1.200 học sinh trường Quốc tế Mỹ vẫn phải nghỉ học
- Khánh Vy
- •
Học sinh trường Quốc tế Mỹ vẫn chưa thể đến trường do chưa mở được tài khoản để phụ huynh đóng tiền, chi trả lương cho giáo viên. Trong khi đó, chủ trường này là bà Nguyễn Thị Út Em bị cấm xuất cảnh do nợ thuế thu nhập cá nhân.
- TP.HCM: Phụ huynh tập trung, căng băng rôn đòi nợ chủ trường quốc tế
- Vụ phụ huynh ‘tố’ trường quốc tế ‘bớt xén’ suất ăn: Cơ sở bị yêu cầu gỡ biển
Báo Vietnamnet đưa tin theo kế hoạch hôm nay ngày 1/4, học sinh trường Quốc tế Mỹ sẽ quay lại trường học sau 1 tuần nghỉ xuân, cùng lời hứa hẹn giải quyết tài chính của trường. Tuy nhiên, thông tin từ phụ huynh cho hay sáng nay, học sinh tiếp tục nghỉ học 1 ngày do chưa mở được tài khoản để phụ huynh đóng tiền, chi trả lương cho giáo viên.
Cụ thể, Vietnamnet trích thông báo gửi tới phụ huynh vào tối ngày 31/3 của trường: “Tiếp nối sau nội dung cuộc họp ngày 30/3 tại trường Quốc tế Mỹ, nhà trường vừa tiếp nhận thông tin cập nhật về việc chưa thể lập được tài khoản ngân hàng đồng sở hữu 3 bên giữa Sở GD&ĐT – nhà trường – phụ huynh ngay trong hôm nay 31/3.
Dự kiến vào sáng 1/4, đại diện các bên sẽ đến ngân hàng làm thủ tục và sau đó sẽ thông báo ngay số tài khoản để phụ huynh có thể nhanh chóng đóng góp kinh phí nhằm duy trì việc vận hành nhà trường đến hết năm học 2023-2024. Do các yếu tố khách quan nói trên, chúng ta sẽ cần thêm thời gian cho công tác giải quyết vấn đề lương của giáo viên triệt để, và các em học sinh sẽ chưa đi học vào ngày 1/4 như dự kiến”.
Trước đó, tại cuộc họp diễn ra vào thứ 7 tuần trước của nhà trường, Sở GD&ĐT TP.HCM và các cơ quan chức năng đã khuyên phụ huynh đóng thêm tiền để con được đi học. Theo đó tuỳ các cấp, với mỗi cấp khác nhau khác nhau, phụ huynh đóng từ 10 – đến hơn 20 đồng/tháng. Trong đó, phụ huynh mầm non đóng khoảng 10 triệu đồng, tiểu học 14,5 triệu, khối 6-8 là 20,5 triệu, còn từ khối 9 tới 12 là 22,5 triệu đồng/tháng.
Tổng số tiền trường Quốc tế Mỹ cần phụ huynh đóng góp là 125 tỷ đồng. Nếu có số tiền này nhà trường có thể tiếp tục đến hết năm học này (tháng 6/2024).
Dự buổi họp, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho hay theo khảo sát của nhà trường, 84,56% phụ huynh muốn cho con tiếp tục học, 3,27% phụ huynh có nhu cầu chuyển trường.
Ông Hiếu cho biết thêm, Sở đã đề nghị nhà trường tính toán số nợ của giáo viên và số tiền cần chi trả cho giáo viên từ nay đến hết năm học. Theo tính toán của trường, hiện trường còn nợ một phần lương tháng 1, lương tháng 2 và tháng 3. Số lương này khoảng 47 tỷ đồng. Tính toán thêm phần lương tháng 4, 5 và 6, tức đến lúc kết thúc năm học khoảng 77 tỷ đồng nữa. Tổng cộng cả hai khoản này đến hết tháng 6 hoàn thành chương trình là 125 tỷ đồng.
