Tờ Wall Street Journal (WSJ) hôm 2/5 dẫn nguồn thạo tin cho biết, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đang cân nhắc các hành động, nhằm đáp lại những lo ngại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, về vai trò của Trung Quốc trong hoạt động buôn lậu fentanyl, qua đó tìm kiếm cơ hội “phá băng” và nối lại đàm phán thương mại song phương.

p2757802a314813586 ss
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty Images)

WSJ: Trung Quốc có thể hợp tác về fentanyl để nối lại đàm phán thương mại 

WSJ trích dẫn nguồn tin cho biết, giới lãnh đạo ĐCSTQ đang xem xét các biện pháp nhằm giải quyết bất mãn từ phía Mỹ, đặc biệt là cáo buộc Trung Quốc là nguồn cung nguyên liệu hóa học để sản xuất fentanyl – chất gây nghiện mạnh đã gây ra khủng hoảng opioid tại Mỹ. Đây có thể là một “cửa ngỏ” để xoa dịu căng thẳng và tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại.

Nguồn tin tiết lộ, Bộ trưởng Công an Trung Quốc Vương Tiểu Hồng, người giữ vai trò then chốt trong bộ máy an ninh của ông Tập, đã tiếp xúc với nhóm cố vấn của ông Trump để tìm hiểu rõ kỳ vọng của phía Mỹ về các biện pháp mà phía Trung Quốc cần thực hiện trong vấn đề tiền chất hóa học phục vụ sản xuất fentanyl.

Một trong những lựa chọn được Bắc Kinh cân nhắc là cử trực tiếp ông Vương Tiểu Hồng sang Mỹ để gặp gỡ các quan chức cấp cao trong chính quyền Trump, hoặc tổ chức cuộc gặp tại một nước thứ ba. Tuy nhiên, nguồn tin nhấn mạnh rằng mọi kế hoạch mới đang ở giai đoạn thảo luận ban đầu và có thể thay đổi tùy theo tình hình. Trung Quốc cũng kỳ vọng ông Trump sẽ có lập trường mềm mỏng hơn trong chính sách thương mại với Bắc Kinh.

Hiện Nhà Trắng và Đại sứ quán ĐCSTQ tại Mỹ chưa đưa ra bình luận nào về thông tin này.

Nguồn tin cho biết fentanyl đang được xem là điểm tiếp xúc tiềm năng cho ngoại giao Mỹ – Trung. 

Trước đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết đang đánh giá đề xuất của Mỹ về việc tổ chức đối thoại liên quan đến mức thuế 145% mới áp lên hàng hóa Trung Quốc.

Các nguồn tin cho biết gần đây ông Vương Tiểu Hồng, quan chức phụ trách an ninh của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, đã tìm hiểu về những hành động mà đội ngũ của Trump mong muốn Trung Quốc thực hiện liên quan đến vấn đề nguyên liệu hóa học dùng để sản xuất fentanyl.

Chính quyền Mỹ cáo buộc các công ty hóa chất Trung Quốc sản xuất hàng loạt tiền chất fentanyl và bán trực tuyến cho các tổ chức tội phạm tại Mexico và các quốc gia khác, từ đó tạo ra fentanyl và buôn lậu vào Mỹ. 

Kể từ khi trở lại cương vị lãnh đạo, ông Trump liên tục chỉ trích Trung Quốc không có hành động đủ mạnh để ngăn chặn nguồn tiền chất fentanyl đổ vào Mỹ, đồng thời áp thuế 20% đối với loại chất này từ Trung Quốc.

Fentanyl đã gây ra cái chết của 450.000 người Mỹ

Ông Trump trong quá khứ nhiều lần liên kết cuộc chiến thương mại với Trung Quốc với cuộc khủng hoảng fentanyl đang hoành hành tại Mỹ, cho rằng các công ty hóa chất Trung Quốc đã cung cấp một lượng lớn “tiền chất” cho các băng đảng ma túy, góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng lạm dụng ma túy tại Mỹ. Theo thống kê của phía Mỹ, fentanyl đã khiến gần 450.000 người Mỹ tử vong do dùng thuốc quá liều.

