Vì sao nhân tài Đà Nẵng không muốn trở về?
- Trần Hưng
- •
Trong quá trình phát triển thành phố, Đà Nẵng rất chú trọng đến bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Từ năm 2006, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao tại nước ngoài (Đề án 922) được đưa vào thực hiện.
- Chuyên đề: Việt Nam đánh mất cơ hội ‘dân số vàng’ có một không hai như thế nào?
- Xem phần 29, phần 1, phần 2, phần 3
Theo Đề án 922, thành phố sẽ lựa chọn các học viên để đưa đi đào tạo ở nước ngoài. Hợp đồng quy định TP. Đà Nẵng sẽ trang trải chi phí học tập và các học viên sau khi học xong phải trở về Đà Nẵng làm việc, nếu học viên không thực hiện đúng theo hợp đồng thì phải đền bù toàn bộ chi phí đào tạo.
Đến nay sau 10 năm, đề án này mang lại một số hiệu quả, nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại rất nhiều vấn đề. Chủ yếu là do các nhân tài khi về nước thấy không phù hợp với phong cách làm việc trong nước, hay nói một cách khác là cung cách môi trường làm việc trong nước khiến các nhân tài khi trở về khó phát huy được năng lực của mình.
Nhiều người phải trở về làm việc cho thành phố theo hợp đồng, nếu không sẽ phải đền bù chi phí đào tạo, tuy nhiên vẫn có trường hợp không thực hiện đúng theo hợp đồng dẫn đến mâu thuẫn. Có những người sau khi học xong xin ở lại học tiếp rồi sẽ trở về sau, nhưng cũng không được chấp nhận và phải bồi thường kinh phí.
Đã có 8/16 học viên bị Trung tâm nguồn nhân lực cao thành phố khởi kiện do vi phạm hợp đồng Đề án 922, buộc bồi hoàn tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng. Tất cả đều thua kiện nhưng 8 học viên đều làm đơn kháng cáo xin được cấp phúc thẩm giảm bớt số tiền bồi thường.
Một số nhân tài sau khi tốt nghiệp quyết định không trở về, chấp nhận bồi thường kinh phí theo hợp đồng vì muốn ở lại học tiếp vì có học bổng (hoặc tự túc), cũng có người ở lại nước ngoài làm việc vì môi trường tốt hơn trong nước rất nhiều.
Bên cạnh đó, nhiều nhân tài trở về Đà Nẵng thấy môi trường không tốt như ở nước ngoài, nên làm việc với tâm lý “trả nợ”, khi kết thúc hợp đồng sẽ tìm chỗ khác phù hợp hơn.
Vào đầu tháng 10 vừa qua, TP. Đà Nẵng có buổi hội thảo nhằm đánh giá lại kết quả đào tạo nhân tài, 64,6% học viên của Đề án 922 cho biết công việc được bố trí không phù hợp với chuyên ngành, sở trường. Nhiều người sau khi được đào tạo từ nước ngoài về đã không sao thích nghi được môi trường làm việc, khi có phản ánh thì các lãnh đạo cũng không tiếp thu ý kiến.
Đơn cử như lãnh đạo Quỹ Đầu tư Phát triển TP. Đà Nẵng cho hay đơn vị này tiếp nhận 3 người trong chương trình đào tạo nhân tài, 2 người đã nghỉ việc, 1 người chuyển công tác. Vị lãnh đạo này nhận xét rằng những người được đào tạo ở nước ngoài hầu hết đều có tư duy làm việc độc lập, có chính kiến, nhưng lãnh đạo lại không thích lắng nghe những ý kiến trái chiều này, môi trường làm việc khác xa so với những gì học ở nước ngoài nên họ chán nản bỏ việc.
Đối với học viên theo học các chương trình công nghệ cao khi về nước càng khó có môi trường và công việc thích hợp.
