Vì sao Hamas chọn tấn công Israel vào lúc này?
- Bình Minh
- •
Cuộc tấn công chưa từng có của Hamas, nhóm vũ trang Hồi giáo người Palestine, vào Israel đã diễn ra khi nước này đang phải đối mặt với sự chia rẽ mang tính lịch sử về chính trị trong nước. Bạo lực gia tăng ở Bờ Tây. Các cuộc đàm phán cấp cao giữa Israel, Ả Rập Saudi và Hoa Kỳ cũng rất căng thẳng.
Hôm 7/10, phong trào Hồi giáo Hamas của người Palestine đã phát động cuộc tấn công lớn nhất trong nhiều năm qua nhằm vào Israel, giết hơn 600 thường dân và bắt cóc hàng chục người khác.
Hamas tuyên bố, họ đang trả đũa một loạt hành động gần đây của Israel tại Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem, thủ đô của Israel và Bờ Tây sông Jordan.
Nhà nghiên cứu Yossi Mekelburg tại viện nghiên cứu Chatham House (Anh) cũng đồng nhận định: “Việc Hamas xâm nhập được vào lãnh thổ Israel, đi vào các thành phố, làng mạc là điều chưa từng có tiền lệ. Ở bất kỳ cấp độ nào xét theo quan điểm của Israel, đây là thất bại hoàn toàn (của Israel)”.
Chính phủ liên minh của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã leo thang đàn áp trong hơn một năm, nhằm đáp trả các cuộc tấn công khủng bố gia tăng của người Palestine.
Các cựu quan chức tình báo và quân sự Mỹ cho biết, họ tin rằng thời điểm xảy ra cuộc tấn công của Hamas chủ yếu nhằm mục đích làm gián đoạn các cuộc đàm phán giữa Israel và Ả Rập Saudi. Bởi Riyadh (thủ đô của Ả Rập Saudi) dường như sắp thực hiện một bước đi lịch sử hướng tới bình thường hóa quan hệ với Israel.
Ông James Stavridis, Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, kiêm cựu chỉ huy NATO, cho biết, thông qua cuộc tấn công, Iran đang cố gắng gây áp lực lên “kẻ thù trung thành” của mình là Israel.
Trong cuộc phỏng vấn với Lester Holt của NBC News vào tháng trước, Tổng thống Iran Ibrahim Raisi bày tỏ sự phản đối về mối quan hệ giữa các nước trong khu vực của Iran và chế độ theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Chủ nghĩa Zion).
Ông cho biết, chế độ Zion có ý định bình thường hóa quan hệ song phương với các nước trong khu vực, nhằm tạo ra an ninh cho chính họ trong khu vực.
Những tuần gần đây, các nhà ngoại giao Mỹ, Israel và Ả Rập Saudi nói với NBC News rằng Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều bày tỏ sự ủng hộ đối với một thỏa thuận Ả Rập Saudi công nhận Israel về mặt ngoại giao.
Các nhà ngoại giao cho biết, nếu Ả Rập Saudi đồng ý công nhận Israel, thì các nước Ả Rập khác cũng sẽ làm như vậy. Một loạt các thỏa thuận này sẽ chấm dứt tình trạng thù địch kéo dài hàng thập kỷ giữa Israel và các nước láng giềng kể từ năm 1948.
Tuy nhiên, nhằm đạt được thỏa thuận này, 3 bên đều đưa ra những điều kiện phức tạp. Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed đã đoạn tuyệt với những người cai trị Ả Rập Saudi trong quá khứ. Thái tử cho biết, ông sẵn sàng công nhận Israel, vì điều này sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho Ả Rập Saudi.
Trước khi diễn ra cuộc tấn công của Hamas, có báo cáo rằng Ả Rập Saudi đã nói với Nhà Trắng, họ sẽ đồng ý tăng sản lượng dầu, nhằm giúp đạt được thỏa thuận mà Nhà Trắng của ông Biden đã tìm kiếm trong 2 năm qua.
Nhưng Ả Rập Saudi muốn Hoa Kỳ giúp họ phát triển chương trình hạt nhân dân sự. Động thái này bị phản đối bởi các thành viên cực hữu trong liên minh của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các thành viên Thượng viện Hoa Kỳ. Bất kỳ thỏa thuận nào như vậy sẽ phải được Thượng viện Hoa Kỳ chấp thuận.
Ngoài ra, trong cuộc họp ở New York vào tháng trước, Tổng thống Biden đã nói với Thủ tướng Netanyahu rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm đất của người Palestine, để họ có thể xây dựng một nhà nước khả thi.