Theo dữ liệu của Mỹ, nhiều công ty hóa chất Trung Quốc đã bán các “tiền chất” tổng hợp qua mạng, những chất này sau đó được chuyển đến các tổ chức tội phạm ở Mexico để sản xuất fentanyl, rồi bị buôn lậu qua biên giới vào Mỹ, gây ra tác động nghiêm trọng đến an ninh công cộng và xã hội Mỹ.

Động thái của Bắc Kinh lần này được xem là một chiến lược “trao đổi con bài”: Nếu phía Trung Quốc sẵn sàng tăng cường trấn áp chuỗi cung ứng liên quan đến fentanyl, thì phía Mỹ có thể giảm bớt áp lực về thuế quan và các biện pháp trừng phạt, ít nhất là tạo ra không gian chính trị để tái khởi động đối thoại.

Mặc dù phía Trung Quốc nhấn mạnh rằng họ luôn mạnh tay trấn áp tội phạm ma túy, đồng thời cho rằng Mỹ nên đối diện nghiêm túc với vấn đề ma túy trong nước của chính mình, nhưng chính quyền Trump vẫn liên tục yêu cầu Bắc Kinh phải có phản hồi tích cực trước những lo ngại của phía Mỹ.

Theo một báo cáo trước đó của Reuters, hai bên đã bắt đầu tiến hành các cuộc đối thoại trực tiếp ở cấp chuyên viên, chủ yếu giữa nhân viên Đại sứ quán ĐCSTQ tại Mỹ và các quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đạt được tiến triển thực chất, và phía Mỹ đã chỉ trích phía Trung Quốc thiếu thiện chí.

Ngày 2/4 năm nay, ông Trump khởi động chính sách thuế quan đối ứng, sau đó leo thang thành cuộc đối đầu đơn phương với Trung Quốc, khiến cuộc chiến thương mại giữa hai nước nhanh chóng gia tăng căng thẳng. Hai bên liên tiếp ban hành các lệnh cấm, rơi vào tình trạng “phong tỏa thương mại” trên thực tế. Trước tình hình này, Bắc Kinh đang tìm kiếm các kênh khả thi để tránh gia tăng áp lực kinh tế, đồng thời hy vọng có thể nối lại đàm phán mà không làm mất đi hình ảnh “cứng rắn” của mình.

Ngày 2/5, Bộ Thương mại ĐCSTQ tuyên bố đang đánh giá khả năng tiến hành đàm phán với Mỹ, đồng thời kêu gọi chính quyền Trump thể hiện “thiện chí”. Đây là một sự thay đổi rõ rệt so với lập trường cứng rắn trước đây của ĐCSTQ, vốn khăng khăng yêu cầu “Mỹ phải giảm thuế trước rồi mới đàm phán”.

Mặc dù ban lãnh đạo của ông Tập Cận Bình vẫn đang tăng cường kiểm soát tập trung đối với kinh tế và xã hội Trung Quốc, cũng như chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài với Mỹ, nhưng những thách thức kinh tế thực tế như khủng hoảng bất động sản, áp lực giảm phát và nhu cầu nội địa suy yếu đang tạo ra động lực để Bắc Kinh tiếp cận với Washington.

Các nhà quan sát chỉ ra rằng nếu Trung – Mỹ thực sự có thể sử dụng “ngoại giao ma túy” làm bàn đạp, có lẽ sẽ mang lại một tia hy vọng cho bế tắc hiện tại.

Ngoài ra, ngày 2/5, chính quyền Trump chính thức chấm dứt chế độ miễn thuế cho các bưu kiện nhỏ đến từ Trung Quốc và Hồng Kông, loại bỏ mức miễn thuế tối thiểu mà các nền tảng thương mại điện tử như Shein, Temu và các tổ chức buôn lậu ma túy vốn phụ thuộc vào, nhằm kiềm chế việc nhập khẩu hàng hóa bất hợp pháp và fentanyl.