Cũng tại buổi hội thảo này, Chị Phan Thị Thu Trang được cử đi học công nghệ sinh học ở Anh từ năm 2010-2014, hiện đang công tác ở Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố nêu ý kiến rằng: “…Chúng em rất cần cơ sở vật chất, máy móc hiện đại để thực hiện các đề tài. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho học viên đề án chỉ tốt nghiệp đại học được đi đào tạo chuyên sâu, được giao lưu với các chuyên gia khoa học quốc tế” .
Bà Võ Thị Bích Hậu, Phó giám đốc Sở KH&CN, phụ trách Trung tâm Công nghệ sinh học cho biết: “…Ví dụ, khi về Trung tâm Công nghệ sinh học công tác, các em không có phòng thí nghiệm tiên tiến nên rất khó làm việc và sẽ bỏ đi. Đối với ngành công nghệ, không có máy móc hiện đại là không làm việc được. Ngoài ra, thu hút nhân tài về với hệ số lương chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng là quá thấp, đó là chưa kể việc trong quá trình chờ hỗ trợ chỗ ở thì phải mất 2-3 triệu đồng/tháng tiền thuê nhà”.
>> Từ câu chuyện lương tiến sĩ 3 triệu – lương ‘ô sin’ 5 triệu: Thất nghiệp thực và thất nghiệp ‘ẩn’
Trung tâm Xúc tiến đầu tư TP. Đà Nẵng có đến 15 người thuộc các đề án nhân tài xin nghỉ việc. Tại cuộc hội thảo này, Bà Huỳnh Liên Phương – Phó giám đốc Trung tâm cho biết: “Có nhiều người thu hút về làm rất tốt nhưng mỗi người có một động cơ, nhiều người cống hiến nhưng cũng có người ngồi làm chờ hết thời gian hợp đồng với thành phố rồi tìm cơ hội đi nơi khác”.
Đánh giá lại về hiệu quả từ chương trình đào tạo nhân tài, Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng nêu: “Vẫn chưa có sự phù hợp ở ‘mức tối đa’ giữa chuyên ngành đào tạo và công việc hiện tại, phần nào ảnh hưởng phấn đấu và thái độ làm việc của một số học viên đề án”. Điều này cho thấy nhiều học viên học xong trở về vẫn không được phân công công việc theo đúng sở trường.
Rõ ràng việc sử dụng nhân tài hiện nay còn rất nhiều vấn đề, chủ yếu nhất là do môi trường trong nước không phù hợp. Không chỉ ở Đà Nẵng mà các nơi không cũng như thế.
Môi trường giao tiếp ở Việt Nam cũng quá phức tạp, khiến đối với nhiều người học từ nước ngoài về không lý giải và thích nghi được.
Quán quân “đường lên đỉnh Olympia” lần thứ 5 Đỗ Lâm Hoàng chia sẻ với Soha rằng sau khi tốt nghiệp ở Úc, Hoàng có về Việt Nam 3 tháng và có cơ hội khá lớn vào làm việc cho một công ty viễn thông, tuy nhiên, bạn bè của Hoàng đều có lời dặn dò:
“Em về Việt Nam làm, có nhiều cái khác biệt so với nước ngoài. Khác biệt lớn nhất là: trong giao tiếp, có những cái em biết đôi khi em cũng không nên nói. Và nếu có biết cũng thể hiện lập lờ như mình không biết”
Và:
“Các em còn trẻ nên khi nói chuyện với những người lớn tuổi hơn, các em không nên thể hiện sự hiểu biết của mình.”
Đỗ Lâm Hoàng nói rằng những lời này khiến anh thực sự cảm thấy sốc về tâm lý và thấy rất khó khi trở về Việt Nam mà không được sống thật với con người của mình.
Một môi trường như vậy liệu có thể thu hút được nhân tài về nước hay không?
Trần Hưng
Xem thêm:
Từ khóa du học sinh không trở về bất cập đề án đào tạo nhân tài nhân tài Đà Nẵng không trở về Đà Nẵng bồi dưỡng sử dụng nhân tài