Ông Netanyahu cho biết, Israel sẽ ngăn chặn việc mở rộng khu định cư ở Bờ Tây. Một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng nêu lên mối lo ngại tương tự trong một lá thư gửi Nhà Trắng vào tuần trước.
Bờ Tây sông Jordan vẫn là khu vực nơi người định cư Israel tấn công người Palestine ngày càng gia tăng. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA), năm 2023 có ít nhất 700 vụ tấn công bạo lực do người định cư Israel thực hiện nhằm vào người Palestine. Đây là con số cao nhất được ghi nhận.
Bộ trưởng An ninh Quốc gia phe cực hữu của Israel, ông Itamar Ben-Gvir, ca ngợi và kêu gọi việc mở rộng khu định cư.
Đáp lại, chính phủ cực hữu của Thủ tướng Israel Netanyahu đã lên kế hoạch xây dựng 5.000 khu định cư mới của Israel. Các khu định cư của Israel trên đất Palestine là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế và đã bị Chính phủ Mỹ lên án.
Khi các cuộc đàm phán giữa Ả Rập Saudi, Israel và Hoa Kỳ được tăng cường, sự thất vọng của người Palestine ngày càng tăng. Cựu Đô đốc Hải quân Mỹ Stavridis nói, người Palestine rõ ràng rất thất vọng, vì họ thấy Ả Rập Saudi và Israel ngày càng xích lại gần nhau hơn.
Thủ tướng Israel Netanyahu còn đang thúc đẩy cải cách tư pháp, nhằm giảm quyền lực của Tòa án Tối cao Israel. Động thái này đã gây ra các cuộc biểu tình lớn trên khắp đất nước.
Phần đầu tiên của cải cách đã được thông qua vào tháng 3, khi Quốc hội của Israel thông qua luật bảo vệ Thủ tướng khỏi bị phế truất. Luật này quy định Thủ tướng chỉ có thể bị cách chức vì lý do sức khỏe thể chất, hoặc sức khỏe tâm thần và chỉ có Thủ tướng và văn phòng của ông mới có thể đưa ra quyết định này.
Các cải cách tư pháp diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Netanyahu nhiều lần ép buộc tiến hành bầu cử trong những năm gần đây. Động thái này gây ra nhiều chỉ trích sau khi ông đối mặt với cáo buộc tham nhũng.
Các nhà phê bình cho rằng điều này sẽ làm suy yếu sự kiểm soát và cân bằng dân chủ trong nội bộ Israel. Thậm chí, một số người còn nhận định, điều này được thiết kế riêng để giữ cho ông Netanyahu nắm quyền.
Phần thứ hai của cải cách được thông qua vào tháng 7, ngăn cản tòa án tuyên bố các quyết định của chính phủ là không hợp lý. Một cuộc thăm dò vào tháng đó của Kênh 13 của Israel cho thấy, 56% người Israel lo lắng rằng cải cách tư pháp sẽ gây ra nội chiến.
Cựu đô đốc Hải quân Mỹ Stavridis cho biết, Hamas và những người ủng hộ tổ chức này coi sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Israel là cơ hội tốt để tấn công. Ông nhận định, các đối thủ của Israel tin rằng Israel chưa bao giờ yếu nhược và chia rẽ đến vậy.
Trong một cuộc phỏng vấn, Nadav Eyal, nhà văn người Israel, kiêm người phụ trách chuyên mục cấp cao của tờ báo Yediot Ahlonot, dự đoán cuộc tấn công này sẽ tiếp tục thay đổi đất nước.
Ông nói, sự kiện này là một chấn thương quốc gia. Nó giống như vụ 11/9, nhưng thực ra còn lớn hơn. Israel có hàng chục thường dân đã bị bắt cóc.
Nhà phân tích Jonathan Panikoff, Giám đốc chương trình Sáng kiến an ninh Trung Đông Scowcroft tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), nhận định: “Xung đột Hamas – Israel đã đạt đến cấp độ mới và đây chỉ mới là khúc dạo đầu”.
Nadav Eyal cho biết, Israel sẽ thực hiện hành động quân sự bất chấp sự chia rẽ nội bộ của đất nước. Ông nói thêm, có một nhận thức rộng rãi trong công chúng và giới chính trị Israel, rằng điều này sẽ thay đổi mọi thứ trong khu vực, và thay đổi tình hình của người Israel.
Từ khóa xung đột ở Dải Gaza Israel tấn công dải Gaza Israel Hamas dải Gaza Dòng sự kiện Xung đột Israel - Hamas