Cũng theo ông Hiếu, khi phụ huynh đóng góp, mỗi lớp sẽ cử 1 đại diện để tham gia vào tổ tài chính, điều hành từ nay đến hết năm học, trong đó, rà soát lại các khoản chi. Phía Sở ngành yêu cầu nhà trường chi tiền một cách tinh gọn nhất, cho nội dung thiết thực nhất để vận hành trường như lương cho giáo viên, xe đưa đón…
Ông Hiếu cũng mong phụ huynh cử đại diện lập ra tài khoản mới để phụ huynh đóng góp. Nếu thống nhất được, Sở tổ chức thành các tổ, trong đó tổ tài chính có trách nhiệm thu, chi trả cho giáo viên.
Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, để an toàn, cần có kiểm toán độc lập xác định rõ thu chi của trường thời gian trước đây, từ đó, phụ huynh mới đưa ra quyết định nộp thêm tiền.
Trường quốc tế AISVN chi tiêu thế nào, vì sao khó khăn tài chính?
Báo tuổi trẻ dẫn lời Bà Nguyễn Thị Út Em cho hay ngày 2/10/2023, nhà trường đã mở tài khoản để phụ huynh cùng giám sát hoạt động thu chi của trường đến hiện nay.
Theo báo cáo thu chi của phòng kế toán nhà trường, tính đến ngày 31/10/2023, tổng thu của trường hơn 32,8 tỷ đồng, trừ các khoản chi số dư tồn quỹ hơn 196 triệu đồng. Đến ngày 8/11/2023, tổng thu của trường hơn 3,3 tỷ đồng, nhưng tổng chi hơn 13,7 tỷ đồng. Đến ngày 22/3/2024, tổng thu của trường hơn 16,2 tỷ đồng nhưng tổng chi tăng lên hơn 60,9 tỷ đồng.
Cộng lũy kế từ ngày 2/10/2023 đến 23/3/2024, tổng thu của trường hơn 52,4 tỷ đồng, trong khi tổng chi lên đến hơn 107 tỷ đồng. Do vậy số tiền nợ là hơn 54 tỷ đồng.
Theo Công ty CP Giáo dục quốc tế Mỹ AIS (chủ đầu tư của Trường AISVN), thời gian qua công ty gặp khó khăn trong việc quản lý vận hành do tình hình tài chính khó khăn, lỗ, thiếu hụt tiền.
Nguyên nhân chính được đưa ra là do công ty đã đầu tư chi phí lớn cho các công trình xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị trong trường từ vốn của chủ đầu tư và nguồn vốn huy động của phụ huynh.
Hằng năm trường vẫn thường xuyên chi kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất, đóng các chi phí chương trình tú tài quốc tế (IB), trong khi các khoản này nhà trường không thu bù phụ huynh trong nhiều năm qua.
Nhà trường chi khoản kinh phí lớn cho hoạt động của tuyến xe buýt dài hạn miễn phí đưa đón học sinh.
Với dự kiến công năng khoảng 4.000 học sinh nhưng thực tế nhà trường chỉ mới tuyển được gần 1/2 số lượng.
Trong các năm 2022 và 2023, lãi suất các hợp đồng vay và lãi huy động trái phiếu lên cao, dẫn đến chi phí tài chính của công ty tăng mạnh, cộng với khó khăn dịch COVID-19 khiến tình hình càng khó khăn do nguồn thu giảm mạnh, trong khi gần như toàn bộ chi phí không đổi (kết quả thể hiện qua các số liệu kết quả thanh tra thuế).
Ngoài ra, công ty này cho hay hoàn toàn không có bất kỳ hoạt động đầu tư khác ngoài giáo dục. Với khó khăn ngoài dự tính, công ty đã tạm thời mất thanh khoản trong ngắn hạn, dẫn đến việc trả chậm lương của các giáo viên và chậm hoàn tiền cho phụ huynh học sinh với hợp đồng hợp tác đầu tư.
Từ khóa Trường quốc tế chủ trường quốc tế Vụ trường Quốc tế Mỹ Việt Nam