3.668 đồng/m2 định giá ‘xã hội hóa’ chống ngập: Người dân thêm tròng?
- Vĩnh Long
- •
Đề xuất giá chống ngập tại TP.HCM tính theo m2/tháng vừa đưa ra khiến cả chuyên gia và người dân sửng sốt, thì liền sau đó, có phát ngôn từ cơ quan chức năng thành phố cho hay con số trên là để xác định đơn giá “xã hội hóa” chống ngập, người dân không phải chi trả.
Thế nhưng, giới chức TP.HCM vì sao lại cho rằng chỉ cần tiếp tục những dự án chống ngập là TP sẽ hết ngập khi mà cái gốc gây ngập còn chưa bao giờ thực sự chạm tới?
Sau ngàn tỷ đầu tư công, chuyển sang “xã hội hóa” chống ngập
Tại buổi họp báo chiều 4/6, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho hay mức giá dịch vụ chống ngập 3.668 đồng/m2/tháng do Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam (Bộ Xây dựng) xác định theo đặt hàng của Sở.
3.668 đồng/m2/tháng này sẽ là căn cứ để thành phố kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, gọi là xã hội hóa. Sau khi có bộ định mức đơn giá, việc thực hiện chống ngập sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ về giao nhiệm vụ/đặt hàng/đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (Nghị định số 32/2019/NĐ-CP).
Ông Khiết nói “TP sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn, người dân không phải chi trả chi phí cho việc chống ngập”.
Liệu khẳng định trên có cùng nghĩa với việc người dân sẽ không phải chịu một thứ chi phí khác bên cạnh thuế đã đóng cho ngân sách được chi cho các dự án đầu tư công?
Theo Nghị định 32, kinh phí thực hiện giao nhiệm vụ/đặt hàng/đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của địa phương từ nguồn ngân sách địa phương; Nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại chi theo quy định; Nguồn thu dịch vụ sự nghiệp công theo giá dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước định giá; Nguồn khác (nếu có).
Nói cách khác, đây tiếp tục là một cuộc chi dùng ngân sách khác. Dù các dự án được đầu tư dưới bất kỳ hình thức nào, điều người dân cần được trả lời là hiệu quả của số tiền đã sử dụng ra sao?
Cuối năm 2019, Hội Nước và môi trường TP.HCM dẫn số liệu từ Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM cho hay từ năm 2008 – 2018, TP đã chi 22.948 tỷ đồng cho công tác chống ngập. Đến năm 2020, con số này sẽ lên tới 120.246 tỷ đồng và còn hơn nữa. Điều này có nghĩa hội dự báo ngập sẽ vẫn ngập và tiếp tục nặng thêm, theo cách thức chữa ngập như hiện tại.
Chi hàng ngàn tỷ đồng không hiệu quả, chính quyền TP vẫn dự kiến tiêu tốn kinh phí cho kế hoạch “xã hội hóa” chống ngập. Dù phí có chồng thuế hay không, với tình trạng hiện tại, người dân có quyền truy cứu trách nhiệm đối với hàng ngàn tỷ đồng thành phố đã đầu tư thất bại, khiến đời sống cư dân phải trả giá.
“Chống ngập” từ gốc hay ngọn?
Cũng trong cuộc họp báo, trả lời câu hỏi vì sao TP.HCM vẫn bị ngập trên nhiều tuyến đường? Tính hiệu quả của các công trình chống ngập vừa đưa vào sử dụng?, ông Khiết cho hay hàng loạt dự án chống ngập của TP đang trong quá trình thực hiện nên việc kết nối chưa hoàn chỉnh, các dự án chống ngập chủ yếu thực hiện trong trung tâm TP, vùng ven chưa được chống ngập.
Câu trả lời này liệu có đúng?
Theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, tỷ lệ cống trên đầu người tại TP.HCM thấp hơn 4 lần thế giới, trung bình dưới 0,5m/người, so với tỷ lệ trên thế giới là 2m/người. Ngoài mưa và triều cường là yếu tố khách quan, nguyên ngân chính gây ngập là tình trạng đô thị hóa, năng lực đơn vị quản lý, vận hành thấp, ý thức của người dân (xả rác vào hệ thống cống), sụt lún nền… (1)
Nhiều ý kiến đề xuất, TP phải khơi lại các dòng chảy đã bị lấp, cần sớm nạo vét thật sâu tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, kênh Tẻ, kênh Ðôi, sông Chợ Ðệm – Bến Lức, xây kè bảo vệ bờ, trả lại các vùng trũng trữ nước. Ðồng thời không nên cấp phép xây dựng chung cư, nhà cao tầng ở những khu vực có nền đất yếu và bùn nhiều (như khu vực quận 7, quận 2…).
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho hay nguyên nhân chính gây ngập tại Việt Nam mà đặc biệt là TP.HCM là do phát triển thiếu bền vững, đô thị hóa tràn lan, thiếu không gian dành cho nước và không nâng cấp hạ tầng, đánh giá tác động môi trường lại do chính chủ đầu tư thực hiện, làm qua loa để được cấp phép… Ngập là hệ quả của việc buông lỏng quản lý trong cấp phép quy hoạch, xây dựng, với trách nhiệm chính của chính quyền và doanh nghiệp.
“Chống ngập là dịch vụ công. Người dân đã phải đóng thuế và nhà nước có trách nhiệm đảm bảo họ được sống ở nơi không có ngập lụt. Nay vì lỗi do chính quyền, do doanh nghiệp, người dân tự nhiên phải chịu ngập rồi còn phải trả tiền chống ngập nữa thì quá vô lý” – KTS Ngô Viết Nam Sơn
Theo đó, ông Sơn cho rằng thay vì chạy theo các dự án công trình chống ngập tốn kém, TP trước hết phải rà soát, thương lượng lại với các nhà đầu tư đã được cấp phép. Công trình nào đã xây rồi thì đánh giá lại tác động môi trường và yêu cầu góp chi phí xây dựng công trình chống ngập. Công trình nào chưa xây mà không đảm bảo phương án chống ngập thì tạm ngưng, không cho tiếp tục. (2)
Từ một vùng ngập tự nhiên với kênh rạch, hồ chứa nhân tạo và các ống cống của hệ thống thoát nước, hiện TP.HCM ngày càng chật vật với tình trạng nước không thoát. Quy hoạch bị “bỏ ngỏ”, hạ tầng quá tải khiến TP đã không còn đủ khả năng thoát nước. Từ lỗi quản lý của chính quyền dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bỏ mặc trách nhiệm, từ nhiều năm qua, người dân vừa phải thay doanh nghiệp chi trả cho các khoản chống ngập, vừa phải lãnh chịu hậu quả do những thất bại quản lý. Tới lúc này, người dân TP cần sự cam kết thực chất, thay vì những sai lầm liên tiếp một cách cố hữu của cấp quản lý. Giới chức TP.HCM vì sao lại cho rằng chỉ cần tiếp tục những dự án chống ngập nghìn tỷ là TP sẽ hết ngập khi mà cái gốc gây ngập còn chưa bao giờ thực sự chạm tới?
Vĩnh Long
Chú thích:
Từ khóa TPHCM ngập úng các dự án chống ngập khu vực TPHCM quy hoạch đô thị TPHCM giá chống ngập