Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bằng chứng sơ bộ chỉ ra rằng các loại vắc-xin COVID-19 hiện nay có thể giảm hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm với biến thể Omicron, đồng thời cảnh báo nguy cơ cao xảy ra tình trạng tái nhiễm. 

Omicron
(Ảnh minh họa: FOTOGRIN/Shutterstock)

WHO cho biết rằng sẽ cần thêm dữ liệu để hiểu rõ hơn về mức độ biến thể Omicron lẩn tránh khả năng miễn dịch có được do tiêm vắc-xin COVID-19 hoặc từ các lần nhiễm virus trước đó. “Nguy cơ tổng thể liên quan tới biến thể đáng lo ngại này vẫn ở mức rất cao”.

Biến thể Omicron được phát hiện đầu tiên tại Botswana vào ngày 11/11 vừa qua, được Nam Phi báo cáo với WHO hôm 24/11, hiện đã có mặt ở 77 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dù chủng này được phân loại là “biến thể đáng lo ngại”, nhưng đến nay vẫn chưa có dữ liệu chính xác về mức độ lây lan hay độc lực của nó.

Trước đó, Tiến sĩ Paul Burton, Giám đốc Y tế của hãng sản xuất vắc-xin Moderna, đã lên tiếng cảnh báo rằng một biến thể mới nguy hiểm hơn có thể được tạo ra nếu Omicron và Delta lây nhiễm cùng lúc cho một người nào đó.

Sự lây lan COVID-19 thường chỉ liên quan đến một chủng virus đột biến, nhưng trong một số trường hợp vô cùng hiếm gặp, hai chủng virus có thể tấn công con người cùng một lúc. Nếu 2 chủng virus cùng lây nhiễm vào một tế bào, chúng có thể hoán đổi DNA và kết hợp với nhau để tạo ra một phiên bản virus corona (gây bệnh COVID-19) mới.

Ông Paul Burton cảnh báo số ca nhiễm Omicron và Delta đang lưu hành ở Anh có thể khiến kịch bản này xảy ra với khả năng cao. Ông nói rằng “chắc chắn” virus có thể hoán đổi gen và kích hoạt một biến thể thậm chí còn nguy hiểm hơn.

Theo Reuters,

Phan Anh

Xem thêm: