Việt Nam yêu cầu Mỹ công nhận quy chế nền kinh tế thị trường
- Mộc Vệ
- •
Hôm thứ Ba (26/3), Việt Nam yêu cầu Mỹ công nhận quy chế nền kinh tế thị trường của Việt Nam, cho biết rằng trong bối cảnh Mỹ đang thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng tránh phụ thuộc Trung Quốc, quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn với Việt Nam sẽ tốt hơn cho Mỹ trong nhiều lĩnh vực quan trọng.
Mỹ đã xếp hơn 10 nước trong đó có Việt Nam và Trung Quốc vào nhóm nền kinh tế phi thị trường, qua đó có hành động mạnh mẽ hơn đối với hàng xuất khẩu của những nước này. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden hồi tháng 10/2023 đã đồng ý xem xét lại tình trạng của Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết trong chuyến thăm Washington mới đây:
“Các đồng minh và đối tác của Mỹ thường nói rằng một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập, kiên cường và thịnh vượng là phù hợp lợi ích của Mỹ. Chúng tôi mong muốn những hành động mạnh mẽ hơn của Mỹ để đạt được những cam kết này”;
“Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ sớm công nhận quy chế nền kinh tế thị trường của Việt Nam,” ông nói tại Viện Brookings. Một ngày trước đó ông gặp Ngoại trưởng Antony Blinken và các quan chức cấp cao Mỹ khác.
Vào đầu năm nay, Thượng nghị sĩ Sherrod Brown đã dẫn đầu nhóm 8 thượng nghị sĩ gửi thư tới Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, kêu gọi phản đối việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và bày tỏ quan ngại về vấn đề ở Việt Nam có được tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Nhưng ông Bùi Thanh Sơn cho biết Việt Nam mang lại tiềm năng cho Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng, bao gồm chất bán dẫn, khoáng sản quan trọng và trí tuệ nhân tạo. Ông nói: “Hợp tác của chúng ta trong lĩnh vực này có thể nâng cao vị thế khu vực và chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam, đồng thời Mỹ và các đối tác khác cũng sẽ được hưởng lợi từ điều đó”.
Cho dù gần đây Việt Nam có những rối ren về nhân sự chính trị, ông cũng nói với công luận Mỹ rằng vấn đề đó không khiến những chính sách ở Việt Nam bất ổn.
Tuần trước Việt Nam thông báo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, người mới nhậm chức được một năm, đã từ chức do “vi phạm, thiếu sót” không rõ nguyên nhân. Về vấn đề này, ông Bùi Thanh Sơn cho biết: “Chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam đang diễn ra và được cộng đồng quốc tế, bao gồm cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh”.
Ông nói Việt Nam có “tập thể lãnh đạo”, đại hội Đảng được tổ chức 5 năm một lần, hiện đã xác định tầm nhìn chính sách đến năm 2045: “Tôi không nghĩ việc chủ tịch nước từ chức sẽ ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại và chính sách phát triển kinh tế của chúng tôi”.
Bất chấp tổn thương từ chiến tranh, Mỹ và Việt Nam đã mở rộng hợp tác đáng kể từ khi nối lại quan hệ ngoại giao cách đây 30 năm.
Việt Nam và Trung Quốc có lịch sử quan hệ căng thẳng, hiện đang nổi bật lên tranh chấp ở Biển Đông.
Ông Bùi Thanh Sơn cho biết Việt Nam cam kết phát triển quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, và trong năm qua Trung Quốc đã mở rộng đối thoại để giảm bớt căng thẳng từng có những thời điểm gay gắt. Ông nói: “Chúng tôi tin rằng sự cạnh tranh giữa các cường quốc là điều đương nhiên, xung đột là không thể tránh khỏi… Về vấn đề này, Việt Nam hoan nghênh những nỗ lực hiện nay nhằm ổn định quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Từ khóa Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam Kinh tế Việt Nam quan hệ Mỹ - Việt Nam