Washington: 12 thành viên khối NATO chưa thanh toán đủ chi phí cho quốc phòng
- Thanh Tâm
- •
Đại sứ Mỹ tại NATO, bà Julianne Smith cho biết hôm thứ Hai (8/4) rằng 12 quốc gia vẫn chưa đáp ứng cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng.
NATO đặt mục tiêu 2% vào năm 2014, sau khi cuộc đảo chính do Mỹ hậu thuẫn ở Kiev gây ra xung đột Donbass. Tất cả các thành viên đều phải đáp ứng tiêu chuẩn “chia sẻ gánh nặng” trong vòng một thập kỷ.
Bà Smith cho biết trong bài phát biểu tại Đại học Georgetown ở Washington, DC: “Hiện tại, chúng tôi có 20 đồng minh đáp ứng cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng – 20 đồng minh … Đó là một sự gia tăng đáng kể trong một thập kỷ. Tất nhiên, chúng tôi muốn tất cả 32 đồng minh thực hiện đầy đủ và chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng cho đến khi đạt được điều đó”.
Bà Smith là diễn giả chính tại hội nghị ‘75 năm NATO: Chặng đường mới?’, do Trung tâm Nghiên cứu An ninh Georgetown tổ chức. Sự kiện này có sự xuất hiện của Tướng Christopher Cavoli, Tư lệnh Đồng minh Tối cao Châu Âu (SACEUR).
Không rõ bà Smith dựa vào dữ liệu nào để đưa ra tuyên bố của mình. Tính đến tháng 2/2024, ước tính chi tiêu quân sự năm 2023 vẫn cho thấy chỉ có 11 quốc gia thành viên đạt được mục tiêu 2% trong khi 18 quốc gia vẫn còn thiếu hụt, bao gồm: Pháp, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch, Ý, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha… Iceland không có quân đội thực sự, trong khi Phần Lan và Thụy Điển hai nước lần lượt gia nhập vào tháng 4/2024 và tháng 3/2024 – không được đưa vào ước tính.
Ba Lan đã chi 3,9% GDP cho quân đội, mức cao nhất trong số các thành viên khối. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda gần đây đề xuất tăng mức chi tiêu tối thiểu lên 3%, ông cho rằng 2% “không đủ”.
Mỹ đứng thứ hai với 3,49% GDP. Tuy nhiên, xét về số liệu thô, ngân sách quân sự của Mỹ cao hơn gấp đôi so với tất cả các thành viên khác của khối cộng lại, ở mức 860 tỷ USD.
Phát biểu trong chiến dịch tranh cử vào tháng Ba, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý rằng Washington chỉ nên thực hiện các cam kết trong hiệp ước với các thành viên NATO nào “đóng đầy đủ phí” và ông khuyến khích Nga “làm bất cứ điều gì họ muốn” đối với các quốc gia “trễ hạn”.
Trong bài phát biểu tại Georgetown, bà Smith lập luận rằng NATO đã thành công trong việc “chia sẻ gánh nặng” trong trường hợp Ukraine. Bà lưu ý rằng trong khi Mỹ cung cấp khoảng 75 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev thì các thành viên châu Âu trong khối đã đóng góp khoảng 110 tỷ USD.
Bà Smith cũng lập luận rằng hai năm qua là “sự thay đổi” – lưu ý việc NATO chuyển hướng từ các cuộc chiến tranh viễn chinh sang chống Nga ở châu Âu. Đồng thời, bà chỉ ra rằng NATO đã cập nhật chiến lược an ninh, coi Trung Quốc là mối đe dọa tiềm tàng và tiếp cận với “các đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” để chống lại mối đe dọa này.
Từ khóa NATO Julianne Smith