở các bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin với lý do vi phạm Hiến pháp.
Texas lập luận rằng các bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin đã vi phạm Điều khoản cử tri của Hiến pháp, vì họ đã thực hiện các thay đổi đối với các quy tắc và thủ tục bỏ phiếu thông qua tòa án hoặc thông qua các hành động hành pháp, nhưng không thông qua các cơ quan lập pháp của bang.
Ngoài ra, Texas lập luận rằng có sự khác biệt trong các quy tắc và thủ tục bỏ phiếu ở các quận khác nhau trong tiểu bang, vi phạm Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng của Hiến pháp.
Cuối cùng, Texas lập luận rằng có “sự bất thường trong cuộc bỏ phiếu” ở những bang này do kết quả của những điều trên.
Texas đang yêu cầu Tối cao Pháp viện ra lệnh cho các bang Bị đơn cho phép các cơ quan lập pháp của họ chỉ định các đại cử tri.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Joe Biden Gian lận bầu cử bầu cử Mỹ 2020 Dòng sự kiện